Trong một ngày cận kề với dấu mốc lịch sử 14/3/1988 chúng tôi có dịp gặp gỡ những người cựu binh, tù binh đã từng chiến đấu trong trận hải chiến Gạc Ma năm nào. Tuy 28 năm đã trôi qua, nhưng từng chi tiết nhỏ của trận đánh bảo vệ chủ quyền vẫn được những cựu binh ghi nhớ rõ.
Với họ, đó đã là một phần của máu thịt bản thân, không thể quên và không bao giờ được phép lãng quên.
Cuộc chiến không cân sức
Cựu binh Trần Thiên Phụng (phường 2,TP. Đông Hà, Quảng Trị) nhớ lại: “Trận đánh đó tuy chỉ diễn ra trong khoảng chừng 30 phút nhưng những mất mát là quá lớn.
Khuya 13 rạng sáng 14/3/1988, 4 đồng chí bơi giỏi nhất nhận được lệnh từ chỉ huy bơi vào đảo để cắm cờ. Đến sáng sớm 14/3 thì chiến sự bắt đầu nổ ra.
Bên ta chỉ có ba tàu nhưng chỉ là tàu vận tải, vũ khí thô sơ, lực lượng lại ít. Để vào được đảo anh em phải đóng 1 chiếc cọc, lấy 1 sợi dây nối từ thuyền vào đảo rồi dùng bè cao su men giữa sóng to gió lớn để vào bờ.
Quân địch thì đông, lại sử dụng tàu chiến hiện đại. Chúng sử dụng tàu cao tốc nên chẳng mấy chốc đã bao vây được quân mình. Cuộc chiến quả là không cân sức”.
Cựu binh Trần Thiên Phụng cho chúng tôi xem những giấy tờ liên quan. Ảnh: Trị Quảng |
Mặc dù chênh lệch về lực lượng nhưng chiến sĩ ta vẫn cố gắng bám trụ quyết bảo vệ lá cờ tổ quốc. Đến khoảng 8h30 thì thuyền của anh bị bắn chìm. Anh Phụng bị một mảnh pháo cắt sâu vào cánh tay phải và rơi xuống biển.
May mắn sao lúc đó người lính trẻ víu được vào một tấm gỗ, lênh đênh trên biển đến chiều tối thì bị quân địch bắt giữ đưa về bán đảo Lôi Châu làm tù binh nên mới sống sót đến bây giờ.
Sau ngày nổ ra trận chiến, 64 chiến sĩ của ta đã anh dũng ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh sự mất mát đó, có 9 chiến sĩ cũng bị quân địch bắt đưa về bán đảo Lôi Châu làm tù binh.
Những năm tháng tù ngục cũng là những ký ức khó quên đối với những cựu binh này.
Tờ giấy nhắn tin chi chít chữ mà cựu binh Trần Thiên Phụng được gửi về nhà từ trại tù binh. Ảnh: Trị Quảng |
1000 ngày trên bán đảo Lôi Châu
Trong số 9 chiến sĩ bị địch bắt giam chiều 14/3/1988 có thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thống (Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Kể về những ngày bị địch giam cầm, anh Thống xúc động:
"Khi mình vào trại giam, địch hỏi cung nhiều lắm, nhất là chuyện trên đảo. Mình nói mình chẳng biết gì cả. Nó dọa dẫm đủ thứ, nhưng anh em nhất định không hé răng nửa lời.
Nhiều lúc bức xúc quá phát khùng cũng gây gổ với cai ngục. Tôi còn nhớ có một anh người Hà Nam, bị giam lâu ngày nên tìm cách vượt ngục.
Anh xé quần áo làm thành sợi dây, nối từ tầng hai xuống, nhân cơ hội mà trốn thoát. Nhưng Lôi Châu là bán đảo, nhìn đâu cũng là nước, trốn ra rồi biết đi đâu. Chỉ vài hôm sau lại thấy anh bị bắt, lúc đó còn cực khổ hơn nhiều."
Đời thường của cựu binh Gạc Ma Trần Thiên Phụng. Ảnh: Trị Quảng |
Hơn 1000 ngày bị ngục tù thì đến một hôm có đoàn Chữ thập đỏ quốc tế vào thăm. Bọn cai ngục dặn trước tù binh Việt Nam phải nói rằng mình sang xâm lược Trung Quốc nên bị bắt.
Anh kể: “Bộ đội ta không chịu bảo Trung Quốc xâm lược Việt Nam nên phải đánh trả, ai hỏi cũng trả lời như thế. Bọn chúng phải chịu thua. Sợ dư luận quốc tế, Trung Quốc cho tù binh được gởi thư về nhà nhưng chỉ được viết vỏn vẹn hai mươi lăm chữ với nội dung: con đang ở Trung Quốc, gia đình cứ yên tâm”.
