Những lý lẽ không căn cứ
Liên quan đến vụ việc kỷ luật bà Nguyễn Thúy Hảo, nguyên Bí thư chi bộ, hiệu phó trường tiểu học Lê Văn Tám, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh trong 4 bài viết.
Cụ thể là các bài viết “Vụ việc kỷ luật Phó hiệu trưởng trường Lê Văn Tám cần phải tới cùng trắng đen”;
“Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực”; “Hiệu phó trường Lê Văn Tám nhiều lần bị kỷ luật oan sai vì tố Hiệu trưởng”;
“Phó Hiệu trưởng trường Lê Văn Tám quá đơn độc”.
Trường Lê Văn Tám khi bà Thanh làm hiệu trưởng có nhiều vi phạm (ảnh Trinh Phúc). |
Nội dung các bài viết đã phân tích nhiều góc cạnh nêu lên những dấu hiệu bất cập trong công tác xử lý đơn thư và kỷ luật đối với bà Nguyễn Thúy Hảo.
Sau khi các bài viết được đăng tải, bà Nguyễn Phương Thanh nguyên Hiệu trưởng trường Lê Văn Tám đã có đơn thư gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung cho rằng báo đăng không khách quan, một chiều.
Để đảm bảo quyền được thông tin của bà Nguyễn Phương Thanh, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với bà Thanh về những vấn đề liên quan đến nội dung vụ việc báo đang phản ánh.
Trong buổi làm việc, bà Thanh chia sẻ rằng, liên quan đến việc đơn thư tố cáo trường Lê Văn Tám trong một năm học 9 tháng nhưng trường Lê Văn Tám đã đón 6 lần thanh tra, kiểm tra.
Mỗi lần thanh tra là 2 tháng, hồ sơ chứng từ của nhà trường bị quần nát như tương.
Cũng theo bà Thanh: “Mỗi lần đơn thư, mỗi lần báo chí phản ánh thì cơ quan quản lý lại về quần, tôi không còn sức đâu làm việc.
Trong khi quần lên quần xuống không tìm ra được tiêu cực, tham nhũng ở đâu”.
Vụ việc kỷ luật Phó hiệu trưởng trường Lê Văn Tám cần phải tới cùng trắng đen |
Qua trao đổi, có thể thấy bà Thanh luôn khẳng định mình trong sạch. Tuy nhiên, khi bà Thanh trả lời về các vấn đề vi phạm trong điều hành, chỉ đạo thì đã bộc lộ ra nhiều vấn đề bất hợp lý.
Cụ thể, việc phòng Giáo dục thành phố Thái Nguyên qua kiểm tra công tác thu, chi tài chính tại trường Lê Văn Tám đã chỉ ra vi phạm, thiếu sót trong năm học 2015-2016; 2016-2017:
Trường Tiểu học Lê Văn Tám thực hiện một số khoản thu chưa đúng quy trình như: Thu tiền mua bàn ghế bán trú 02 chỗ ngồi cho học sinh lớp 1 năm học 2016-2017;
Tiền ủng hộ sửa chữa nhà xe thành phòng họp nhà trường năm học 2015-2016 và 2016-2017 nhưng chưa thực hiện đúng quy trình, quy định của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, không báo cáo Ủy ban nhân dân phường Tân Thịnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố trước khi thực hiện.
Để biện minh cho sai phạm trên, bà Thanh lý giải là: “Việc không trình phòng giáo dục là thủ tục hành chính vì bà bận quá nhiều việc”.
Bà Thanh còn biện luận cho những vi phạm, thiếu sót của mình rằng: “Thành phố Thái Nguyên cố tình đưa tôi ra kỷ luật vì lỗi đó.
Tôi đối thoại, không nhận vì cả thành phố Thái Nguyên như thế không riêng gì tôi.
Thành ủy đã chỉ đạo những nhà trường có sơ suất không làm hết quy trình thì đề nghị hoàn thiện yêu cầu kiểm điểm, nhắc nhở, rút kinh nghiệm các hiệu trưởng”.
Theo bà Thanh: “Việc đưa bà ra kỷ luật vì lỗi đó là hết sức bất công nên bà đã khiếu nại kỷ luật đó.
Nhưng khi ra đến thành phố thì tôi nghĩ rằng, nếu mình khiếu nại đi đến cùng thì họ bỏ cho mình vì mình bị oan”.
Bà Thanh còn nhấn mạnh: “Tôi chấp nhận bị kỷ luật vì tập thể, trong tôi không có chữ tôi mà có cái quyền lợi, lợi ích của học sinh, của tập thể trên hết”.
Không thừa nhận sai, mập mờ thông tin
Liên quan đến việc huy động tiền của giáo viên, phụ huynh để xây dựng nhà xe thành phòng họp bà Thanh chia sẻ rằng, tháng 8/2015 bà về làm Hiệu trưởng Trường Lê Văn Tám.
Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực |
Tháng 10/2015 kiểm tra trường chuẩn không có phòng họp nên bà phải xin phụ huynh xã hội hóa sửa nhà để xe thành phòng họp.
Sau đó, học sinh không có phòng học nên biến phòng họp thành phòng học. Sau đó, không có phòng họp nên xin phụ huynh xã hội hóa tất cả”.
Bà cũng thổ lộ: “Qúa trình này kéo dài trong hai năm, đến năm vừa rồi mới quyết toán hết vì lôi thôi, vì có những chỗ hồ sơ chưa hoàn thiện nên để hoàn thiện xong mới quyết toán”.
Liên quan đến câu chuyện, 3 năm liền trường Lê Văn Tám không trả bài kiểm tra thì bà Thanh cho rằng: “Trong năm 2015 – 2016, trả bài kiểm tra hay không do nhà trường.
Năm thứ 2, Thông tư 22 thay thế Thông tư 30 lúc đó mới quy định, bài kiểm tra phải trả cho học sinh.
Nhưng bởi vì nội tình trường Lê Văn Tám nên tôi phải ra lệnh để bài kiểm tra lại để xảy ra chuyện thì có minh chứng xử lý.
Nếu như trả bài cho học sinh lúc đó tam sao thất bản, lúc ấy nhiều chuyện nữa.
Vì trường Lê Văn Tám có người muốn phá đám thì họ sẽ dùng bàn tay phụ huynh nên quyết định để bài kiểm tra lại không trả cho phụ huynh.
Còn năm học 2017 – 2018 có trả bài kiểm tra cho học sinh”.
Lý giải thêm về vấn đề xã hội hóa bà Thanh cho rằng: “Vì thiếu thốn cơ sở vật chất, vì quá khó khăn nên kêu gọi xã hội hóa.
Năm nào cũng như năm nào, nhà nước không có cấp phát, học sinh của trường phát sinh ngày càng nhiều gần 100 em.
Bàn ghế bán trú là hai mặt còn bàn ghế trước chỉ là bàn ghế một mặt. Mua nhiều năm rồi nên lung lay, xê dịch làm sao yên tâm ngồi ăn và ngồi ngủ trên bàn ấy được.
Chính vì vậy, phụ huynh mua bàn ghế, sau 5 năm học thì mang về là quyền của phụ huynh.
Tất cả các trường trong thành phố đều xã hội hóa như vậy. Số lượng học sinh tăng nếu không có nguồn của phụ huynh học sinh thì làm sao làm được như vậy?”.
Nói về vai trò của chính quyền trong việc đảm bảo cơ sở vật chất cho trường học, bà Thanh cho rằng, những năm trước Chủ tịch phường đã nhận lỗi chưa quan tâm tới các nhà trường.
Những năm gần đây rất quan tâm tới nhà trường, quan tâm tới giáo dục.
Hiệu phó trường Lê Văn Tám nhiều lần bị kỷ luật oan sai vì tố Hiệu trưởn |
Hỏi về danh sách các khoản nộp thời điểm bà Thanh đang làm hiệu trưởng thì được trả lời: “Không có ở đây. Cái đó hồ sơ của kế toán giữ. Toàn bộ hồ sơ thanh tra tỉnh đang giữ”.
Bà Thanh nói thêm, hiện bà đang tố cáo lại những người tố cáo sai. Nếu không lên tiếng họ sẽ nghĩ mình như thế thật.
Qua làm việc với bà Thanh có thể thấy, những lý do bà Thanh cho rằng, không báo với phòng giáo dục về việc xã hội hóa thu tiền để cải tạo nhà gửi xe thành phòng họp rồi biến phòng họp thành phòng học và mua bàn ghế học sinh là do bận quá nhiều việc là sự bao biện vô lý.
Việc bà cho rằng, cả thành phố Thái Nguyên đều vi phạm như trường Lê Văn Tám nên đề nghị phòng giáo dục Thành phố Thái Nguyên kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của bà Thanh.
Đề nghị, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên công khai các khoản thu của trường Lê Văn Tám thời kỳ bà Thanh làm hiệu trưởng.
Đề nghị làm rõ việc mua sắm bàn ghế có đảm bảo quy trình theo quy định của pháp luật? Xác định rõ quyền tài sản trong khoản thu tiền mua bàn ghế. Cần xác định nhà trường có quyền dùng tiền của phụ huynh để tự ý mua sắm bàn ghế cho học sinh?
Việc huy động xã hội hóa của giáo viên, học sinh xây nhà gửi xe thành phòng họp, rồi chuyển phòng họp sang phòng học, tiếp đó lại chuyển phòng học về phòng họp nhưng chỉ quyết toán một lần có đúng không?
Việc bà Thanh không trả bài kiểm tra cho học sinh là sai phạm. Cần đề nghị làm rõ lý do và xử lý theo đúng quy định.