Giáo sư, cái quần đùi và sự sáng tạo

28/04/2017 08:58
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Tôi thích thông điệp mà Giáo sư Thành muốn nói “cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội”.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Trương Khắc Trà, một cây bút quen thuộc trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả chia sẻ quan điểm của mình về chuyện Giáo sư Trương Nguyện Thành – Trường Đại học Hoa Sen, thành phố Hồ Chí Minh mặc quần soóc lên giảng đường dạy học.

Tác giả cho rằng hành động này của giáo sư ở trong hoàn cảnh này đó là sự sáng tạo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hình ảnh thường thấy và đương nhiên thấy của những người được trân trọng gọi bằng thầy là tề chỉnh quần áo, mũ mão phải tinh tươm, đạo mạo hơn người… không làm thầy. 

Điều này xuất phát từ quan niệm Á Đông cho rằng chuẩn mực trước đám đông là sự tôn trọng cần thiết, phép lịch sự tối thiểu.

Tuy nhiên, khái niệm chuẩn mực luôn luôn không tồn tại… tính chuẩn mực.

Giống như kiểu có khách lạ đến nhà bạn phải thay bộ đồ đĩnh đạc gọn gàng hơn, còn với chồng hoặc vợ bạn… cà vạt, comple trong phòng ngủ đôi khi đánh mất hạnh phúc gia đình như chơi!

Hồi năm nhất đại học, sống cùng dạy trọ với những bạn sinh viên trường nghệ thuật, nhạc viện, những môi trường đậm chất nghệ sỹ. 

Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc quần sooc ít phút trong sân chơi sáng tạo ở Trường Hoa Sen (Ảnh: CTV)
Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc quần sooc ít phút trong sân chơi sáng tạo ở Trường Hoa Sen (Ảnh: CTV)

Cảm giác đầu tiên của một thằng sinh viên tỉnh lẻ, bị “đóng khung” như tôi là sự diêm dúa, hư hỏng, mất nết của những cô cậu cùng lứa ăn mặc rách rưới phá cách, đầu xanh đầu đỏ.

Thay vì phải đóng thùng nghiêm chỉnh trước khi lên giảng đường như sinh viên sư phạm, chính trị thì họ thoải mái mặc quần soóc, đi dép lê vai mang nhạc cụ, đeo ống đựng đồ vẻ thản nhiên bước vào lớp học…

Trong số ấy có những người trở thành bạn thân với tôi, sau này ra trường cũng trở thành thầy giáo, cán bộ cấp Sở, Phòng, thậm chí cả lãnh đạo vừa vừa và tuyệt nhiên họ đã khoác lên mình sơ mi trắng, quần đen, comple, cà vạt, giày đen nghiêm chỉnh phát biểu trong những hội nghị.

Họ mặc quần đùi đến giảng đường không phải là chuyện gì đó quá ghê gớm về đạo đức nhân cách, có lẽ môi trường cần sự bay bổng, sáng tạo cao nên không có chỗ cho “đồng phục”.

Giáo sư, cái quần đùi và sự sáng tạo ảnh 2

Trường Đại học Hoa Sen lên tiếng việc “Giáo sư mặc quần sooc lên giảng đường”

(GDVN) - Theo đại diện Trường Đại học Hoa Sen, đây là việc làm thử nghiệm, chứ không phải là trang phục chính thức của giảng viên nhà trường.

Cái dị nhưng không phải dị hợm mà là khác người để sáng tạo.

Có lần, người viết chứng kiến cảnh những nữ sinh viên sư phạm văn trầm mình trong cơn mưa xối xả cuối hạ, ngồi trầm ngâm bất động dưới gốc cây bằng lăng dưới sân trường…

Hỏi ra mới biết, các bạn ấy đang viết kịch bản cho một phim ngắn nên cần cảm xúc thật… trong mưa!

Nhiều người chửi là “sến” nhưng như thế còn đỡ hơn những nghệ sỹ, nhà báo… viết bài, sáng tác thơ văn trong phòng lạnh, nhào nặn tác phẩm bằng sự tưởng tượng thuần túy xa rời thực tế.

Trong số những triết gia xuất chúng nhất trong lịch sử nhân loại – Nhà duy tâm biện chứng người Đức, G.W.F.Hêghen. Suốt 61 năm trong cuộc đời mình ông không ra khỏi ngôi làng nơi mình sinh sống. 

Nhưng với trí tưởng tượng siêu phàm ông đã… tưởng tượng ra quá trình khởi phát, tồn tại và phát triển, diệt vong của vũ trụ nhưng ở lĩnh vực tinh thần chứ không phải vật chất.

Hệ thống biện chứng của ông hoàn thiện đến mức sau này Các Mác chỉ việc “lật ngược” lại là xong. Nếu là dân triết bạn sẽ thấy Heghen vĩ đại đến cỡ nào.

Trở lại vấn đề vị giáo sư mặc quần đùi giảng bài khởi nghiệp cho sinh viên, dĩ nhiên trước khi có sự… cố ý này, ông Thành vẫn là một giáo sư khả kính tại Đại học Hoa Sen.

