Theo đó, công văn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Văn bản gần đây nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng với mục tiêu chính là “đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Để thực hiện Nghị quyết trên, các trường cao đẳng sư phạm là thành viên Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã một số lần tổ chức tọa đàm về biện pháp phát triển trường gắn với việc thực hiện chủ trương trên của Đảng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai công việc chúng tôi nhận thấy có những vấn đề cần phản ánh đến lãnh đạo Chính phủ nhằm góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên phổ thông. Với tinh thần đó, chúng tôi có một số ý kiến dưới đây.
Một là, nhìn lại công tác đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông
Chúng tôi chỉ xin điểm lại những nét đậm về quy mô, về những đóng góp lớn và những khó khăn đối với công tác đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông.
Thứ nhất, về quy mô giáo viên phổ thông. Nhà nước ta luôn chú trọng việc đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông. Điểm nhấn đáng chú ý là từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, một Chương trình Quốc gia về phát triển các trường sư phạm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhờ đó, một mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên khởi sắc.
Hầu như tỉnh, thành nào cũng có cơ sở đào tạo giáo viên. Mỗi trường sư phạm được bố trí hàng chục ha đất ở vị trí trung tâm của tỉnh, được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ ngơi khang trang.
Những nỗ lực này đã góp phần để xây dựng đội ngũ giáo viên để ngày nay lên tới con số hơn 1,16 triệu người.
Trong đó, mầm non có hơn 300.000 giáo viên; tiểu học hơn 395.000; trung học cơ sở hơn 305.000 và trung học phổ thông hơn 149.000 nghìn (số liệu đến 15 tháng 8 năm 2018).
Ngày 17/12, Hiệp hội có văn bản gửi Thủ tướng về việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên và sắp xếp hợp lý các trường cao đẳng sư phạm. (Ảnh minh họa: Báo Kinh tế đô thị) |
Thứ hai, về một số đóng góp quan trọng của công tác đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông. Xin được nêu những con số ấn tượng:
- Bảo đảm đội ngũ giáo viên cho hơn 21 triệu học sinh; trong đó gần 5,2 triệu trẻ em bậc mầm non (0,7 triệu trẻ em đi nhà trẻ và 4,5 triệu trẻ em đi học mẫu giáo); 7,8 triệu học sinh tiểu học; 5,5 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,4 triệu học sinh trung học phổ thông.
- Góp phần đắc lực vào hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; và 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có một số địa phương đạt chuẩn trung học cơ sở mức độ 2 và mức độ 3. (Số liệu năm học 2017-2018).
- Hình thành đội ngũ giáo viên, chương trình dạy tiếng các dân tộc ít người. Đã có chương trình, sách giáo khoa dạy các tiếng: Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, Êđê, Hmông, M’Nông, Thái.
Đã triển khai dạy tiếng dân tộc tại 23 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở vùng núi, biên giới, ven biển. Việc này không những thu hút trẻ đến trường, củng cố, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục mà còn bảo tồn phát triển văn hoá dân tộc.
Gần đây, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.
Phải nhìn nhận thực tế, giáo viên khó sống chân chính được bằng nghề |
Thứ ba, những vấn đề nổi cộm. Có khá nhiều vấn đề bức xúc đối với công tác đào tạo giáo viên phổ thông. Xin nêu vài hiện tượng.
- Hiện tượng thừa - thiếu giáo viên. Giáo viên thiếu ở một số nơi nhưng lại thừa ở những nơi khác, thừa đối một số môn học nhưng lại thiếu ở những môn khác. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn này không thể chuyển sang dạy môn khác; giáo viên cấp này không thể chuyên sang cấp khác và địa phương này cũng không thể chuyển sang địa phương khác.
“Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp. Sư phạm đứng đầu danh sách những ngành có nguy cơ thất nghiệp”.
Nhưng cũng rất ấn tượng với thông tin thiếu 76.000 giáo viên so với nhu cầu sử dụng theo định mức.
Thiếu nhiều nhất là ở bậc mầm non, hơn 43.000 người; tiếp đến là bậc tiểu học, thiếu gần 19.000 người; trung học cơ sở thiếu hơn 10.000 người và trung học phổ thông thiếu hơn 3.000 người. Năm học 2018 – 2019, có 28 tỉnh, thành cần tuyển dụng giáo viên nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới.
Thậm chí Thủ đô Hà Nội thiếu 12.681 người nhưng chỉ cho 8.211 chỉ tiêu. Chúng ta sắp đưa chương trình, sách giáo khoa mới vào giảng dạy, triển khai giáo dục toàn diện (nhạc, họa, ngoại ngữ…), nỗ lực giảm quy mô học sinh trong một lớp học và thực hiện học hai buổi một ngày. Điều này đòi hỏi nhiều giáo viên hơn, đa dạng hơn.
