Đại biểu quốc hội cho rằng khởi tố ông Phí Thái Bình vẫn chưa đủ

25/05/2017 13:57
TRINH PHÚC - QUỐC TOẢN
(GDVN) - Sai phạm trong đường nước ống nước sông Đà còn liên quan đến tổ chức, đơn vị được giao thực thi nhiệm vụ.

Sai phạm trong vụ đường nước ống nước sông Đà còn liên quan đến tổ chức

Cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex với hành vi "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại doanh nghiệp này.

Một số ý kiến cho rằng, việc khởi tố ông Phí Thái Bình thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật ngay cả khi họ đã về hưu.

Trong khi đó, ông Thào Xuân Sùng, Phó Chủ nhiệm Ban Dân vận Trung ương cho rằng, ngoài ông Bình, sai phạm trong vụ việc nói trên còn liên quan đến tổ chức, đơn vị được giao thực thi nhiệm vụ việc.

"Việc cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố ông Bình đúng.

Đại biểu quốc hội cho rằng khởi tố ông Phí Thái Bình vẫn chưa đủ ảnh 1

Khởi tố ông Phí Thái Bình là củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước

Nhưng phải xem xét trách nhiệm có liên quan từ chủ trương cho đến tổ chức đến thực hiện, chứ không chỉ xử lý mình ông Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Việc khởi tố nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới chỉ làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Những sai phạm trong đường nước ống nước sông Đà còn liên quan đến tổ chức, đơn vị mà được giao thực thi nhiệm vụ.

Việc này liên quan đến quyết định mang tính nguyên tắc, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", ông Sùng nói với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bên lề quốc hội sáng nay (24/5).

Ông Thào Xuân Sùng, Phó Chủ nhiệm Ban Dân vận Trung ương (ảnh: Trinh Phúc).
Ông Thào Xuân Sùng, Phó Chủ nhiệm Ban Dân vận Trung ương (ảnh: Trinh Phúc).

Theo Phó Chủ nhiệm Ban Dân vận Trung ương, việc cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án nói trên là cơ hội để cấp uỷ, chính quyền xem xét một cách thấu đáo dự án này, và rút kinh nghiệm trong triển khai dự án lớn liên quan tới vấn đề quốc kế dân sinh.

"Khởi tố là để xem có cố ý hay không, có hành vi phá hoại hay không chứ không có nghĩa khởi tố là có tội. 

Do đó, tôi rất là đồng tình với Trung ương Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc làm rõ trách nhiệm người đứng đầu ở trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý.

Nhưng một giám đốc doanh nghiệp để xảy ra sự cố như Vinaconex tức là anh thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân giao cho anh không đến nơi đến chốn", ông Sùng nhận định.

Thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ người đứng đầu

Ông Sùng cho rằng, việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong thời gian tới đây sẽ thúc đẩy công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các quy chế, quy định, quy trình để thực thi trách nhiệm chức năng nhiệm vụ của người đứng đầu.

"Bản thân người đứng đầu cũng mong muốn chức năng nhiệm vụ của mình được thể chế

Đại biểu quốc hội cho rằng khởi tố ông Phí Thái Bình vẫn chưa đủ ảnh 3

Khởi tố ông Phí Thái Bình vì những vi phạm nghiêm trọng tại Vinaconex

hóa, được cụ thể hóa để thực thi chức năng nhiệm vụ", ông Sùng nêu quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Ban Dân vận Trung ươngđề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện các văn bản để người đứng đầu hoàn thành thể chế để giúp người đứng đầu hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao.

"Làm sao, để hiện tượng làm trái, sai phạm trong quản lý kinh tế cũng như quản lý nhân sự trong những năm tới sẽ thu hẹp", ông Sùng nói.

Trước đó, ngày 15/7/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an có kết luận điều tra bổ sung đã xác định: Sau 18 lần vỡ đường ống nước Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex đã phải bỏ ra 13,4 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa, 177.000 hộ dân không được cấp nước trong thời gian 343 giờ, lượng nước không được cấp là 1,5 triệu m3.

Doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm số tiền hơn 1000 tỷ đồng để xây dựng khẩn cấp thêm một đường ống mới. Thiệt hại là đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài 9 bị can đã khởi tố, Cơ quan điều tra cũng xác định một số thành viên Hội đồng quản trị của công ty là các ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, (sau này là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội); Nguyễn Văn Tuân, Tổng Giám đốc; Các ông Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm là các thành viên Hội đồng quản trị có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

Quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực đã gây nên hậu quả như trên là có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật hình sự.

Trước đó, từ tháng 2/2012 đến tháng 9/2015, tuyến ống nước sạch sông Đà - Hà Nội bị vỡ 14 lần, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỉ đồng để khắc phục sự cố. Hậu quả những sự cố này khiến doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho Hà Nội trong thời gian 343 giờ, lượng nước ngừng cấp là hơn 1,5 triệu m³, gây ảnh hưởng đến 177.000 hộ...

TRINH PHÚC - QUỐC TOẢN