Lãnh sự Nam Phi và VASS nói "không" với buôn bán, sử dụng sừng tê giác

10/09/2015 17:34
Ngọc Bích
(GDVN) - Thông qua văn phòng Lãnh sự Nam Phi, Ness và Vicky đã đến Bảo hiểm Viễn Đông tại TP.HCM để gửi gắm thông điệp “Nói không với mua bán và sử dụng sừng tê giác ”.

Trên hành trình đạp xe xuyên Châu Á để kêu gọi bảo vệ Tê giác, ngày 10/9, Ness (30 tuổi) và Vicky (35 tuổi) - hai chị em người Nam Phi gốc Đức - đã dừng chân tại Việt Nam.

Ness và Vicky chia sẻ về cuộc hành trình với Lãnh sự Danh dự Nam Phi và Ban lãnh đạo VASS.
Ness và Vicky chia sẻ về cuộc hành trình với Lãnh sự Danh dự Nam Phi và Ban lãnh đạo VASS.

Chiến dịch kêu gọi bảo vệ Tê giác tập trung chủ yếu vào giảm thiểu nhu cầu mua bán sừng Tê giác của các nhóm đối tượng chính trên thị trường tiêu thụ. “Nhất là ở Việt Nam, nơi mà quan niệm “sừng tê giác chữa được bách bệnh” đã trở thành một ý niệm không đúng, bởi thực tế sừng tê giác chỉ có công dụng giống như móng tay người”, Ness nhấn mạnh. 

Vicky cho biết thêm: “Số lượng tê giác bị giết hại đang ngày càng gia tăng đến mức báo động đỏ. Cụ thể, năm 2010 là 333 con tê giác, năm 2014 là 1.200 và năm 2015 là khoảng 780. Ước tính mỗi ngày có 3 con tê giác bị “hành quyết”". 

Trong năm 2016, nếu chúng ta không có hành động quyết liệt thì giống loài này sẽ bị tuyệt chủng. Tê giác mang thai 15 tháng do vậy tỷ lệ sinh sẽ ít hơn tỷ lệ tử.

Thông qua văn phòng Lãnh sự Nam Phi, Ness và Vicky đã đến Bảo hiểm Viễn Đông tại TP.HCM, để gửi gắm thông điệp “Nói không với mua bán và sử dụng sừng tê giác” nhằm quảng bá các sáng kiến nghệ thuật phục vụ dự án bảo vệ tê giác KZN. 

Lãnh sự Nam Phi và VASS nói "không" với buôn bán, sử dụng sừng tê giác ảnh 2

Ness và Vicky chụp ảnh kỉ niệm cùng Lãnh sự Danh dự Nam Phi và Ban lãnh đạo VASS.

Bà Đỗ Thị Minh Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Viễn Đông, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui được gặp gỡ, tiếp xúc và giao lưu trực tiếp với Ness và Vicky. Chúng tôi đã biết hành động cao cả của hai bạn qua báo, đài tôi rất khâm phục, ngưỡng mộ hai bạn. 

Chúng tôi là nhà bảo hiểm do vậy không có bất kỳ lý do gì cho phép chúng tôi quay lưng lại với việc bảo vệ, bảo tồn môi trường thiên nhiên, động vật xung quanh mình. 

Bằng tất cả lòng nhiệt huyết, tôi kêu gọi tất cả cán bộ, công nhân viên của Bảo hiểm Viễn Đông nói riêng và người Việt Nam nói chung hãy chung tay bảo vệ các loài động vật quý hiếm và dừng ngay việc buôn bán sừng tê giác, đây là việc làm không có lương tâm vô nhân đạo, bất hợp pháp. 

Với tư cách là công dân, tôi cũng mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến việc kinh doanh trái phép này, góp phần giảm thiểu số lượng tội phạm đang tăng lên, đồng thời bài trừ tội ác đang dần hủy diệt môi trường sống lành mạnh của tất cả chúng ta”. 

Lãnh sự Nam Phi và VASS nói "không" với buôn bán, sử dụng sừng tê giác ảnh 3
Lãnh sự Nam Phi và đại diện VASS cam kết nói không với việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác.

“Chúng tôi thực sự ngạc nhiên về sự cởi mở của các bạn ở Công ty Bảo hiểm Viễn Đông. Chúng tôi rất vui về cách tiếp cận nhiệt tình này. Đó là sức mạnh tinh thần mà chúng tôi nhận được sau những trải nghiệm”, Ness và Vicky hào hứng chia sẻ.

Hành trình của hai cô gái vẫn tiếp diễn cho đến cuối tháng 10/2015. Đặc biệt, trong tháng 9/2015, Ness và Vicky sẽ tới thăm các trường học tại TP.HCM và Hà Nội nhằm tuyên truyền, kêu gọi bảo vệ sự sống cho Tê giác và tham gia vào các hoạt động kỷ niệm ngày Tê giác thế giới (22/9/2015). 

Cũng nhân dịp này, Lãnh sự Nam Phi tại TP.HCM sẽ tổ chức chương trình ngày CHỦ NHẬT XANH với chủ đề cùng nhau bảo vệ môi trường sống, chăm sóc và bảo vệ sự sống của Tê giác với sự tham gia của 1.000 tình nguyện viên đạp xe lưu động vòng quanh thành phố, do bà Đỗ Thị Kim Liên – Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Nam Phi dẫn đầu. 

Ngọc Bích