- Hiện tượng người học không muốn vào các ngành sư phạm. Cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. (TTXVN ngày 29/3/2018).
Mùa tuyển sinh 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm (từ 52.000 xuống 35.000).
Có những trường giảm khá “sâu”, ví dụ Trường Đại học sư phạm Huế 37,5%, Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên 31.4%, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 21%, Đại học Phạm Văn Đồng 73%, Đại học Cần Thơ 46,3%, Cao đẳng sư phạm Hà Giang 73%, Cao đẳng sư phạm Bắc Ninh giảm 66%...
Tuy vậy, trừ một vài trường sư phạm có bề dày chuyên môn đang trụ ở thành phố lớn, số còn lại rất khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu.
- Hiện tượng nảy sinh do sáp nhập. Theo phản ánh:
(i) Một số Trường Cao đẳng sư phạm (Hà Nam, Lào Cai, Long An...) trở thành phân hiệu trường đại học sư phạm hoặc Đại học đa lĩnh vực, tình trạng giảng viên của cao đẳng sư phạm không được giữ lại khoảng 60%;
(ii) Một số trường cao đẳng sư phạm (Cà Mau, Bến Tre,...) được sáp nhập với các cao đẳng khác thì ngành sư phạm được nhìn nhận như các nghề nghiệp khác do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo thôi không giao nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên, dẫn đến giảng viên sư phạm thuộc cơ sở mới sáp nhập rơi vào tình trạng không có việc làm.
(iii) Nhìn chung giảng viên, cán bộ thuộc các cao đẳng sư phạm đang lo lắng, không yên tâm; nhà trường mong đợi chỉ đạo thận trọng, thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ tư, đâu là nguyên nhân chính. Có những luồng ý kiến đáng lưu ý:
Đó là do quản lý nhà nước về giáo dục bị cắt khúc, chồng chéo. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều là chủ thể tổ chức đào tạo giáo viên, nay lại thêm cả Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (do sáp nhập các trường sư phạm vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp). Trong khi đó Bộ Nội vụ, sở Nội vụ mới có quyền bố trí chỉ tiêu và tuyển dụng giáo viên.
Là do công tác quy hoạch, dự báo từ trung ương đến các địa phương rất hạn chế, thiếu chính xác, thiếu chủ động.
Là do công tác đào tạo giáo viên bị thị trường hóa, mất kiểm soát.
Cụ thể: (*) Có quá nhiều (155) cơ sở giáo dục tham gia đào tạo giáo viên; (*) Các nhà trường đều tăng quy mô để có nguồn thu cho hoạt động của trường, ít quan tâm đến năng lực và cơ hội việc làm của người học; (*) Con số 33% chỉ tiêu ngành sư phạm bị cắt giảm năm 2018 không theo một quy luật nào (ví dụ ở trên) minh chứng sự “trôi nổi” của việc đào tạo giáo viên.
Hai là, quán triệt chỉ đạo của Đảng để kiện toàn mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông
Như đã nêu ở trên, giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên chất lượng, hiệu quả còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó bài toán “bao cấp” cho 57.995 đơn vị sự nghiệp công, trong đó có các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đang là vấn đề lớn được đặt ra.
Trước tình hình trên, Trung ương Đảng ban hành một số nghị quyết quan trọng, trong đó đã nhấn mạnh về công tác đào tạo đội ngũ giáo viên. Đó là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 14/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29).
Bộ Giáo dục muốn nâng chuẩn trình độ giáo viên trung học cơ sở lên đại học |
Gần đây là Nghị quyết 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Quán triệt các nghị quyết trên để góp phần xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông, Hiệp hộiCác trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận thấy:
Thứ nhất, Công tác đào tạo giáo ở viên nước ta có những bước thăng trầm nhưng đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các cấp.
Các thế hệ giáo viên phổ thông đã góp phần đắc lực vào sự nghiệp giáo dục mà nổi bật là phổ cập tiểu học, trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Bên cạnh đó còn làm nhiệm vụ dạy tiếng dân tộc nhằm củng cố các giá trị phổ cập giáo dục đồng thời bảo tồn phát triển văn hoá các dân tộc ít người. Đây là những giá trị cần phát huy.
Thứ hai, quy định về chuẩn đội ngũ giáo viên cần mềm dẻo. Bởi vì Trung ương chỉ đạo “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở… có trình độ từ đại học trở lên” chứ không bắt buộc tất cả giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải có ngay trình độ đại học.
Sự đan xen trình độ cao đẳng, đại học ở đội ngũ giáo viên tiểu học trung học cơ sở là tất yếu trong điều kiện hiện nay của đất nước. Cách làm này một số nước phát triển cũng đang áp dụng.
