Mua kinh nghiệm tiền tỷ và cuộc đua với láng giềng

27/01/2017 06:39
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Chẳng có hình thức nào mang tên “rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc”… có chăng chỉ là người ta tự vẽ vời cho nhau để chạy tội.

LTS: Năm mới Đinh Dậu đã đến, chia tay năm cũ, đón chào năm mới với hy vọng tươi sáng, tác giả Trương Khắc Trà đã có bài viết này.

Chuyện rằng chúng ta đang có những "sợi dây kinh nghiệm rút mãi vẫn không hết" nên cần phải cắt đứt chứ không thì sự phát triển của đất nước so với những hàng xóm trong khu vực nguy cơ tụt hậu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Ở góc độ khoa học, kinh nghiệm (tiếng Anh: experience), hay trải nghiệm, là tri thức hay sự thông thạo về một sự kiện hay một chủ đề có được thông qua tham gia sự can dự hay tiếp xúc trực tiếp. 

Trong triết học, những thuật ngữ như “tri thức thực chứng” hay “tri thức tiên nghiệm” được dùng để chỉ tri thức có được dựa trên kinh nghiệm.

Nói dễ hiểu kinh nghiệm là thứ có được từ hoạt động vật chất của con người, thông qua đó con người “biết” được cái gì đúng, cái gì sai, cái gì hay, cái gì dở, cái gì cần giữ lại, cái gì cần bỏ đi… để mục đích là lần sau tránh được sai lầm hoặc chí ít cũng hạn chế sai lầm.

Một anh nông dân, anh ta canh tác trên thửa ruộng của mình, sau nhiều lần anh ta “rút” ra rằng: đất này chỉ có thể trồng lúa và một năm chỉ có thể canh tác được hai vụ vào những thời điểm nhất định chứ không thể khác. 

Dĩ nhiên, phải trải qua nhiều lần thất bại để anh nông dân có thể “rút” ra được bài học kinh nghiệm quý giá ấy và mỗi lần thất bại anh ta không phải chịu trách nhiệm trước sự giám sát nào cả, đơn giản vì anh ta… chỉ là nông dân, thất bại hay thành công của anh ta chẳng ảnh hưởng ghê gớm gì đến xã hội.

Nhưng! Nếu anh ta là người được “tín nhiệm” được “giao phó” được “bầu bán”… đại diện cho nhân dân thực hiện nhiệm vụ thì những sai lầm gây hậu quả phải chăng chỉ để… “rút kinh nghiệm”? 

Mua kinh nghiệm tiền tỷ và cuộc đua với láng giềng ảnh 1
Một số sai phạm gây thất thoát ngân sách nhà nước nhưng vẫn chỉ xử lý rút kinh nghiệm. (Tranh biếm họa trên báo laodong.com.vn)

Chắc chắn là không vì lúc này anh ta là người đại diện cho cả cộng đồng, thất bại của anh ta là thất bại của cả cộng đồng nên không có chuyện “chày cối” là xong!

Ấy vậy nên có người bảo, ở Việt Nam kinh nghiệm là thứ… xa xỉ, phải tốn kém lắm mới “mua” được, chẳng phải sai đâu!

Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), để xảy ra một số sai phạm trong điều hành, quản lý kinh tế, làm ăn thua lỗ và gây thất thoát tài sản nhà nước lên đến cả ngàn tỷ đồng. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thi hành kỷ luật… khiển trách! [1].

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu vừa kết luận ông Lê Bá Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng và công nghiệp tỉnh, mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng và đề nghị khắc phục trên 1 tỉ đồng. 

Trong khi trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của ông Cường và Ban Quản lý dự án với số tiền gần 16 tỉ đồng nhưng vẫn đề nghị kỷ luật... nghiêm túc rút kinh nghiệm! [2].

Theo Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 2013 - 2015 đã có 188 trường hợp cán bộ thanh tra xây dựng vi phạm. 

Mua kinh nghiệm tiền tỷ và cuộc đua với láng giềng ảnh 2

Quy trình và tiếng dân

Trong đó, có 187 trường hợp vẫn tiếp tục ở lại công tác trong lực lượng, chỉ bị xử lý ở mức rút kinh nghiệm, khiển trách, cảnh cáo. Chỉ 1 trường hợp bị buộc thôi việc [3].

Trong buổi nói chuyện với 4.500 cán bộ, công chức Thành phố Đà Nẵng cách đây mấy năm, Cố Bí thư Thành ủy – ông Nguyễn Bá Thanh nói câu bất hủ “Không ở đâu có sợi dây kinh nghiệm dài như ở Việt Nam... Rút hoài, rút mãi mà không hết” [4].

Luật Cán bộ, Công chức thể hiện rất rõ 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm có: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. 

