Vào mùa lễ hội năm nay, một số báo điện tử, các trang mạng xã hội sôi nổi đăng và bình luận bài báo “Phát hiện chấn động: Tấm, Cám có thật ở Bắc Ninh?”.
Bài này lúc đầu đăng trên Baophapluat.vn (10/2/2016), sau được vtc.vn đăng lại (12/2/2016). Bài viết giới thiệu một số tìm hiểu của tác giả Phong Châu từ năm 1960 của thế kỷ trước về truyền thuyết Tấm-Cám và mối liên quan giữa truyền thuyết với nhân vật lịch sử thời Lý: Nguyên phi Ỷ Lan. [1]
Phải nói rằng cái tít “Phát hiện chấn động…” quả có sức hút đối với mạng xã hội và một số người muốn tìm hiểu sự việc trong khi những ghi chép của tác giả Phong Châu hơn 50 năm trước có nhiều điều cần phải xem xét về tính xác thực của các tư liệu cũng như một số kết luận của tác giả.
Về phía báo chí chính thống có nên thận trọng khi đăng tải tài liệu đã xuất bản hơn 50 năm trước mà không cần quan tâm tới sự đúng sai, tới các công trình nghiên cứu khoa học hiện đại mới được công bố liên quan đến bài báo này?
Người Việt vốn có truyền thống “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, dù có khuyến khích hay ngăn cản thì mùa lễ hội vẫn cứ đến, đó có phải là nguyên nhân khiến một số địa phương tìm mọi cách quảng cáo cho lễ hội tại địa phương mình?
Đăng những bài viết có tính chất sưu tầm, nghiên cứu khoa học của các học giả tuy là một cách khéo léo nhằm thu hút khách thập phương nhưng không phải lúc nào cũng là cách mang lại hiệu quả, đặc biệt là khi thông tin đã trở nên lỗi thời, sai sự thật.
Người viết cho rằng, đưa lên báo những tìm hiểu hơn 50 năm trước với các kết luận chủ quan chưa được kiểm chứng thì sự thận trọng không bao giờ thừa.
Những gì liên quan đến khoa học lịch sử cần phải được tôn trọng, không nên lồng ghép các ý kiến chủ quan của người viết, của cơ quan truyền thông hay của địa phương có di tích lịch sử nhằm mục đích thu hút khách hành hương.
Vào mùa lễ hội năm nay, một số báo điện tử, các trang mạng xã hội sôi nổi đăng và bình luận bài báo “Phát hiện chấn động: Tấm, Cám có thật ở Bắc Ninh?” (Ảnh: tienphong.vn) |
Việc sử dụng bài báo để gắn di tích lịch sử đền Bà Tấm (xã Dương Xá) với ý nghĩa là quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan có thể chỉ đơn giản vì cả tác giả và cơ quan truyền thông đưa tin chưa có thông tin đầy đủ về nhân vật lịch sử này.
Tuy vậy cũng không loại trừ việc có tổ chức hoặc cá nhân đang tiến hành một chiến dịch quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của phật tử mùa lễ hội bởi lẽ số tiền thu được tại khu di tích này hàng năm lên đến nhiều tỷ đồng.
Bài viết trên Baophapluat.vn dẫn ý kiến tác giả Phong Châu: “Khi trước vua Thánh Tông đã 40 tuổi mà không có con đi cầu tự qua làng Thổ Lợi (sau đổi là Siêu Loại rồi lại đổi là Thuận Quang)”.
Cổng giao tiếp điện tử huyện Gia Lâm – Hà Nội viết: “Làng Thổ Lỗi sau đổi thành hương Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội)".
Những lễ hội lớn mở màn năm mới ở miền Bắc(GDVN) - Cứ đến dịp đầu năm mới, người dân Việt Nam lại nô nức tham gia những lễ hội truyền thống. Dưới đây là những lễ hội lớn ở miền Bắc trong dịp đầu năm mới. |
Kết luận trong hai tư liệu nêu trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào để kiểm chứng, có thể nói ngay đó là một sự ngộ nhận bởi cho đến nay chưa tìm thấy bất kỳ ghi chép hay chứng cứ lịch sử nào khả dĩ có thể chứng minh Thuận Quang hay Dương Xá ngày nay là Siêu Loại khi xưa cũng như việc vua Lý Thánh Tông đi qua Thuận Quang vào chùa Dâu cầu tự.
Chính sử ghi chép việc Nguyên phi Ỷ Lan hai lần nhiếp chính, một lần thay chồng (vua Lý Thánh Tông) khi vua đi đánh Chiêm Thành, một lần khi vua con (Lý Nhân Tông) còn nhỏ.
