Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, tại kỳ họp thứ 20, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố đã cảnh cáo, khiển trách nhiều cán bộ và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật một số cán bộ, tổ chức Đảng.
Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; Quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Văn Vọng bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Ban Bí thư thi hành kỷ luật cách mọi chức vụ trong Đảng đối với ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. |
Ông Tuấn đã ban hành quyết định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền, vi phạm tiêu chuẩn cán bộ do cấp có thẩm quyền quy định; bổ nhiệm nhiều trưởng phòng, phó trưởng phòng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó điển hình là trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh...
Giám đốc sở "mất chim quý" được bố ưu ái, kê khai lý lịch thiếu trung thực |
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo...
Chia sẻ về việc Ủy ban kiểm tra Trung ương đưa ra quyết định kỷ luật hoặc đề nghị Ban bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ có sai phạm, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng:
"Những hành động cụ thể của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý".
Tuy nhiên, bà An cũng bày tỏ sự lo ngại, tại sao khi Ủy ban kiểm tra Trung ương vào cuộc mọi việc mới sáng tỏ, những cán bộ có vi phạm mới bị kỷ luật thích đáng?
Phó giáo sư Bùi Thị An. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Bà An bày tỏ: “Chúng ta cần xem lại vai của tổ chức đảng tại các cơ sở, các địa phương để cán bộ bị đề nghị và thi hành kỷ luật. Trách nhiệm phân cấp quản lý đến đâu?
Sự phát hiện những tiêu cực như thời gian vừa qua chủ yếu do báo chí, người dân, còn các tổ chức chi bộ hầu như không phát hiện ra, hoặc là không chủ động báo cáo đề xuất xử lý. Vì sao lại như vậy?”, bà An đặt câu hỏi.
Bà An cho rằng: “Sự phân cấp trách nhiệm trong Đảng cũng đã rất rõ ràng. Các đảng bộ địa phương, cơ sở cũng đều được phân cấp trách nhiệm rõ ràng.
Về mặt chính quyền, việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chúng ta cũng đã có Nghị định 107/2006 của Chính phủ. Tuy nhiên, chưa thấy các cơ quan chức năng xử lý được trường hợp nào.”
Cách chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 của ông Phạm Văn Vọng |
Trước khi cấp trên vào cuộc, mọi việc được trả lời rất chung chung là đúng quy trình, đúng quy định, nhưng khi cấp trên vào cuộc, hàng loạt các cán bộ mới lộ ra sai phạm.
Còn công tác đấu tranh tại các tổ chức cơ sở đảng hoặc là không phát hiện được hoặc là phát hiện ra rất chậm.
Sau khi phát hiện được, phải nói thẳng là việc xử lý rất trì trệ, khi kết luận cũng không rõ ràng và cuối cùng là phải đẩy lên cấp trên.
Những vụ việc vừa qua tại Thanh Hóa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc vừa qua là những điển hình”.
Bên cạnh đó, bà An cũng cho biết: “Vai trò của tổ chức đảng cơ sở như thế nào khi những vụ việc tiêu cực thời gian qua xảy ra liên tục trong rất nhiều ngày, nhiều tháng.
Mọi việc không phải là đột xuất, không phải việc đang đi đường gặp mưa, trượt ngã đâu? Các cán bộ mắc sai phạm đã trượt rất dài rồi, thậm chí còn trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau rồi mới bị phát hiện.
Nhiều trường hợp còn luồn sâu, leo cao, mức độ vi phạm còn lớn hơn khi giữ chức vụ cao hơn.
Như vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm về những chuyện này? Vai trò của người đứng đầu ở đâu? Có hay không sự cả nể, dung túng cho sai phạm?”, bà An tiếp tục đặt câu hỏi.
Bà An cho rằng: "Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh".
Đây là tư tưởng chỉ đạo quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, trong đó có yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ".
Về chất lượng sinh hoạt chi bộ thời gian qua Bà An cho biết, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém của sinh hoạt chi bộ. Trong đó có các biểu hiện như: Nội dung sinh hoạt chi bộ đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng, chi bộ còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức, có quyền.
Bày tỏ thẳng thắn với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà An cho rằng: “Xem lại kết quả cuối năm kiểm điểm đảng viên, đảng bộ ai cũng xuất sắc, ai cũng hoàn thành nhiệm vụ người đảng viên, ai cũng trong sạch cả.
Kiểm điểm cá nhân, phê bình và tự phê bình hầu như không có tác dụng. Điều lệ Đảng ghi rõ rồi, chứng năng nhiệm vụ cũng rõ rồi. Thậm chí cả Ủy ban kiểm tra Đảng bộ cũng có chức năng nhiệm vụ rõ ràng.
Vậy mà vẫn để tình trạng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh nhưng có cán bộ tha hóa, biến chất”.