Lễ hội khai ấn đền Trần 2018: Đảm bảo đủ ấn phát cho du khách

02/02/2018 08:36
Theo TTXVN
(GDVN) - Ban tổ chức lễ hội sẽ chuẩn bị đủ số lượng ấn và bắt đầu phát cho nhân dân, du khách từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 2/3 Dương lịch) cho đến khi hết ấn.

Ngày 1/2, thông tin về công tác tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (Nam Định) Xuân Mậu Tuất 2018, bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định cho biết Ban tổ chức lễ hội sẽ chuẩn bị đủ số lượng ấn và bắt đầu phát cho nhân dân, du khách từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 2/3 Dương lịch) cho đến khi hết ấn. 

Lễ hội đền Trần (Nam Định) Xuân Mậu Tuất 2018 bắt đầu từ ngày 26/2-3/3 (tức ngày 11-16 tháng Giêng) với rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ; rước nước, tế cá; múa lân; biểu diễn võ thuật...; trong đó, trọng tâm là lễ khai ấn diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng. 

Du khách thập phương đến xin ấn và lễ từ rất sớm tại Đền Trần. (Ảnh: TTXVN).
Du khách thập phương đến xin ấn và lễ từ rất sớm tại Đền Trần. (Ảnh: TTXVN).

Theo kế hoạch, vào 23 giờ 15 phút đêm 14 tháng Giêng, Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ khai ấn.

14 cụ cao niên phường Lộc Vượng cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể sẽ vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu khai ấn.

14 cánh ấn bằng giấy màu vàng sẽ được Trưởng từ đền Trần cất giữ sau đó dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng.

Sau khi khai ấn xong, từ 23 giờ 55 phút trở đi sẽ mở cửa đền cho nhân dân, du khách vào lễ đầu năm. 

Để đảm bảo lễ hội khai ấn đền Trần năm 2018 diễn ra an toàn, tiết kiệm, Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần gồm 4 tiểu ban: nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự và hậu cần. 

Ban tổ chức cũng xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội, đặc biệt là phương án bảo vệ lễ rước kiệu ấn.

Lễ hội khai ấn đền Trần 2018: Đảm bảo đủ ấn phát cho du khách ảnh 2Đi tìm ý nghĩa của Ấn đền Trần

Các cơ quan chức năng có kế hoạch phân luồng giao thông trên Quốc lộ 10 đoạn qua khu vực đền Trần để tránh ách tắc; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát giá cả và các dịch vụ lễ hội. 

Cùng với đó, Ban tổ chức lễ hội đền Trần đã treo các panô tuyên truyền về di tích, về lễ hội tại nhiều địa điểm xung quanh khu vực di tích; tăng cường hệ thống loa máy để tuyên truyền, nhắc nhở về công tác đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...

Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định mong muốn người dân, du khách khi tham gia lễ hội thực hiện đúng các quy định của ban tổ chức, nhất là hiểu đúng về ý nghĩa của việc phát ấn, xin ấn và lựa chọn thời gian phù hợp để đến xin lộc ấn và đi lễ đầu năm. 

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, lễ khai ấn đền Trần có từ thế kỷ XIII. Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường (Nam Định) - nơi phát tích của nhà Trần, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. 

Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi lễ khai ấn để tế lễ trời đất, tổ tiên. Nghi lễ khai ấn được nhân dân duy trì để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc; đồng thời cầu mong thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần “Tích phúc vô cương," bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất, học tập, công tác tốt.

Theo TTXVN