Thành phần đoàn của Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVU&C) gồm có:
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, Cao đẳng Việt Nam.
TS Lê Viết Khuyến – Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học.
TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội.
Ths.Nguyễn Đăng Khoa – Chánh Văn phòng Hiệp hội.
Tiếp đoàn Hiệp hội, cán bộ phía trường RMIT gồm có:
Ông Martin Bean – Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm giám đốc Đại học RMIT.
Giáo sư Gael McDonald – Hiệu trưởng kiêm Tổng Giám đốc Đại học RMIT Việt Nam.
Ông Phillip Dowler – Giám đốc Chi nhánh Hà Nội.
Hiệp hội các Trường đại học, Cao đẳng Việt Nam đến thăm và kí biên bản ghi nhớ với trường Đại học RMIT tại Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh) |
Trong buổi làm việc, đại diện Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và trường RMIT đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học.
Cụ thể, PGS.Trần Xuân Nhĩ cho biết, hiện tại Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có 450 thành viên trong đó có hơn 200 trường Đại học.
Các trường tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế.
Theo PGS.Trần Xuân Nhĩ, giáo dục đại học Việt Nam đang hướng tới tự chủ từ học thuật đến tài chính tuy nhiên tính đến nay mới chỉ 15 trường hưởng ứng chủ trương này. Các trường còn lại vẫn chần chừ, chưa muốn tham gia vì họ e ngại khi Nhà nước không bao cấp nữa.
Nhà nước Việt Nam đang quan tâm đẩy manh vấn đề tự chủ đại học và Hiệp hội nhận thấy rằng, tự chủ tạo cho Nhà trường nhiều cơ hội tuy nhiên sự tham gia của các trường chưa đồng bộ.
Hơn nữa, PGS.Trần Xuân Nhĩ cũng thừa nhận rằng, so với thế giới thì chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam chưa thực sự tốt. Do vậy, Việt Nam rất mong muốn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể nhanh chóng hội nhập với quốc tế.
Làm sao để phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập?(GDVN) - Hiệp hội sắp tổ chức hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập". |
Ngoài ra, do phần lớn các giảng viên dạy tại các trường đại học hiện nay chủ yếu học ở châu Âu nhưng ngôn ngữ phổ biến hiện nay là Tiếng Anh nên kinh nghiệm giảng dạy của các thầy cô còn bị hạn chế bởi ngôn ngữ....
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém này, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã kí văn bản ghi nhớ với trường RMIT tại Việt Nam để chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học.
Nghe xong ý kiến của Hiệp hội, đại diện phía trường RMIT, ông Martin Bean – Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm giám đốc Đại học RMIT cho rằng:
“Ở Úc thì tình hình hoàn toàn trái ngược với các trường Việt Nam bởi lãnh đạo các trường đại học luôn muốn các hoạt động càng không dính dáng tới “bao cấp” thì càng tốt bởi hầu hết các trường đều thấy tự chủ sẽ tốt hơn không tự chủ”.
Trước đó trong buổi đến thăm và tìm kiếm sự hợp tác với Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam ngày 15/9/2016, GS. McDonald - Hiệu trưởng kiêm Tổng Giám đốc Đại học RMIT Việt Nam đã thông tin một số nội dung như: Giới thiệu về Đại học RMIT Việt Nam; Chia sẻ về Dự án Trung tâm Xuất sắc về Kỹ thuật số (CODE) mà Đại học RMIT đang triển khai với mục đích thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật số trong công tác dạy và học tại các trường đại học và cao đẳng Việt Nam.
Đại học trường đại học RMIT hy vọng CODE sẽ trở thành một cầu nối giữa RMIT Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, Hiệp hội và các Trường Đại học và Cao đẳng tại Việt Nam; Mong muốn hợp tác với AVU&C trong dự án CODE và các dự án tương tự;
Và mong muốn được kết nối chặt chẽ hơn với các trường đại học và cao đẳng khác của Việt Nam với sự hỗ trợ của AVU&C.
Tại buổi gặp gỡ đó, đại diện Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã giới thiệu tổng quan về Hiệp hội và nêu 5 vấn đề ưu tiên trong chương trình hoạt động của Hiệp hội hiện nay và tương lai gần mà Đại học RMIT có thể quan tâm, tìm kiếm sự hợp tác.
Đó là phản biện chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo;Hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo;Tự chủ đại học, Kiểm định chất lượng giáo dục đại học; Đổi mới thi và tuyển sinh; Vấn đề dạy và học tiếng Anh.
Phía lãnh đạo Đại học RMIT cho rằng cả 6 vấn đề đó trường RMIT đều có nhiều kinh nghiệm, tiềm lực sẵn sàng chia sẻ với Hiệp hội.
Đồng thời phía Đại học RMIT cũng rất cần sự hỗ trợ tư vấn của Hiệp hội trong một số hoạt động đào tạo tại Việt Nam.
Theo Điều lệ của Hiệp hội, chưa có điều khoản kết nạp trường đại học của nước ngoài vào làm hội viên của Hiệp hội, nhưng RMIT mong muốn hai bên thiết lập quan hệ hợp tác để thực hiện những mong muốn trên, vì sự phát triển của giáo dục đào tạo Việt Nam.
Phía Hiệp hội cho biết, tất cả các nguyện vọng của GS.McDonald đều thiết thực.
Chính vì vậy, Hiệp hội các Trường đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVU&C) đã kí biên bản ghi nhớ với trường Đại học RMIT tại Việt Nam vào ngày 1/12 vừa qua.
Theo biên bản ghi nhớ:
-Hai bên cùng xây dựng một mối quan hệ hợp tác, chuyên nghiệp và tôn trọng lẫn nhau.Với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên và góp phần tích cực vào sự phát triển của các ngành công nghệ sinh học ở Việt Nam, hai bên nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một mối quan hệ đối tác mật thiết hơn và đồng thuận ký kết Biên bản ghi nhớ này.
- Hai bên cùng chia sẻ những mối quan tâm mạnh mẽ trong quá trình phát triển của các ngành giáo dục chuyên nghiệp, đào tạo và ngành công nghệ sinh học, đặc biệt liên quan đến việc duy trì và nâng cao các tiêu chuẩn chuyên môn và tiêu chuẩn đào tạo, cũng như quá trình quốc tế hóa của ngành này.
Quan hệ hợp tác sẽ bao gồm việc triển khai những hoạt động sau:
- Thực hiện nghiên cứu chung về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các trường đại học tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ cho phép các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo để tăng tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp;
- Trao đổi ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như giáo dục, hành chính và quản trị;
- Tìm kiếm các cơ hội để nâng cao năng lực ứng dụng kỹ thuật số trong dạy và học của giáo viên các trường cho giáo viên các trường Đại học thành viên của Hiệp hội;
- Hợp tác trong các hoạt động tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng các văn bản pháp lý về giáo dục đại học của Việt Nam;
- Tìm kiếm các cơ hội để hợp tác trong việc cải thiện chất lượng giáo dục đại học thông qua các buổi hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, các chương trình đào tạo tiến sĩ và các chương trình đào tạo khác.
Hai bên đã ghi nhận và thống nhất rằng các lĩnh vực hợp tác nêu trên sẽ được triển khai theo một thỏa thuận riêng biệt giữa hai bên. Không bên nào ký kết thỏa thuận hoặc tìm cách ràng buộc bên còn lại mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản của bên còn lại.