Liên quan đến việc một giáo viên tại Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì, Hà Nội) phân công phụ huynh sau 17 giờ mang chổi đến trực nhật lớp thay con mình, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra gay gắt xung quanh vấn đề này.
Tranh luận trái chiều
Nội dung tin nhắn giáo viên gửi phụ huynh trong nhóm zalo một lớp học không thuê lao công dọn vệ sinh có nội dung: "Chiều nay 4,5 phụ huynh đến vệ sinh lớp cho các con khi đi phụ huynh mang chổi, hót rác, chổi lau nhà. Thời gian lúc 17h giờ. Cô giáo sẽ phân công theo danh sách lượt từ trên xuống dưới 5 phụ huynh đầu tiên đi hôm nay đi (theo tên con)".[1]
Câu chuyện được chia sẻ rộng rãi lên mạng xã hội, lập tức đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Có người ủng hộ việc cô giáo phân công phụ huynh lên trường làm vệ sinh thay con với lập luận cho rằng, trực nhật lớp là nhiệm vụ của mỗi học sinh. Các em lớp 1 còn nhỏ chưa thể làm thì phụ huynh có thể nộp tiền thuê lao công làm thay. Nếu không thuê lao công dọn dẹp thì phụ huynh phải lên trường trực nhật thay con. Bởi, nếu phụ huynh không làm, chẳng lẽ thầy cô giáo phải làm?
Nhiều người lại cho rằng, việc giáo viên yêu cầu phụ huynh đến lớp để dọn vệ sinh sau 5 giờ chiều là không hợp lý. Việc dọn dẹp, trực nhật lớp là trách nhiệm của học sinh. Vì thế, cứ để cho các em làm sẽ giúp các con rèn luyện tính tự giác, kỷ luật chứ không nhất thiết phải thuê người làm hay bắt cha mẹ phải làm thay con.
“Tôi thấy vấn đề trực nhật, lao động không có gì to tát đáng tranh cãi. Công việc này là dành cho học sinh chứ không phải phụ huynh.
Vì việc trực nhật (lau bảng, quét lớp, xếp bàn ghế, thậm chí quét sân trường, dọn lá cây...) cũng nhằm mục đích rèn luyện nề nếp, ý thức và cả sức khỏe cho học sinh. Vì thế, rất nên để các con làm.
Trong khuôn viên lớp cứ nên để học sinh tự quản cho nó có ý thức. Lao động chút cho nó đỡ ù lì người, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, phân công nhau ra mà làm, chậm chút, lâu chút thì người lớn kiên nhẫn chút... âu cũng là giáo dục... Mình chưa thấy đứa trẻ nào chăm lao động, biết chia sẻ với tập thể mà hư cả”, một ý kiến nêu.
Trực nhật lớp, quét dọn sân trường là trách nhiệm của ai?
Từ nhiều năm về trước, mỗi ngày đến trường, người viết - là giáo viên tiểu học cũng đã quen với việc cũng tham gia vệ sinh lớp học, vệ sinh sân trường với các em học sinh. Và cho đến bây giờ, gần 30 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, gần như ngày nào người viết cũng thực hiện nhiệm vụ phân công học sinh trực nhật lớp. Đây được xem là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi học sinh.
Hiện nay, Điều 34 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về 05 nhiệm vụ của học sinh tiểu học, trong đó có nhiệm vụ:
Chấp hành nội quy, bảo vệ tài sản nhà trường và nơi công cộng; chấp hành trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Trường lớp nào cũng có những quy định như giữ gìn vệ sinh chung của trường, của lớp. Học sinh phải làm trực nhật để góp phần làm cho môi trường thêm xanh, đẹp.
Cũng có người băn khoăn, học sinh có nhiệm vụ trực nhật lớp mỗi ngày, thế còn giáo viên thì sao? Ai cũng hiểu, giáo viên không có nhiệm vụ phải trực nhật lớp hay quét dọn sân trường hằng ngày (mỗi trường sẽ có kế hoạch cho giáo viên tổng vệ sinh toàn trường vào cuối tuần, cuối tháng, trước các ngày nghỉ lễ, tết…).
Quét lớp, quét dọn sân trường không phải nhiệm vụ của giáo viên nhưng lại là trách nhiệm của mỗi thầy cô giáo. Thông thường, học sinh làm trực nhật thì giáo viên mà đặc biệt là những thầy cô giáo chủ nhiệm lớp phải là người theo dõi, nhắc nhở và giám sát để học sinh thực hiện tốt công việc của mình.
Với học sinh bậc trung học cơ sở trở lên, thầy cô chỉ cần kiểm tra và nhắc nhở việc vệ sinh trường lớp của các em mỗi ngày là ổn. Thế nhưng ở bậc tiểu học, giáo viên phải cùng làm chung để vừa hướng dẫn, vừa làm gương cho học sinh học tập. Đây không phải là nhiệm vụ mà là trách nhiệm của người giáo viên.
Ngay tại trường học nơi người viết công tác, mỗi sáng mai không khí vệ sinh trường lớp thật náo nhiệt. Không chỉ học sinh quét dọn sân trường mà thầy cô luôn xem đấy là trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, có một số phụ huynh cũng phụ học sinh quét dọn sân trường một cách nhiệt tình và rất vui vẻ. Nhờ có sự đồng lòng như thế nên chỉ 30 phút mỗi buổi sáng thì sân trường trước đó đầy lá cây rụng đã trở nên sạch bong.
Từ câu chuyện vệ sinh của trường mình, nên người viết cũng rất thắc mắc về câu chuyện làm vệ sinh xảy ra ở trường đồng nghiệp mà dư luận đã tranh cãi suốt tuần qua. Là giáo viên có thâm niên trong ngành, người viết cho rằng, để xảy ra câu chuyện tranh ầm ĩ như trên thì cả giáo viên và phụ huynh đều cần xem lại để việc giải quyết các khúc mắc theo cách lắng nghe nhau hơn.
Cần hơn nữa sự thấu hiểu, cảm thông từ phụ huynh để thấy rằng công việc vệ sinh lớp học chính là trách nhiệm của mỗi học sinh. Từ đó, phụ huynh sẽ chủ động, chung tay cùng với các thầy cô giáo.
Phía thầy cô, cần đồng hành cùng học sinh trong việc trực nhật mỗi ngày để các em thấy có trách nhiệm hơn với công việc của mình.
Tài liệu tham khảo
[1] https://giaoduc.net.vn/giao-vien-th-ngo-thi-nham-phan-cong-phu-huynh-truc-nhat-nha-truong-bao-cao-gi-post245812.gd