LTS: Góp ý cho thay đổi sách giáo khoa, chương trình mà Bộ giáo dục đang tiến hành, cô Vy Thị Mỹ đã có bài viết này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Giáo viên đang trực tiếp dạy tiểu học mong muốn sách giáo khoa mới như thế nào? Làm sao để dạy được những lớp học sinh biết cách “học đi đôi với hành” “lý luận gắn liền với thực tiễn” nhằm phát triển năng lực người học một cách thực chất trong điều kiện môi trường giáo dục, nhất là về cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn chưa thể khắc phục ngay?
Chương trình sách thử nghiệm Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) được thiết kế theo hướng dạy học phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, phát triển năng lực tư duy học sinh nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Sách giáo khoa VNEN từ lớp 2 đến lớp 5 (gọi là Hướng dẫn học) cần xem xét những vấn đề sau:
- Sắp xếp lại mạch nội dung bài học: sách Hướng dẫn học sắp xếp mạch nội dung kiến thức chưa hợp lý trong khá nhiều bài, gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.
Ví dụ:
Bài 30B Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam (TV 5 tập 2B)
Mục tiêu: 1. Đọc - hiểu bài Tà áo dài Việt Nam.
2. Nắm vững cách tả con vật.
3. Kể được câu chuyện về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ tài năng.
A. Hoạt động cơ bản
1. Gọi đúng tên những trang phục của phụ nữ Việt Nam trong các bức ảnh sau …
2. Nghe thầy cô hoặc bạn đọc bài văn sau: TÀ ÁO DÀI VIỆT NAM
3. Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa :
4. Cùng luyện đọc :
5. Thảo luận, trả lời câu hỏi :
6. Mỗi em đọc một đoạn văn mà mình thích và giải thích vì sao thích đoạn văn đó.
B. Hoạt động thực hành
1. Điền vào chỗ trống trong phiếu sau để hoàn chỉnh cách làm bài văn tả con vật.………………………………………………………
Với một đầu bài như vậy mà xen vào mục tiêu tả con vật, thì quả là khó hướng dẫn. Khi đọc lên cũng có cảm giác không chuẩn. Ngoài ra trong Hướng dẫn học còn có rất nhiều lỗi văn bản, lỗi kiến thức.
Nội dung sách giáo khoa cần điều chỉnh để có thể “Học đi đôi với hành”. Ảnh: Mạnh Xuân |
- Nội dung sách giáo khoa cần điều chỉnh để có thể “Học đi đôi với hành”: Cắt giảm những nội dung được coi là nhồi nhét, hàn lâm, xa thực tế, nội dung chưa cần dạy ở độ tuổi tiểu học để có thời lượng cho các hoạt động thực hành, các nội dung giáo dục kỹ năng sống.
Đồng thời bổ sung những kiến thức có cung cấp những hiểu biết thực tế về các di tích lịch sử, về danh thắng của đất nước bằng những câu chuyện, những tranh ảnh đẹp nhiều hơn, chi tiết hơn nhằm giáo dục đạo đức, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước.
Ví dụ trong môn Toán, cần xác định khung kiến thức cơ bản sao cho dành thời lượng thích đáng để học sinh được thực hành. Việc vận dụng khái niệm “Toán học ngoài trời”(Outside math) là phương pháp dạy học rất phù hợp đối tượng học sinh tiểu học.
Nhưng nếu chương trình các môn học dày đặc như hiện nay thì khó thực hiện. Không có thực hành, thực tế thì vẫn sẽ có rất nhiều học sinh thản nhiên giải bài toán con cừu và tuổi của ông thuyền trưởng như chương trình VTV đã phát.
Hoặc về các môn học còn lại cũng cần gắn với thực tế.
Ví dụ: Môn TV lớp 5, Bài 33A Vì hạnh phúc trẻ thơ
Mục tiêu:
1. Đọc- hiểu bài Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2. ……………………………
Hoạt động 2. Nghe thầy, cô (hoặc bạn) đọc bài sau: (Nội dung bài là Điều 15;16;17; 21)
Các hoạt động tiếp theo là luyện đọc, giải nghĩa từ; tìm hiểu nội dung với những câu hỏi: Tên của Điều 15; 16…nêu những bổn phận của trẻ em được quy định trong luật; Trả lời câu hỏi: Em đã thực hiện được những bổn phận gì của trẻ em, còn những bổn phận gì cần tiếp tục cố gắng để thực hiện?
