Một nữ phó Phòng Giáo dục ở Thanh Hóa được nâng đỡ "không trong sáng"

13/06/2018 06:47
THANH MINH
(GDVN) - Bà Lê Thị Thu Hà mặc chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được bổ nhiệm vào vị trí Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa.

Bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn

Những vụ bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm “nợ” tiêu chuẩn diễn ra nhiều trong thời gian qua khiến dư luận xã hội bức xúc.

Có thể kể ra hàng loạt vụ bổ nhiệm bất thường như trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh tại Thanh Hóa, hay vụ bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) tại Sabeco.

Những ví dụ nói trên cho thấy một nghịch lý đang tồn tại đó là cơ quan có thẩm quyền, đó là cơ quan thực thi pháp luật lại chính là đơn vị vi phạm pháp luật trong công tác cán bộ.

Và dư luận cũng có cái cớ để nghi ngờ về sự “không trong sáng” phía sau những quyết định bổ nhiệm nêu trên.

Trụ sở phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa. Ảnh của Phúc Tuấn/Báo Giao thông vận tải.
Trụ sở phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa. Ảnh của Phúc Tuấn/Báo Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định qua một số vụ việc đã xảy ra dường như vẫn chưa khiến dư luận hài lòng, bởi trên thực tế có một số vụ việc cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu bao che, hoặc chưa làm tới nơi, tới chốn.

Câu chuyện bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Hà vào vị trí Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa một lần nữa chứng minh nhận định trên là có cơ sở.

Tài liệu mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, trước khi được bổ nhiệm chức danh Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa, bà Hà có thời gian làm giáo viên tại trường trung học cơ sở Tố Như, Hoằng Hóa (1995-1998).

Từ năm 1998-2007, bà Hà là giáo viên trường tiểu học Nam Ngạn (thành phố Thanh Hóa).

Từ năm 2007 đến năm 2015, bà Hà làm cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố thanh Hóa.

Đến tháng 4/2015, bà Lê Thị Thu Hà, viên chức Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa.

Một nữ phó Phòng Giáo dục ở Thanh Hóa được nâng đỡ "không trong sáng" ảnh 2Nói như Kiểm tra, Thanh tra Thanh Hóa thì bộ máy Nhà nước còn đâu kỷ cương nữa!

Quyết định bổ nhiệm do ông Đào Trọng Quy ký (ông Quy từng là Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, hiện là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa).

Hiện tại, sau 3 năm giữ chức vụ Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa, bà Hà vẫn là viên chức. 

Việc bổ nhiệm nêu trên được cho là không đúng theo các quy định của pháp luật, bởi người giữ chức vụ Phó phòng Giáo dục và Đào tạo được quy định (đã/phải) là công chức.

Cụ thể, Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức nói rõ, công chức cấp huyện (và tương đương cấp huyện – PV) là người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.

Như vậy, theo quy định này, người đảm nhiệm chức danh Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa) đồng nghĩa với việc họ (đã/phải) là công chức.

Mặt khác, Tại mục 6, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức ngày 12/4/2012 có nêu: Điều 42. Chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức:

Viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức; đồng thời quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm là quyết định tuyển dụng.

Viên chức được bổ nhiệm giữ các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật quy định là công chức khi bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm phải hoàn thiện tiêu chuẩn của ngạch được bổ nhiệm; đồng thời được giữ nguyên chức danh nghề nghiệp đã bổ nhiệm, được hưởng chế độ tiền lương và các chế độ khác như viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, chiếu theo quy định này, bà Lê Thị Thu Hà được bổ nhiệm Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa khi chưa phải là công chức là không đúng quy định.

Phải hủy quyết định bổ nhiệm

Ngày 1/6/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa ban hành văn bản số 505/BC-UBND về kết quả tự kiểm tra, rà soát quy trình công tác cán bộ ngày 1/6/2018 nêu rõ, từ tháng 6/2012 đến ngày 31/3/2018, có 6 trường hợp công chức lãnh đạo trong quá trình làm quy trình bổ nhiệm đã thiếu các bước tuyển dụng, trong đó có trường hợp của bà Lê Thị Thu Hà, sinh ngày 08/12/1975, nguyên là viên chức phòng Giáo dục và Đào tạo.

Bà Hà được điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa vào tháng 4/2015.

Việc bổ nhiệm bà Hà thiếu quy trình tuyển dụng công chức.

Quyết định bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Hà viên chức phòng Giáo dục và Đào tạo giữ vị trí Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa. Ảnh của THANH MINH.
Quyết định bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Hà viên chức phòng Giáo dục và Đào tạo giữ vị trí Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa. Ảnh của THANH MINH.

Tuy nhiên, thay vì việc xem xét, hủy quyết định bổ nhiệm đối với bà Hà thì thành phố Thanh Hóa lại có công văn gửi cơ quan có thẩm quyền, xin ý kiến tuyển dụng công chức đối với cán bộ này (bổ nhiệm trước, xin tuyển dụng công chức sau) và hiện đang chờ ý kiến phản hồi của tỉnh Thanh Hóa.

Công tác cán bộ tại thành phố Thanh Hóa trong trường hợp nêu trên cũng được cho là đi ngược với một số nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, trong đó có nêu:

“Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có “vùng cấm...”.

Đến đây, dự luận có quyền đặt nghi vấn, có phải cơ quan thực thi pháp luật đang cố tình “hợp thức hóa” cho những thiếu sót, vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ đối với bà Lê Thị Thu Hà?

Tại sao một cán bộ thiếu tiêu chuẩn vẫn dễ dàng "lọt" qua các rào cản về mặt pháp lý rất chặt chẽ về việc bổ nhiệm cán bộ?

Liệu có sự nâng đỡ "không trong sáng" nào từ phía cơ quan thực thi pháp luật trong vụ việc nói trên?

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có liên quan tới những thiếu sót, vi phạm trong việc bổ nhiệm nói trên vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm.

Không những thế, người ký quyết định bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Hà không đúng quy định của pháp luật còn được thăng chức ít lâu sau đó.

Trước sự việc nói trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm thuộc Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa để làm rõ những băn khoăn của dư luận xung quanh vụ việc này, nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức.

THANH MINH