Lãnh đạo Bộ Văn hóa sẽ đi kiểm tra đột xuất tại các Lễ hội

14/02/2016 05:55
Thanh Liêm
(GDVN) - Trao đổi với phóng viên chiều 13/2, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, năm 2016, Bộ chỉ đạo sát sao về công tác quản lý lễ hội.

Ngày 13/1, tôi đã trực tiếp ký Quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra do trực tiếp Bộ trưởng và các Thứ trưởng làm trưởng đoàn để đi kiểm tra các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí mừng Đảng, đón Xuân Bính Thân và công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết. 

Theo đó, từ ngày 16/2 đến ngày 31/3/2016, các Đoàn kiểm tra do Bộ trưởng và các Thứ trưởng làm trưởng đoàn sẽ đến kiểm tra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước theo kế hoạch và có những đoàn kiểm tra đột xuất (không theo kế hoạch).

Nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí mừng Đảng, đón Xuân Bính Thân và công tác quản lý, tổ chức lễ hội, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, tổ chức hoạt động lễ hội. 

Lãnh đạo Bộ Văn hóa sẽ đi kiểm tra đột xuất tại các Lễ hội ảnh 1
Năm 2015, Bộ trưởng Hoàng Tuần Anh đã trực tiếp đến kiểm tra tại các Lễ hội ở nhiều tỉnh thành phố (Ảnh: Thanh Liêm)

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và nâng cao trách nhiệm giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. 

Đối với công tác quản lý lễ hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức lễ hội và Thông tư này; thanh tra Bộ có trách nhiệm  thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý và tổ chức lễ hội theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao), Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về lễ hội và Thông tư này trên địa bàn. 

Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tăng cường phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao) trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. 

Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao) phải kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuân thủ chỉ đạo của Bộ trưởng

Trong sáng 13/2 (mùng 6 Tết Bính Thân), lễ hội truyền thống làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh) bắt đầu. 

Khác với mọi năm, năm nay việc chém lợn ở đây không còn diễn ra công khai giữa sân đình và tuân thủ thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa sẽ đi kiểm tra đột xuất tại các Lễ hội ảnh 2
Việc chém lợn đã không diễn ra công khai (Ảnh: Thanh Liêm)

Ông Nguyễn Đăng Thức, thành viên Ban tổ chức lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (TP. Bắc Ninh) cho hay, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh, thành phố, địa phương cùng các cụ cao niên đã tiến hành họp nhiều lần bàn việc chém lợn. 

Theo đại diện Ban tổ chức lễ chém lợn làng Ném Thượng, các cụ trong làng cùng đại diện các ban ngành thống nhất không thực hiện nghi lễ chém lợn giữa sân đình như mọi năm.

Một số cụ cao niên trong làng khi được hỏi cũng cho rằng, “dù chưa đúng với nghi lễ xưa nhưng thực hiện như năm nay cũng đã thể hiện nét văn hóa, văn minh trong lễ hội”.

Ngày 22 tháng 12 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký Thông tư số: 15/2015/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức lễ hội, theo đó yêu cầu:

"Không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo…".

Các lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) có tục chém lợn, lễ hội Cầu trâu (Hương Nha, Phú Thọ) có tục dùng búa đập vào đầu trâu đến chết, lễ hội đâm trâu (Tây Nguyên)… đều nằm trong nhóm có yếu tố bạo lực. 

Theo Thông tư 15, nếu không thay đổi cho phù hợp, các lễ hội này sẽ không được tổ chức và bị xử phạt theo Nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Thanh Liêm