Dù bị cấm như vậy nhưng được sự cho phép của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, các anh được viết hết trong tờ giấy nhắn tin về nhà.
“Vì xa nhà đã lâu nên dù chỉ được viết thư vào một tờ giấy nhỏ nhưng anh em vui lắm. Cố gắng viết chữ thật nhỏ lại để có thể nói hết những điều cần thiết cho người thân ở nhà được biết và an tâm”, anh Phụng chia sẻ.
Mãi đến năm 1991, sau ba năm bị giam giữ các anh mới được trở về đoàn tụ với gia đình mình.
May mắn không bị bắt làm tù binh nhưng những hồi ức về trận đánh Gạc Ma năm nào đối với hai cựu binh Trần Quang Dũng (Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị và Trần Xuân Bình (Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị) cũng không kém phần bi hùng.
Đau đáu nỗi niềm với biển đảo
Là đôi bạn thân từng ăn chung, ngủ chung, cùng chiến đấu trong cùng một đơn vị, xuất thân từ vùng biển nên bơi rất giỏi, Trần Quang Dũng và Trần Xuân Bình chính là 2 trong 4 chiến sĩ đầu tiên được chỉ huy phân công lên cắm cờ trên đảo Gạc Ma rạng sáng 14/3/1988.
Cựu binh Trần Xuân Bình kể chuyện về trận đánh Gạc Ma. Ảnh: Trị Quảng |
Hôm nay khi ngồi kể lại câu chuyện năm nào, cựu binh Trần Xuân Bình không khỏi xúc động. Bao lâu nay vẫn thế, mỗi lần nhắc đến Gạc Ma anh lại không cầm được nước mắt.
Cũng chính vì lí do này mà khi được trường THPT Cồn Tiên mời về kể chuyện Gạc Ma cho các em học sinh nghe, dù rất muốn nhưng anh đành phải từ chối .
Anh kể: “Trận Gạc Ma, chúng tôi không quên! Lúc đó chúng tôi còn trẻ quá, chỉ mười tám đôi mươi. Tôi còn sống để về lập gia đình, nhưng đồng đội nhiều người có về nữa đâu, anh em còn thiệt thòi hơn chúng tôi rất nhiều.
Tôi đặt tên cho con mình là Trường và Sa. Sau này cháu mình tôi cũng đặt là Lin và Len theo tên của hai đảo Cô Lin và Len Đao để chúng không quên những dấu mốc này”.
Cựu binh Trần Quang Dũng sau ngày trở về thì bám lấy biển để mưu sinh. Tuy tàu nhỏ chỉ đánh bắt gần bờ nhưng mỗi năm nếu ra biển đúng ngày 14/3 anh vẫn làm một mâm cơm rồi cầu khẩn cho những đồng đội không may phải nằm lại nơi biển đảo.
Với người cựu binh này, anh luôn đau đáu một nỗi niềm với biển: “Tôi mong sao có thể vay được khoảng 2 tỷ đồng, đóng một con tàu thật lớn đặt tên là "Tàu bộ đội" rồi kêu gọi những đồng đội còn sức khỏe hoặc là con em của họ chưa có việc làm ổn định để cùng nhau vươn khơi bám biển, vừa làm kinh tế cho bản thân, vừa bảo vệ biển đảo quê hương mình".
Cựu binh Trần Quang Dũng luôn mong muốn có một con tàu lớn để vươn khơi bám biển. Ảnh: Trị Quảng |
Dù điều kiện của những người lính Gạc Ma sau ngày trở về còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng năm nào cũng vậy cứ đến mỗi dịp tháng 3 về họ lại cố gắng gặp mặt nhau cho bằng được, vừa để thăm hỏi vừa nhắc nhở nhau không được quên sự mất mát của đồng đội trong cuộc hải chiến năm nào.
“Trong buổi gặp gỡ đó bao giờ cũng không được thiếu các phần: chào cờ, ôn lại lịch sử và mặc niệm cho những đồng đội đã hy sinh”, cựu binh Trần Xuân Bình chia sẻ.
Mỗi khi có chương trình ủng hộ xây dựng biển đảo, họ là người đầu tiên đích thân đi vận động mọi người cùng tham gia. Trong cuộc sống đời thường những người cựu binh này cũng thường xuyên kể cho con cháu mình nghe về cuộc chiến chống quân xâm lược tại đảo Gạc Ma. Nhắc nhở cho thế hệ sau về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khi được hỏi về mong muốn của mình sau khi trở về, những người cựu binh Gạc Ma cũng cho biết thêm:
“Chúng tôi chỉ mong một lần được thăm lại chiến trường xưa, thắp cho đồng đội một nén hương để tưởng nhớ. Đó là mong muốn từ rất lâu rồi nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thực hiện được. Hy vọng một ngày sớm nhất có thể hoàn thành tâm nguyện này”.