Sau khi vua Lý Thánh Tông chết, để tập trung quyền lực, ổn định chính sự trước họa xâm lăng từ phương bắc, với sự trợ giúp của Thái úy Lý Thường Kiệt.
Năm 1073 Nguyên phi Ỷ Lan được phong Hoàng Thái hậu, cùng với đó là việc diệt trừ mầm chống đối khi bức tử Hoàng hậu Thượng Dương và 72 cung nữ theo hầu.
Sau này, hối hận về việc đã làm, Nguyên phi Ỷ Lan cho xây rất nhiều chùa để chuộc lỗi. Không có tư liệu chính xác nhưng sử liệu ghi nhận số chùa được xây bằng với số người bị bức tử nghĩa là khoảng từ 72 đến trên 100 ngôi.
Ngày nay nhiều nơi có chùa do Nguyên phi Ỷ Lan xây đều nhận là quê hương bà, việc này cũng không có gì lạ.
Để có thể cung cấp cho bạn đọc một số thông tin khách quan liên quan đến bài báo “Phát hiện chấn động…” nêu trên, xin giới thiệu công trình nghiên cứu của hai tác giả Bùi Xuân Đính - Lê Thị Thu Hà đăng tại địa chỉ hoidantochoc.org.vn ngày 31/08/2005.
Bài viết này cũng đã được đăng trên Trang thông tin điện tử của Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ngày 16/1/2008. [2] Những tư liệu trong bài viết một phần được lấy từ công trình nghiên cứu này.
Trích dẫn dữ liệu trong Việt sử ký toàn thư, (tập I - nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1983, trang 286) các tác giả viết:
“Và làng Sủi - Thổ Lỗi chính là làng “trung tâm” của hương Thổ Lỗi thời Lý mà sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ "năm Thiên Huống Bảo Tượng (1068) đổi hương Thổ Lỗi thành hương Siêu loại vì đó là quê của Nguyên phi Ỷ Lan".
Không chỉ Đại việt sử ký toàn thư mà nhiều tài liệu, ghi chép khác đều thống nhất quan điểm quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan là Thổ Lỗi hay Siêu Loại. Vấn đề là còn có những tư liệu gì củng cố cho nhận định này và ngày nay địa danh này (Siêu Loại) có tên là gì và nằm ở đâu?
Những ghi chép từ thời nhà Lý được lưu trong Việt sử lược (Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, năm 1959, trang 227) ghi: “Tháng 3 năm Ất Mùi (1115), chùa Sùng Phúc ở hương Siêu loại làm xong” cho thấy ở hương Siêu Loại thời Lý có ngôi chùa mang tên là Sùng Phúc.
Trên suốt một dẻo đường từ quốc lộ 5 vào Thuận Thành - Bắc Ninh, các địa danh Dương Quang, Dương Xá, Phú Thị, Đặng Xá đến Kim Sơn, Thuận Thành đều gắn với các tên cổ (chỉ có một từ) như Bần, Đanh, Đá, Vàng, Vo, Vụi, Sủi, Keo, Dâu, Lim, …).
Tại khu vực này, chỉ một nơi duy nhất có chùa Sùng Phúc, đó là “Đại Dương Sùng Phúc tự” tức chùa Sủi (Phú Thụy) ngày nay. Điều này được khẳng định dựa vào ba tấm bia trong khuôn viên khu di tích Đình-Đền-Chùa làng Sủi (Phú Thụy) đã được nhà nước xếp hạng.
Bia “Cúng Phật sản bi” (dựng năm 1633); bia “Đại Dương tự bi kí” (dựng năm 1636); và bia “Đại Dương Sùng Phúc tự ký” (dựng năm 1651). Bản dập các văn bia hiện được lưu trữ tại Viện Hán Nôm.
Nhận xét về tấm bia “Đại Dương Sùng Phúc tự”, cố GS Trần Quốc Vượng đã viết:
"Tấm bia này rất quan trọng vì nó ghi được tên chùa là Đại Dương Sùng Phúc tự mà Việt Lược sử chép “năm 1115 chùa Sùng Phúc ở hương Siêu Loại được hoàn thành”. Đó là chùa Đức Bà xây dựng ở quê mình”. [2]
Tiếc rằng vì một số lý do tế nhị nào đó, lúc còn sống GS Trần Quốc Vượng đã không thể công bố công khai các ý kiến của mình.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa sẽ đi kiểm tra đột xuất tại các Lễ hội(GDVN) - Trao đổi với phóng viên chiều 13/2, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, năm 2016, Bộ chỉ đạo sát sao về công tác quản lý lễ hội. |
Một bài viết đăng ngày 12/11/2012 có tiêu đề: “Góc khuất trong cuộc đời lẫy lừng của bà Nguyên phi hai lần buông rèm nhiếp chính” có đoạn: “Cô thôn nữ được đón về cung vua ấy là Yến cô nương xinh đẹp, nết na của làng Siêu Loại (Sủi)”. [3]
Trong bài “Phát hiện chấn động…” tác giả Phong Châu đã cố tình ghi một cách lấp lửng địa danh “Mả Nàng” nằm cách Dương Quang chừng 1 km là nơi chôn cất các cung nữ theo hầu Hoàng hậu Thượng Dương.
