Xin hỏi: Người Việt có muốn mình “đậm nét” hơn trên bản đồ tri thức thế giới?
Đại học Việt có cần nhiều hơn những bài báo công bố quốc tế?
Thảm đỏ là gì nếu không phải là con đường êm ái cho tài năng thẳng tiến?...
Từ trước tới nay những người tiến bộ luôn nhìn vào nền giáo dục đại học Mỹ bằng con mắt nể phục.
Thậm chí liên kết đào tạo với các đại học Mỹ như là một slogan quảng bá đầy hấp dẫn người học.
Cũng vì cái “mùi” đại học Mỹ quá thơm nên một trường “ma” nào đó vẫn có thể cấp văn bằng Tiến sỹ cho người học cách xa hàng chục ngàn cây số.
Chuyện chẳng hay ho gì nhưng để thấy rằng vị thế của giáo dục đại học Mỹ thật sự đẳng cấp.
Còn giáo sư Mỹ? Đương nhiên từ lâu đã được nhiều người công nhận là trên nhiều bậc so với mặt bằng giáo sư ở các nước kém phát triển.
Thật khó xây dựng một trường đại học tầm cỡ mà không có chất xám của những giảng viên, nhà khoa học hàng đầu.
Những Massachusetts, Chicago, Califonia, Havard, Stanford…(Mỹ) đều giống nhau như thế.
Ở Mỹ có một trường đại học tên là Utah (University of Utah) xếp hạng thứ 82 toàn Mỹ.
Nơi đó có một giáo sư người Việt nổi tiếng trong làng Hóa học quốc tế, ông là Trương Nguyện Thành - người mặc quần đùi lên bục giảng gây xôn xao dư luận trong nước hồi năm ngoái.
Giáo sư Trương Nguyện Thành (Ảnh minh họa: Vietnamnet). |
Để biết câu chuyện sau đây oái ăm thế nào, xin vài dòng trích ngang về thành tích khoa học đáng nể của giáo sư Thành.
Lúc chỉ mới là cử nhân Hóa học - tấm bằng mà hết 99,9% cử nhân ở Việt Nam không dám nghĩ về một công bố quốc tế, ông Thành đã có 4 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Năm 1993, đoạt giải “Một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ”.
Năm 2002, được phong giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.
Năm 2005, ông được Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán.
Sau đó, giáo sư Trương Nguyện Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và công nghệ tính toán Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 1992 đến nay Trương Nguyện Thành có đến 200 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Thử so sánh, năm 2016 cả nước (mấy chục ngàn Tiến sỹ và giáo sư) nhưng chỉ có 3.814 bài báo công bố ISI.
Chừng đó đủ chứng minh ông Thành là nhà khoa học không phải bình thường, nếu không muốn nói là xuất chúng.
Tuy nhiên, giáo sư Thành không thể làm hiệu trưởng một trường đại học tư thục ở Việt Nam vì một lý do rất hành chính, khó cãi:
“Không đủ 5 năm làm quản lý cấp khoa, phòng một trường đại học ở Việt Nam” (Luật giáo dục đại học Việt Nam), mặc dù chức vụ hiện tại là Phó hiệu trưởng điều hành trường.
Kết quả giáo sư Thành đã nói lời giã biệt và quay trở lại Mỹ làm việc.
Vẫn biết luật và luật, ai cũng phải tuân thủ, nhưng trước hết, sinh viên Việt Nam mất đi một người thầy giỏi, đất nước mất đi một nhân tài từng được trải thảm mời về.
Tất cả đều biết kiếm tìm nhân tài giống như đãi cát tìm vàng, thiết kế quy phạm dưỡng tài năng phải có những điều khoản đặc biệt, ngoài thu nhập cần có những ngoại lệ được áp dụng đúng nơi, đúng lúc.
Bác Hồ từng mời Trần Đại Nghĩa từ Pháp về cống hiến cho đất nước, ông sẵn sàng bỏ mức lương tương đương 20 lạng vàng và cuộc sống ấm êm giữa nước Pháp hoa lệ.
Trần Đại Nghĩa trở thành Cục trưởng Cục quân giới đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trường đại học là nơi “sản xuất” tri thức, nơi đó trước tiên cần có con người dày chất xám chứ không phải kinh nghiệm quản lý hành chính.
Thực tế cho thấy đại học Việt Nam yếu và thiếu lĩnh vực nghiên cứu khoa học chứ không phải khâu quản lý.
Dấu ấn của một trường đại học đầu tiên là đội ngũ nhà khoa học giỏi.
Chúng ta cần tìm kiếm gì ở những cá nhân kiệt xuất?
Có phải là trí tuệ hay bề dày kinh qua các chức vụ quản lý?
Nếu cần tìm kiếm những người có bề dày “nhảy” ghế thì chẳng cần mất công trải thảm đỏ, còn muốn lĩnh hội tri thức thì hãy bỏ qua các rào cản hành chính.
Không có ngoại lệ nào cho những người như giáo sư Thành chăng?
Luật pháp luôn có tính lịch sử cụ thể, tức là mỗi quốc gia mỗi khác, song tri thức là vĩnh viễn, tri thức Mỹ hay tri thức Việt đều là tri thức, không có sự khác biệt nào cả, nhân loại không thể đi tìm một luật pháp chung nhưng luôn luôn tìm kiếm những định luật, quy tắc, công thức chung để mô tả tri thức.
Vô hình dung nhiều nhân tài gốc Việt khắp thế giới cảm thấy con đường thăng tiến ở quê nhà còn khó hơn cả những công trình khoa học tầm cỡ.
Vì một giáo sư như Trương Nguyện Thành mà sửa luật, điều đó hơi viễn vông. Nhưng giả sử xuất hiện thêm nhiều trường hợp tương tự thì không thể làm ngơ.
Người viết không dám tiếc cho trường hợp này, vì còn rất nhiều nhân tài “100% made in Viet Nam” tìm kiếm bến đỗ nơi xa xứ.
Chuẩn luật pháp có thể đổi thay như trở bàn tay, còn chuẩn tri thức – để thay đổi không phải dễ dàng.
Nghịch lý, chúng ta nỗ lực để tiệm cận với thế giới nhưng giữa tri thức quốc tế và chuẩn Việt Nam còn độ lệch quá lớn. Sự chênh lệch này không mang tính khách quan.
Giữa một người chuyên nghiên cứu khoa học không có thời gian “tìm” chuẩn làm lãnh đạo và những người chuyên “kiếm” chuẩn quản lý nên không…đủ thời giờ nghiên cứu khoa học có khác nhau hay không?
Phản chiếu con người qua các điều khoản gạch đầu dòng đôi lúc lợi bất cập hại.
Phải chăng đó là nguồn cơn sinh ra đủ thứ văn bằng, chứng chỉ, đôn đáo gom góp điều kiện đến một lúc nào đó cờ vào tay sẽ phất?
Anh giỏi, ai cũng biết, nhưng để thăng tiến phải căn cứ vào luật.
Tức là người ta đã mặc định cho bộ luật một nhiệm vụ rất nặng: tuyển chọn nhân tài.
Từ nay chẳng phải mất công trải thảm rồi…cuốn thảm, tất cả đã được quy phạm cả rồi.