“Phản pháo” đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường
Dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng tiếp tục trở thành chủ đề được dư luận xã hội quan tâm sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán.
Không chỉ các chuyên gia, người dân mà chính các bộ, ngành cũng bày tỏ lo lắng nếu thuế bảo vệ môi trường xăng được điều chỉnh như dự thảo của Bộ Tài chính.
Thông tin trên Báo Công an nhân dân cho biết, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đều có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc, thận trọng đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu.
Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân - ảnh minh họa/ nguồn: Petronews.vn. |
Văn bản của Bộ Ngoại giao, do Thứ trưởng Lê Hoài Trung ký, đề nghị “cân nhắc thật kỹ sự cần thiết, lộ trình thực hiện, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thiết yếu này đã gánh nhiều loại thuế, phí, đồng thời bổ sung đánh giá tác động về kinh tế, xã hội đối với phương án mức sàn – trần biểu khung thuế trong dự thảo”.
Tương tự Bộ Tư pháp cho rằng, Bộ Tài chính cần đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách trong dự thảo hồ sơ, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn lên gấp đôi theo quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa.
Việc điều chỉnh tăng này sẽ dẫn đến tăng mức thuế suất cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, nhiều bộ, ngành cũng đề nghị Bộ Tài chính lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận trong quá trình xây dựng luật; bởi hồ sơ dự án luật này chưa hề có ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiêu dùng xăng dầu.
Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên 8000 đồng/lít là quá sức chịu đựng người dân |
Bên cạnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có văn bản góp ý với Bộ Tài chính về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường.
Theo quan điểm của cơ quan này, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu.
Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản.
“Lợi bất cập hại”
Lý giải về việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm để ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã cam kết với các nước.
Nói cách khác, đông thái đưa ra khung thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính nhằm bù đắp ngân sách do thuế nhập khẩu sẽ giảm theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng: “Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để bù phân ngân sách thâm hụt do thuế nhập khẩu giảm là giải pháp lợi bất cập hại”.
Luật sư Đức phân tích, thuế bảo vệ môi trường cũng giống như thuế tiêu thụ đặc biệt, là một nguồn thu không bền vững bởi nó không xuất phát từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, mà thường thay đổi vì mục đích hẹp.
Luật sư Trương Thanh Đức - Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) - ảnh nguồn VTV |
Chẳng hạn như nhận định điều hoà nhiệt độ trước đây là xa xỉ cần hạn chế nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì nay là mặt hàng thông thường hay túi ni lông trước kia là bình thường thì nay là độc hại, ô nhiễm cần đánh thuế bảo vệ môi trường.
“Nguyên tắc tăng thu thuế phải từ hoạt động kinh doanh, khi có doanh thu và lợi nhuận. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường trùng với các loại thuế khác không những không giúp hoạt động kinh doanh doanh nghiệp tốt hơn mà còn tăng gánh nặng cho doanh nghiệp về giá thành và khả năng cạnh tranh”, Luật sư Đức cho biết.
Bà Bùi Thị An: "Cần minh bạch để không lãng phí mồ hôi, công sức của dân" |
Bên cạnh đó, ông Trương Thanh Đức cũng bày tỏ quan điểm: Việc dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường mà không phải dùng vào mục đích môi trường là mập mờ, nguỵ biện và đánh tráo khái niệm.
Trước quan điểm cho rằng do gọi là thuế bảo vệ môi trường nên nguyên tắc thuế thu phải hòa vào ngân sách, từ đó cân đối sử dụng vào các mục đích chi khác nhau trong đó có cả môi trường, cả chi cho bộ máy hành chính, chi đầu tư...
Theo Luật sư Đức, lý giải như vậy là không hợp lý bởi tên thuế thu nêu rất cụ thể, rất rõ "Thuế bảo vệ môi trường", vì thế không thể hiểu là dùng cho việc khác được. Nếu không thì đã phải gọi ngắn gọn hơn là thuế xăng.
Trước đó trong báo cáo đánh giá tác động ảnh hưởng của việc tăng thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết, hiện mức thuế đã bằng (đối với nhiên liệu bay) hoặc gần bằng mức trần trong khung thuế (hiện là 4.000 đồng/lít đối với xăng), nên không còn nhiều dư địa để điều chỉnh mức thuế cho “phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước”.
Với nguyên nhân đó, Bộ này đưa giải pháp điều chỉnh mức thuế tối thiểu bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng, mức tối đa bằng 2 lần khung thuế hiện hành.
Riêng dầu hỏa giữ như khung thuế hiện hành vì đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa (khung thuế đối với dầu hỏa là 300 – 2.000 đồng).
Bộ Tài chính cho rằng, tác động tích cực của đề xuất này là tạo dư địa để điều chỉnh mức thuế tuyệt đối và “góp phần đảm bảo ổn định giá đối với mặt hàng này”, trong khi không có tác động tiêu cực.