Phải nhìn nhận thực tế, giáo viên khó sống chân chính được bằng nghề

16/11/2018 06:45
Đỗ Thơm
(GDVN) - Giáo viên mới vào nghề hay diện hợp đồng ngắn hạn, thu nhập chính khoảng giao động từ 2 triệu 558 nghìn đến 3,5 triệu/tháng mà không có khoản thu nhập nào khác

Ngày 15/11, Quốc hội dành nửa ngày thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại hội trường.

Có 60 đại biểu đăng ký và có 28 đại biểu được phát biểu, một đại biểu tranh luận trong phiên thảo luận buổi sáng. Các ý kiến còn lại của đại biểu sẽ được gửi đến ban soạn thảo tiếp thu.

Đáng chú ý, trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Thị Phúc – đoàn Hưng Yên đã dành rất nhiều tâm huyết để kiến nghị về vấn đề lương đối với nhà giáo.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc góp ý 2 nội dung.

Nội dung thứ nhất, vấn đề đầu tư cho giáo dục bằng việc thực hiện xã hội hóa. Hiện nay, vấn đề thiếu giáo viên cấp mầm non, tiểu học đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Vấn đề thừa thiếu cục bộ, điều động, luân chuyển giáo viên gây ảnh hưởng đến lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Tình trạng thiếu trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn tiếp tục diễn ra ở cả thành thị lẫn nông thôn.

Số học sinh trong 1 lớp học quá đông, vượt quá tiêu chuẩn quy định vẫn là một bài toán nan giải, điều này dễ nhận thấy nhất ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các thị xã phát triển với tốc độ đô thị hóa chóng mặt.

Việc tuyển dụng thêm giáo viên lại tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, việc huy động xã hội hóa từ nhân dân dễ rơi vào lạm thu.

Để giải quyết những vấn đề trên, việc khuyến khích xã hội hóa bằng việc tạo cơ chế, tạo quỹ đất, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thành lập các trường dân lập, tư thục, các trường có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những giải pháp cần thiết cho vấn đề này.

Theo đại biểu, nhìn vào thực tế, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách cho vấn đề này.

Phải nhìn nhận thực tế, giáo viên khó sống chân chính được bằng nghề ảnh 2Tại sao lương cán bộ, giáo viên bị tự động trừ hàng tháng?

Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, có nhiều vướng mắc, việc phê duyệt quỹ đất trong quy hoạch dành cho việc xây dựng thành lập các trường còn nhiều vướng mắc ở cơ chế xin cho và thủ tục hành chính.

Thêm vào đó dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này vẫn bó chặt hoạt động các loại hình trường này bằng điều kiện, thẩm quyền, thủ tục thành lập trường, cơ chế quản lý nhà nước được quy định tại các Điều 48, 51, 53, 54, 59 và Điều 103.

“Xét về góc độ lợi nhuận, việc đầu tư các trường dân lập tư thục, các trường đầu tư nước ngoài lâu thu lại vốn, lợi nhuận cũng thấp hơn so với đầu tư vào các lĩnh vực khác, chính.

Vì thế đã nảy sinh tâm lý nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngại đầu tư cho giáo dục.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xã hội hóa giáo dục chậm”, đại biểu nhận định. 

Nội dung thứ hai là về chính sách đối với nhà giáo được quy định tại Điều 76 của dự thảo luật.

Bên cạnh những nội dung khác của dự thảo luật, điều mà lực lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quan tâm là chế độ chính sách quy định tại Điều 76.

“Tuy nhiên, quy định chỉ vỏn vẹn có hai dòng. Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang bậc lương, phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”, đại biểu dẫn chứng.

Đại biểu phân tích, hiện nay, quy định của Chính phủ có hai quy định, đó là Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương.

Mới đây nhất, nghị quyết số 107 ban hành ngày 16/8 /2018 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27.

Tuy nhiên, những quy định, hướng dẫn thực hiện ở hai nghị quyết này là áp dụng chung cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp mà chưa thể hiện rõ sự nâng tầm vị thế của nhà giáo như quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ số thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp, tùy theo tính chất công việc theo vùng.

Trong Nghị quyết số 27 cũng có quy định, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như bồi dưỡng, họp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hội thảo, v.v... và bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề, trừ quân đội, công an, cơ yếu.

“Như vậy, xét về mặt bằng chung, thậm chí ưu đãi cho giáo dục hiện nay còn bị cắt giảm hơn so với trước đây”, đại biểu nhấn mạnh.

Vị đại biểu đoàn Hưng Yên cho rằng, phải nhìn nhận một thực tế là đời sống thu nhập của giáo viên hiện nay là thấp.

Giáo viên nhiều bộ môn, nhiều cấp học không thể sống chân chính được bằng nghề.

Thậm chí với giáo viên còn trong diện hợp đồng ngắn hạn được trả ở mức hệ số 1,85 nhân mức lương cơ bản. Cấp trung học cơ sở hệ số 2,1 nhân mức lương cơ bản.

Phải nhìn nhận thực tế, giáo viên khó sống chân chính được bằng nghề ảnh 3Phải tăng lương cho thầy cô để loại bỏ phong bì, dạy thêm

Quan trọng là không được đóng bảo hiểm, không có các nguồn phụ cấp khác.

Có nghĩa giáo viên mới vào nghề hay diện hợp đồng ngắn hạn thì thu nhập chính khoảng giao động từ 2 triệu 558 nghìn đến 3 triệu 500 nghìn một tháng mà không có khoản thu phụ cấp nào khác.

“Thiết nghĩ, với mức thu nhập như vậy lại không có sự ưu đãi, không có khoản thu nhập khác liệu rằng họ có thể sống được bằng nghề hay không.

Có thể dành tâm huyết cả cuộc đời cho nghề hay không khi cuộc sống luôn luôn canh cánh mối lo cơm áo, gạo tiền", đại biểu băn khoăn.

Bên cạnh đó, đại biểu khẳng định, yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới, cải cách giáo dục chính là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Họ là đối tượng chịu sự tác động và cũng khiến cho Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đi vào cuộc sống.

Mặt khác, theo đại biểu, chúng ta vẫn loay hoay với bài toán thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm mà chưa nhìn thẳng vào nhu cầu thiết thực nhất. 

Đó là họ ra trường được đảm bảo việc làm, có điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ tốt, chính là đáp án của bài toán này.

“Tôi tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại vấn đề này.

Và đề nghị Ban soạn thảo luật hóa những quy định liên quan đến chế độ đãi ngộ, ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại Điều 76 trong luật.

Để kịp thời động viên, tạo động lực, tạo không khí phấn khởi cho toàn bộ giáo viên trong ngành để thêm một lần nữa khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đại biểu kiến nghị.

Đỗ Thơm