Sự thật là cho đến tận ngày hôm nay, “Quán Mả Nàng” vẫn là nghĩa trang riêng của làng Sủi không liên quan đến Dương Quang hay Dương Xá.
Tuy nhiên có một sự thật mà tác giả Phong Châu không thể không nhắc đến trong tìm hiểu của mình là tục rước nước. Hàng năm khi xã Dương Xá tổ chức lễ hội tại đền Bà Tấm, trước khi lễ hội diễn ra, các vị cao niên trong làng (xã) phải lên chùa Sủi làm lễ rước nước (xin nước tại giếng chùa Sủi) về chuà Bà Tấm.
Theo phong tục cổ, việc làm lễ rước nước từ chùa Sủi về chùa Bà Tấm cho thấy chùa Sủi là chùa chính (chùa mẫu) còn chùa Bà Tấm (Dương Xá ngày nay) là chùa thứ.
Khi nhà nước có chủ trương công nhận các di tích văn hóa, lịch sử, di tích chuà Bà Tấm được công nhận trước chùa Sủi, nhờ nằm ở vị trí thuận lợi ngay cạnh đường 5 nên lượng phật tử đến chùa Bà Tấm ngày càng đông.
Không hiểu vì lý do gì mà ban quản lý di tích chùa Bà Tấm và những người cao tuổi ngày nay ở địa phương này đã bỏ tục rước nước từ chùa Sủi về chùa Bà.
Phải chăng việc làm này chỉ nhằm mục đích đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị lễ hội hay còn ngầm chứa ẩn ý rằng đền Bà Tấm - Dương Xá mới là nơi thờ phụng đích thực Nguyên phi Ỷ Lan và chùa Bà Tấm mới đúng là ngôi chùa dưng trên quê hương bà?
Kỳ quan cột đá chùa Dạm, Bắc Ninh(GDVN) - Cột đá hình rồng phượng nặng trên 50 tấn được đồn đoán là vật trấn yểm của Cao Biền trên đỉnh núi Dạm (Bắc Ninh) đã thu hút nhiều nhà khoa học. |
Nhiều năm trước, khi tổ chức lễ hội, ban tổ chức chùa Bà Tấm đã căng một tấm phướn hướng ra phía quốc lộ 5 rộng hơn chục mét vuông với dòng chữ “Kỷ niệm ngày đăng quang của Nguyên phi Ỷ Lan”.
Người viết khi đó đã phải rỉ tai nói nhỏ với anh Đường, nguyên Phó phòng Văn hóa huyện Gia Lâm, rằng: “Dương Xá đang vu cho Nguyên phi Ỷ Lan tội cướp ngôi vua, đó là tội chu di cửu tộc”.
Nguyên phi Ỷ Lan chỉ hai lần nhiếp chính (thay vua xử lý công việc triều chính) chứ chưa bao giờ đăng quang (lên ngôi vua). Về sau tấm phướn này mới không được căng ở trước cổng khu di tích chùa Bà Tấm nữa.
Từ các tư liệu lịch sử còn lưu giữ đến ngày nay, so sánh đối chiếu với truyền thuyết, với các địa danh vẫn còn giữ nguyên tên cổ, người viết tán đồng quan điểm của các nhà nghiên cứu rằng:
“Tư liệu này cùng với truyền thuyết, hệ thống bia, bản khai thần tích và đặc biệt là lễ thức “Bông, Sòng” trong ngày hội là cơ sở đáng tin cậy để có thể cho rằng, làng Sủi là “chính quê” của (Nguyên phi) Ỷ Lan”. [2]
Trở lại bài “Phát hiện chấn động: Tấm, Cám có thật ở Bắc Ninh?”, tác giả cho rằng: “Tấm Cám lại hóa ra Lý triều đệ tam hoàng thái hậu, thật kỳ lạ! Lý triều đệ tam hoàng thái hậu là Ỷ Lan thái phi, một nhân vật khá đặc biệt đời Lý. Ỷ Lan thái phi là ai?”