Hoạt động 7. Thi đọc nối tiếp 4 điều luật. (Hết tiết học)
Với thiết kế sách và thời lượng như vậy, chỉ có thể học chay, đọc vẹt chứ không gắn liên hệ thực tế được, vì vậy học rồi quên ngay.
Các em cần thêm nhiều thời lượng để lập nhóm trao đổi thảo luận những quyền đã được thực hiện tại địa phương em, những bạn nhỏ chưa được thực hiện quyền đó (thường do bố mẹ hoặc hoàn cảnh thật đặc biệt khó khăn) cùng với các minh chứng xác thực; cách khắc phục để quyền đó được thực hiện.
Những bổn phận em phải thực hiện, phân tích, thảo luận về thực hiện từng bổn phận phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của các em, xây dựng nội dung, thuyết trình, bảo vệ. Cách học đó giúp các em học tích cực, có tư duy phản biện, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Ví dụ khác: Tại Cao Bằng có Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó nhưng trong chương trình sách giáo khoa các môn học rất ít thông tin, hình ảnh về Pác Bó.
Khi trường tổ chức cho các cán bộ, giáo viên đến thăm quan, nhiều cô giáo đã rất xúc động. Hoặc khu rừng Trần Hưng Đạo, khu di tích Quốc gia đặc biệt của tỉnh Cao Bằng. Khi đến tận nơi, đọc những dòng chữ trên bia đá mà xúc động nghẹn ngào…
Nếu có những câu chuyện xúc động của những du khách, những học sinh được đến thăm những địa danh như vậy cộng với những ảnh đẹp sẽ có tác dụng giáo dục rất lớn đối với học sinh.
Và nếu chúng ta chưa có kinh phí cho những chuyến đi như vậy, thì tổ chức đi gần, có thể do phụ huynh đóng góp, tổ chức, học sinh ở địa phương nào được đến những địa danh ở địa phương đó, rồi chính các em sẽ là những người chuyển tải đến các bạn ở địa phương khác.
Với sự hỗ trợ của thông tin hiện đại, các em có thể trao đổi kiến thức về nhiều địa danh, nhiều chuyến đi tại mọi miền đất nước.
Đây là một trong những hình thức học từ thực tế rút ra kiến thức lịch sử, giáo dục đạo đức, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước hiệu quả nhất thay vì đọc các dòng chữ khô khan, kiến thức xa vời, rất xa lạ, khó hiểu với các em như trong sách giáo khoa hiện nay và nếu bài được chọn, có nhuận bút thì…càng khuyến khích học tập.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, học sinh phải hợp tác theo nhóm, lớp, tìm hiểu về địa danh đó bằng nhiều kênh thông tin, nêu ý thức bảo vệ di tích, lên phương án, thuyết trình bảo vệ…cộng thêm vài lần thuyết trình, bảo vệ thành công những nội dung học tập khác để nằm trong tốp được chọn trong chuyến đi, phát biểu cảm tưởng trước và sau chuyến đi… sẽ là cách học hiện đại và thực tế.
Chương trình VNEN có phần trải nghiệm ở nhà nhưng thực chất đó vẫn là các bài tập về nhà mà học sinh phải đọc, làm trong sách. Chỉ khác là có thêm yêu cầu: Thực hiện với sự giúp đỡ của người lớn; nói với bố, mẹ hoặc anh, chị; đọc cho bố, mẹ nghe…
Qua thực tế dạy thử nghiệm, chả có mấy phụ huynh có thể dành thời gian ngồi học cùng con được.
Tôi cũng hỏi các cán bộ, giáo viên tại địa bàn, trên 80% nói là không có thời gian trải nghiệm cùng con, cháu. Còn với phụ huynh là nông dân thì đương nhiên là 100%.