Ngày 13/9/2018, phụ huynh của Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển thông tin đến cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam biết, căn tin của nhà trường hiện nay quá ẩm thấp và dơ bẩn.
Căn tin trường sử dụng bếp than đun nấu
Đây cũng là nơi hàng ngày nấu ăn cho hàng trăm học sinh ăn trưa, rồi lên ngủ tại trường.
Học sinh thì phải ngồi ăn trưa tại các bộ bàn ghế được đặt trong nhà để xe nóng nực. Căn tin thì sử dụng bếp than tổ ong để đun, tạo thành khói bay ra ngoài.
Căn tin sử dụng bếp than để đun, tạo thành những mảng khói đen ám trên tường (ảnh: CTV) |
Trên những tường bên trong gian bếp có rất nhiều mảng đen, do khói của bếp than tạo ra.
Nhân viên của căn tin rửa các loại khay, dụng cụ đựng, chế biến thức ăn ngay bên hông lớp học.
Nhân viên căn tin rửa các dụng cụ, khay thức ăn ở ngay sát bên lớp học (ảnh: CTV) |
Cảnh phơi phóng đồ ăn thừa, nước thải được đổ thẳng ra sân trường, gây mất vệ sinh, mỹ quan của trường học.
Đồ ăn thừa, nước được xả và phơi ngay trên sân trường (ảnh: CTV) |
Bên trong căn tin không thấy dán công khai giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nên không rõ căn tin này hoạt động, nấu ăn có đúng tiêu chuẩn cho phép hay không?
Phó Hiệu trưởng không nắm quy trình nấu ăn của căn tin
Dù đã có lịch hẹn làm việc từ trước, nhưng chiều ngày 17/9, bà Trần Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh đã không có mặt tại trường để làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo nhà trường, thầy Nguyễn Văn Hậu – Phó Hiệu trưởng đã làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những vấn đề mà học sinh, giáo viên đặt ra đối với căn tin của trường.
Lãnh đạo nhà trường không đưa ra được thiết kế bếp ăn một chiều theo đúng quy định (ảnh: CTV) |
Thầy Nguyễn Văn Hậu xác nhận, trường không tổ chức bán trú cho học sinh, mà chỉ làm nghỉ trưa cho học sinh ở trường.
Học sinh nào có nhu cầu ăn trưa, thì đăng ký với căn tin, hoàn toàn không ép buộc, các em có thể ra bên ngoài mua đồ ăn, hay mang đổ ăn theo, rồi đúng giờ quy định vào trường nghỉ trưa.
Về số lượng học sinh ăn trưa ở căn tin, thầy Hậu không nhớ rõ con số chính xác, mà chỉ nói ước chừng khoảng trên dưới 200 em.
Các xô đựng nước, đồ ăn thừa của học sinh bỏ lại rất bẩn, ruồi tụ lại rất nhiều (ảnh: CTV) |
Khi phóng viên đề cập tới giấy chứng nhận đạt đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của căn tin, thầy Nguyễn Văn Hậu nói có giấy này, nhưng lại không đồng ý công khai cho phóng viên coi.
Cũng theo thầy Hậu, căn tin của trường có thực hiện việc lưu mẫu thức ăn ở phòng Hiệu trưởng, mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hỏi: Như vậy, nhân viên của căn tin tự đi chợ mua thực phẩm, hay các công ty giao đến tận nơi, thì thầy Nguyễn Văn Hậu không thể trả lời ngay được, mà nói để coi lại.
Một suất ăn như vậy, căn tin trường bán cho học sinh giá 22.000 đồng, chỉ lèo tèo vài miếng thịt (ảnh: CTV) |
Nói về sơ đồ thiết kế bếp một chiều, thầy Nguyễn Văn Hậu cũng không thể đưa ra được tại thời điểm này.
Việc tổ chức nấu ăn trong căn tin được giao cho bà Đoàn Thị Thanh Vân từ vài năm nay, mà theo thầy Hậu nói rằng chưa có vấn đề gì về việc an toàn thực phẩm trong các suất ăn trưa của học sinh, phụ huynh học sinh cũng không phàn nàn gì.
Thế nhưng, theo thông tin mà phóng viên có được, bà Vân cũng chính là chị ruột của một cá nhân nằm trong Ban Giám hiệu nhà trường.
Cuối buổi làm việc, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề nghị được đi tham quan thực tế căn tin của trường, nhưng thầy Nguyễn Văn Hậu – Phó Hiệu trưởng của trường không đồng ý.