Về điều này, cần có sự phân biệt giữa nhân vật lịch sử và sự thần thánh hóa trong dân gian để tránh những ngộ nhận không đáng có. Nhiều nơi thuộc tỉnh Bắc Ninh trong đó có khu vực Dương Xá, Phú Thụy (Sủi) đều kiêng từ “Tấm-Cám” mà thay bằng “Đớn-Bổi”.
Cả khu vực này chỉ có làng Sủi có nghĩa địa mang tên “Mả nàng” liên quan đến chuyện giết các cung nữ mà sau này được dân gian hóa thành chuyện Tấm giết Cám trả thù.
Cả khu vực này chỉ duy nhất làng Sủi có chùa Sùng Phúc và tục rước nước từ chùa Sủi về chùa Bà Tấm trước khi mở hội là một sự thật mà những người cao tuổi ở Dương Xá ngày nay vẫn công nhận.
Nhắc đến chùa Sủi, có những câu chuyện không phải ai cũng biết. Xin trích lược một số bài báo liên quan giữa chùa Sủi với Đại trướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình: “Tấm vải vàng đặc biệt trong lễ tang Đại tướng” - báo điện tử Tienphong.vn (17/10/2013):
“Đại đức Thích Thanh Phương (trụ trì chùa Sủi) cho biết, cá nhân ông và chùa Sủi có nhân duyên hội ngộ với gia đình Đại tướng từ đầu những năm 2000. Vào các dịp lễ, Tết, gia đình Đại tướng thường đến chùa làm lễ, cầu an…
Đầu xuân 2005, nhà chùa đang tôn tạo lại một số hạng mục đã xuống cấp, đích thân Đại tướng đã cung tiến 2 triệu đồng và dặn: “Đây là tiền được trích từ lương của tôi, mong nhà chùa nhận lấy”. [4]
Đài Tiếng nói Việt Nam (vov.vn) ngày 10/10/2013 có bài: “Hàng nghìn Phật tử dự lễ cầu siêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, bài báo viết:
“Hôm nay (10/10), chùa Vân Hồ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tổ chức lễ cầu siêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn…
Đại lễ cầu siêu cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Thượng tọa Thích Thanh Phương, trụ trì Chùa Sủi (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) và Tịnh Viện Vân Sơn (Xã Hồ Sơn - Tam Đảo - Vĩnh Phúc) làm chủ lễ”.
Diễn đàn của Tăng Ni Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước có bài: “Lễ cầu siêu cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chùa Sủi”.
Bài báo viết: “Hôm ngày 16 tháng 11 năm 2013 (tức ngày 14 tháng 10 Quý Tỵ). Chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc Tự, thôn Phú Thụy, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội tổ chức lễ cầu siêu cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn”. [5]
Con, cháu Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm cùng Đại đức Thích Thanh Phương (chùa Sủi). (Ảnh: phattuvietnam.net) |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn là thầy giáo môn Lịch sử, không phải ngẫu nhiên trong số hàng trăm chùa trên địa bàn Hà Nội, Đại tướng cùng gia đình lại chọn chùa Sủi làm lễ cầu an.
Cũng không phải ngẫu nhiên khi Đại tướng khuất, gia đình Đại tướng đã đề nghị Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Sủi cùng 3 vị chư tăng khác thực hiện các nghi lễ tâm linh cho anh linh Đại tướng như cầu an, lễ Triệu Tổ, trì chú khi an táng… từ khi nhập niệm tại quân y viện 108 đến khi an táng tại Vũng Chùa, Quảng Bình.
Ngoài gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một số vị lãnh đạo cấp cao Đảng, Quốc hội năm nào dịp Tết âm lịch cũng về chùa dâng hương lễ phật.
Các sự kiện từ cổ đại cho đến ngày nay cho thấy chùa Sủi (Đại Dương Sùng Phúc tự) chính là một địa danh văn hóa tâm linh vẫn giữ được nguyên vẹn tính chân thiện, thanh tịnh từ nghìn năm nay khiến người dân và các bậc hiền tài đất nước tin tưởng.
Việc xác định đâu là chính quê của Nguyên phi Ỷ Lan không quá quan trọng nếu mục đích chỉ là nghiên cứu khoa học nhằm làm sáng tỏ những điều chưa rõ trong truyền thuyết. Lợi dụng tên tuổi của các nhân vật lịch sử, các địa danh thờ cúng tâm linh nhằm các mục đích khác mới là điều đáng nói.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc, nhất là những người thiện tâm hướng phật tìm được nơi gửi gắm niềm tin, để mùa lễ hội mang lại an bình, thư thái cho bản thân và gia đình.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://baophapluat.vn/xa-hoi/phat-hien-chan-dong-tam-cam-co-that-o-bac-ninh-261841.html
[4] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tam-vai-vang-dac-biet-trong-le-tang-dai-tuong-651216.tpo