Trước khi ai đó “trùm” cái quần đùi lên nhân cách của một người làm thầy thì cũng nên uốn lưỡi vài lần.

Trước hết, ông Thành không dại dột và ấu trĩ đến nỗi coi thường người khác đến vậy, ông ta là một Giáo sư, có thừa kiến thức, am hiểu để biết thế nào là khiếm nhã với người khác, cho nên người viết không gọi đây là “vô tình” mà là “hữu  ý”.

Tất nhiên, cái “hữu ý” bao giờ cũng hàm chứa một thông điệp gì đó được tính toán từ trước.

Trao đổi với tờ Thanhnien.vn, Giáo sư Thành cho biết thông điệp đó: “Hình ảnh đó là trong buổi học nói về việc làm sao phát triển tư duy sáng tạo.

Ở đó, tôi nói rằng muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ của mình…

…Cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng, trong những gì chúng ta cho là được và không được… thì mới có khả năng sáng tạo.

Nếu không sẽ luẩn quẩn trong những điều hiện có và không thể đột phá được”.

Điều đáng “uốn lưỡi” tiếp theo là môi trường nơi vị giáo sư cởi bỏ… quần dài, đây không phải là một trường mẫu giáo hay phổ thông mà đó là môi trường đại học – nơi tập hợp những cá nhân đã đủ năng lực hành vi dân sự, thậm chí đủ năng lực nghiên cứu sáng tạo ra cái mới, định hướng xã hội.

Giáo sư, cái quần đùi và sự sáng tạo ảnh 3

Cái quần đùi của ông Trương Nguyện Thành không phải là… cái quần đùi!

(GDVN) - Nhiều người chỉ thấy tấm ảnh Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc quần đùi và áo vét trên giảng đường là xông vào ném đá, chửi bới, phê phán.

Nên sẽ là “lo bò trắng răng” nếu nói cái quần đùi của Giáo sư Thành làm vấy bẩn môi trường giáo dục, gieo vào mắt người học hình ảnh méo mó về người thầy!

Người viết không cổ xúy cho việc “cởi bỏ” trên giảng đường nhưng một buổi giảng về khởi nghiệp cho những doanh nhân tương lai không thể bó hẹp đóng khung trong tư duy cũ kỹ. 

Hình ảnh chiếc quần đùi lên lớp trong trường hợp này chẳng có gì to tát ầm ĩ, ngược lại thông điệp mang đến hoàn toàn tích cực. 

Sáng tạo đang là một điểm “nghẽn” trong sự phát triển tại Việt Nam, chúng ta đang đi trên những con đường quá sáo mòn, chẳng ai muốn “ngược gió” tìm cái mới lạ, sự an toàn luôn được đặt lên trên hết trong mọi nghĩ suy.

Chúng ta đang thiếu đi sự phá cách trong thể hiện, cũng như việc dạy và học theo cách đọc - chép vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ, sự sáng tạo trong giáo dục vẫn là một câu hỏi chưa ai trả lời.

Dân chúng nhiều quốc gia yêu thích Obama vì không phải ông ta là Tổng thống Hoa Kỳ, người đàn ông quyền lực nhất thế giới, đẹp trai như minh tinh mà ở phong cách giản dị khi giao tiếp với cộng đồng. 

Vì sao người ta nói nhiều đến bài phát biểu của Obama tại Trung tâm hội nghị quốc gia nhân chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái?

Có nhiều lý do nhưng chắc chắn, nếu cũng với ngôn ngữ ngoại giao, chính trị thông thường thì bài phát biểu không trở nên “sốt” như vậy! 

Ông còn ăn bún chả, xắn tay áo sơ mi ngồi nói chuyện thoải mái, trên đường ra Nội Bài còn dừng lại quán cóc mua cốm Hà Nội…

Giáo sư, cái quần đùi và sự sáng tạo ảnh 4

Lộ hình ảnh rất nhạy cảm nghi của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng

Tất cả những điều ấy đều thể hiện sự phá cách sáng tạo trong tiếp cận với cộng đồng, việc ngồi vỉa hè, đi bộ trên phố không làm hình ảnh các vị nguyên thủ bị tầm thường mà trái lại càng trở nên vĩ đại.

Văn hóa có thể khác nhưng phát minh, sáng tạo chỉ có một con đường duy nhất, ai đi trúng con đường đó mới hy vọng đến bến bờ vinh quang.

Tôi thích thông điệp mà Giáo sư Thành muốn nói “cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội”.

Điều chúng ta nên sốt sắng bây giờ không phải là “ném đá” hay “đỡ đạn” cho chiếc quần đùi ấy mà là nên thảo luận xem khi nào nên phá cách, phá cách ở đâu vì mục đích gì…?

Kẻ làm loạn giáo dục không phải là những thứ tương tự như chiếc quần đùi của vị giáo sư mà là hàng loạt vị có học hàm học vị không chịu đổi mới, sáng tạo. 

Những người gắn mác “thầy” đức cao vọng trọng nhưng bụng dạ tối om; đục khoét, lợi dụng giáo dục để ăn bám.

Trương Khắc Trà