Là người quan tâm đến giáo dục đại học, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp từ Trung tâm Nghên cứu và Thực hành Giáo dục, thừa nhận rằng, giáo dục đại học là lĩnh vực cần có sự can thiệp sâu của Nhà nước nhưng can thiệp phải hợp lý, phù hợp và thực sự kiến tạo để tạo điều kiện phát triển cho hệ thống giáo dục đại học nói chung.
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua là nội dung đang được dư luận quan tâm.
Qua tìm hiểu và nghiên cứu về giáo dục đại học của một số nước trên thế giới về vấn đề này, ông Hiệp nhận ra rằng, 30-40 năm trở lại đây đã có nhiều nước thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học bởi lẽ dù ở quốc gia nào đi chăng nữa thì khi giáo dục đại học phát triển phủ lớn đến một mức độ nào đó họ cũng sẽ gặp phải vấn đề tương tự như Việt Nam hiện nay.
Điều này có nghĩa là, sự phát triển của nền kinh tế đòi hỏi hệ thống giáo dục đại học phải mở rộng, tuy nhiên mở rộng đến một giai đoạn nào đó thì lại gặp phải vấn đề là không kiểm soát được chất lượng.
Và khi đó nhu cầu thị trường lại đặt ra vấn đề chất lượng, hiệu quả và buộc phải thay đổi về mặt cấu trúc, quy hoạch.
Theo quan điểm cá nhân, Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp cho rằng: “Ở Việt Nam, chúng ta không nên đặt ra vấn đề quy hoạch đối với trường tư...". (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Cụ thể, vị chuyên gia này nêu ví dụ, tại Úc hay một số nước châu Âu, cách đây 30 năm họ cũng có cuộc chuyển đổi mang tính chất căn cốt về vấn đề cấu trúc của hệ thống giáo dục đại học và những câu chuyện rất gần với quy hoạch mạng lưới như Việt Nam hiện nay nhằm thay đổi cách sắp xếp, cách thức tài trợ, cách thức đánh giá… cho các trường đại học.
Việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học ở các nước thường có xu hướng sáp nhập trường nhỏ, trường yếu lại với nhau hoặc sáp nhập trường nhỏ với trường lớn nhằm thay đổi về mặt chất lượng.
Tuy nhiên, ông Hiệp lưu ý, ở nước ngoài, họ có 2 hình thức sáp nhập: sáp nhập bắt buộc theo yêu cầu của Nhà nước và sáp nhập tự nguyện, nhà nước chỉ ra chính sách (ví dụ các trường sáp nhập sẽ được nhận thêm một khoản đầu tư), để các trường tự tìm đến nhau và tự quyết định có sáp nhập với nhau hay không.
Cũng theo quan điểm cá nhân, Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp cho rằng: “Ở Việt Nam, chúng ta không nên đặt ra vấn đề quy hoạch đối với trường tư bởi lẽ quy mô trường tư lớn hay nhỏ tùy thuộc vào nhà đầu tư, miễn là cơ sở giáo dục đó đáp ứng được những điều kiện cứng về cơ sở vật chất, con người, và đặc biệt là chất lượng sinh viên được bảo đảm”.
Trước đây Việt Nam cũng từng có dự định quy hoạch mạng lưới đại học theo chức năng: đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng và thực hành.
Và khi vấn đề quy hoạch được đặt ra lần này, ông Hiệp cho rằng, nếu quy hoạch chức năng thì chỉ quy hoạch chức năng ở cấp độ chương trình: chương trình đào tạo định hướng ứng dụng và nghiên cứu; thay vì quy hoạch ở cấp trường như hiện nay.
Đồng thời theo vị này, trong thời gian chờ quy hoạch, chúng ta chỉ nên dừng mở trường công để tìm hướng đi nâng cao hiệu quả hơn còn trường tư thì vẫn cho phép thành lập bởi lẽ mở trường tư là quyền của nhà đầu tư. Mà nhà đầu tư họ chỉ đầu tư khi thị trường có nhu cầu.
Trước đó, Nghị định 46 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017 đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn 2030.
Nghị định 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày 21/4 và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong phần khoản hiệu lực thi hành, Nghị định có nêu rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rà soát quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Trong đó khuyến khích thành lập các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, theo nguyên tắc không bị giới hạn bởi số lượng cơ sở giáo dục đại học theo vùng.
Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 được quy định tại Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/6/2013.
Theo quy hoạch này, đến năm 2020 đạt khoảng 256 sinh viên/ 1 vạn dân; khoảng 70% - 80% sinh viên đại học được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng và khoảng 30% - 20% sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu.
Đến năm 2020 đạt bình quân từ 17 đến 26 sinh viên đại học và cao đẳng/1 giảng viên; số giảng viên có trình độ tiến sỹ trong tổng số giảng viên đại học khoảng 21% và số giảng viên có trình độ tiến sỹ trong tổng số giảng viên cao đẳng dự kiến đạt khoảng 4%.
Tới năm 2020, tổng quy mô đào tạo đại học và cao đẳng đạt khoảng 2.200.000 sinh viên (tăng khoảng 1,8% so với năm học 2010 - 2011) và số sinh viên chính quy tuyển mới đạt khoảng 560.000 (tăng khoảng 8,2% so với năm 2010).
Việt Nam đã vượt số lượng trường đại học theo mục tiêu đề ra |
Đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng, bao gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng.
Quy hoạch năm 2013 cũng quy định về phân bố mạng lưới các trường đại học, cao đẳng theo vùng. Cụ thể:
- Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Đến năm 2020 dự kiến có 57 trường, bao gồm 15 trường đại học và 42 trường cao đẳng.
- Vùng đồng bằng sông Hồng: Đến năm 2020 dự kiến có 157 trường, bao gồm 91 trường đại học và 66 trường cao đẳng.
- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Đến năm 2020 dự kiến có 88 trường, bao gồm 38 trường đại học và 50 trường cao đẳng.
- Vùng Tây Nguyên: Đến năm 2020 dự kiến có 15 trường, bao gồm 5 trường đại học và 10 trường cao đẳng.
- Vùng Đông Nam Bộ: Đến năm 2020 dự kiến có 93 trường, bao gồm 55 trường đại học và 38 trường cao đẳng.
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Đến năm 2020 dự kiến có 50 trường, bao gồm 20 trường đại học và 30 trường cao đẳng.
Nhưng như Báo Điện tử giáo dục Việt Nam đã thông tin, theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đánh giá kết quả đổi mới giáo dục đại học và sau đại học.
Theo đó, về quy mô, mạng lưới, cơ cấu ngành nghề: Đã xây dựng được mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học gồm 236 trường đại học, học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh) trong đó bao gồm 171 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài).
Như vậy, từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37/2013/QĐ-TTg đề ra 12 trường đại học.