Như vậy, các cơ sở cao đẳng sư phạm không chỉ đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non mà vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở một khi các đơn vị này vẫn đủ điều kiện. Các trường đại học sư phạm có thể đào tạo một tỷ lệ nhất định giáo viên trung học cơ sở và tiểu học có trình độ đại học còn nhiệm vụ chính là đào tạo trên đại học, nghiên cứu, đào tạo giáo viên trung học phổ thông.
Thứ ba, Mục đích cao nhất của Nghị quyết 19 là “đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công”, việc “giảm các đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập và giảm biên chế hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước nhưng không có nghĩa là sẽ giảm số lượng biên chế sự nghiệp mà số lượng này có thể tăng lên. Khi các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ được tài chính thì có quyền tuyển thêm biên chế để phục vụ cho hoạt động” .
Nhằm tạo thuận lợi cho các trường tự chủ được tài chính, Chính phủ đã pháp quy hóa quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng công lập thông qua Nghị quyết số 77 /NQ-CP năm 2014 và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP năm 2015.
Với tinh thần trên, các đơn vị sư phạm minh chứng được khả năng tự chủ theo hai văn bản trên thì không thuộc đối tượng sáp nhập...
Thứ tư, đang có những “vùng trũng” về giáo dục. Đó là các tỉnh vùng dân tộc ít người vùng biên giới, vùng núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cho nên sự có mặt của một đơn vị giáo dục công (ví dụ cao đẳng sư phạm, cao đẳng y tế) là gián tiếp hỗ trợ cho vùng kinh tế xã hội khó khăn.
Việc giảm đi một cơ sở giáo dục công ở các địa bàn trên sẽ hoàn tất rất nhanh “theo quy trình”, nhưng để xây dựng đội ngũ giảng viên cho mỗi cơ sở đào tạo giáo viên chúng ta mất vài chục năm. Bây giờ cả nước còn hơn 30 trường cao đẳng sư phạm đứng độc lập chiếm chưa đầy 0,0006% tổng số đơn vị sự nghiệp công (57.995).
Tuy nhiên con số ít ỏi đó chủ yếu thuộc các địa bàn khó khăn đã nêu, xứng đáng được Đảng và Nhà nước ưu tiên “đầu tư trước” trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, mạng lưới đào tạo giáo viên phải được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ, về tài chính và nhân sự. Với trợ giúp của máy tính, Nhà nước có thể chủ động tối ưu hóa số trường đào tạo giáo viên, quy mô đào tạo đến từng ngành học của mỗi trường.
Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện tốt khi quản lý nhà nước về đào tạo giáo viên thống nhất vào một đầu mối.
Thứ sáu, đào tạo giaó viên phổ thông là hoạt động “dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu”. Trách nhiệm chính của loại việc này thuộc Nhà nước. Nhiều năm qua Nhà nước đã tập trung đầu tư cho sư phạm.
Tuy vậy xã hội ngày một phát triển, đòi hỏi cao hơn từ đội ngũ nhà giáo, cho nên Nhà nước tiếp tục tập trung đầu tư cho đào tạo giáo viên, đặc biệt tăng cường tiềm lực cho các trường sư phạm thuộc các vùng miền khó khăn là tất yếu.
Thứ bảy, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 19 cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt buộc phải có quy hoạch mạng lưới, gắn với đặc điểm kinh tế xã hội các vùng miền và cải cách hành chính, đồng thời có lộ trình và bước đi phù hợp, có trọng tâm, có thí điểm rút kinh nghiệm trước khi làm trên diện rộng.
Một số kiến nghị của Hiệp hội
Với những phân tích trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
Thứ nhất, chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thành Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình xây dựng mạng lưới xin lưu ý đến những ý kiến của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được trình bày tại Điểm 2 ở trên.
Thứ hai, trong khi chưa phê duyệt mạng lưới, xin Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố liên quan chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền.
Thứ ba, chỉ đạo các cấp có thẩm quyền, tiếp tục tạo mọi thuận lợi cho các trường sư phạm thực hiện có hiệu quả Nghị định 16/2015/NĐ-CP trên cơ sở giữ vững sứ mệnh của nhà trường.
Khuyến khích các trường sư phạm thành lập trường phổ thông liên cấp thực hành và tự chủ về tài chính. Đơn vị sư phạm có đề án chuyển đổi sang mô hình tự chủ theo Nghị định 16 của Chính phủ có tính khả thi thì không thuộc đối tượng sáp nhập.
Thứ tư, chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dành phần lớn chỉ tiêu đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cho các trường cao đẳng sư phạm.