Chẳng có hình thức nào mang tên “rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc”… có chăng chỉ là người ta tự vẽ vời cho nhau để chạy tội.

Bởi để có thể làm “bốc hơi” cả đống tiền thì một vài cá nhân không thể nào tự tung tự tác được.

Người dân đã “bội thực” với việc “rút kinh nghiệm”, bởi xét cho cùng đây là cụm từ vô bổ không đáng giá một đồng xu, rút kinh nghiệm rồi thì làm sao? 

Ai đo đếm anh ta đã rút được bao nhiêu “mét” kinh nghiệm? Liệu sau những lần “rút” ấy có đủ sức răn đe ngăn ngừa tái phạm?... còn đó thật nhiều nghi vấn xung quanh hình thức “rút kinh nghiệm”.

Hơn thế nữa, tiền mồ hôi nước mắt của dân chứ không phải lá mít để thoải mái mang ra làm “thí nghiệm”. 

Thiết nghĩ, nhà nước cần có chế tài cụ thể, ví dụ làm thất thoát 500 triệu đồng trở lên thì bị cách chức, 1 tỷ đồng thì buộc thôi việc, phải minh bạch hóa tội trạng và phương pháp xử lý sai phạm chứ không thể tung hỏa mù “đội mũ rơm chữa nhà cháy” như hiện nay.

Quá trình hơn bốn thập kỷ đổi mới đã là khoảng thời gian quá dài để chúng ta rút kinh nghiệm, bởi trong khi ta vẫn loay hoay trong mớ bòng bong “kinh nghiệm” thì hàng xóm láng giềng đã vượt mặt khi nào chẳng hay. 

Vì sao hơn 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam vẫn còn nằm trong tốp những quốc gia kém phát triển nhất khu vực khi mà điều kiện về con người, địa chính trị, tài nguyên không thua kém bất kỳ nước nào.

Những lợi thế trên không phải chúng ta tự phong cho mình mà là nhận xét của Cố Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu

Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”[5].

Mua kinh nghiệm tiền tỷ và cuộc đua với láng giềng ảnh 3

Lợi ích nhóm thao túng, doanh nghiệp nhà nước sẽ bị "vắt" đến kiệt quệ

Những năm 90 của thế kỷ XX, người Campuchia từng tha thiết mời gọi các chuyên gia Việt Nam sang giúp đỡ họ về kỹ thuật trồng lúa nước, nhưng năm 2016 người Việt lại quay sang Campuchia để tìm đường cứu gạo! 

Tỉnh Sóc Trăng đã cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm.

Đi cùng đoàn còn có GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam.

Cách đây chừng chục năm ở quê tôi - vùng đất tiếp giáp tỉnh Xavanakhet của nước Lào qua của khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) người dân hay có câu cửa miệng “đồ Lào”, “hàng Lào”, “tiền Lào”… như một cách ám chỉ cái sự kém phát triển của nước bạn. 

Nhưng nay đã hoàn toàn khác, hàng Lào không những rẻ mà còn rất chất lượng, tiền Lào cũng có giá trị cao hơn…

Nếu trước đây Việt Nam là nước giúp đỡ Lào và Campuchia về nhiều mặt thì nay chúng ta đang phải lao vào cuộc chạy đua với họ trên mặt trận kinh tế, thực tế đã có nhiều lĩnh vực ta phải “ngửi khói” họ, như lúa gạo, du lịch, môi trường…

Việt Nam là quốc gia điển hình của nền văn minh lúa nước Phương Đông nên không thể nói rằng cần phải “rút” thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Giờ là lúc không phải để “rút kinh nghiệm” mà cần phải phát huy sức mạnh của người Việt, ai không đủ sức gánh vác nhiệm vụ thì phải loại bỏ khỏi bộ máy. 

Chúng ta không thể không “nóng” trong người khi mà số liệu thống kê cho thấy trong năm năm qua nhiều nước trong khu vực như Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar đã đạt mức tăng trưởng bình quân cao hơn hẳn Việt Nam [6].

Sự nghiêm minh của luật pháp có ý nghĩa vô cùng quan trong sự phát triển của mỗi quốc gia, sai nặng xử nhẹ sẽ “nhờn luật”, sai nhẹ xử nặng làm lòng người oán thán. Chỉ mong sao đúng người đúng tội.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/2-vu-viec-cuc-lon-duoc-rut-kinh-nghiem-trong-ngay-3303577/

[2]http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/sai-pham-tien-ti-chi-rut-kinh-nghiem-20160612215400045.htm

[3]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/thanh-tra-xay-dung-o-dau-bai-3-sai-nhung-chi-rut-kinh-nghiem-1066688.tpo

[4]http://dantri.com.vn/dien-dan/soi-day-kinh-nghiem-dai-ky-luc-1384125506.htm

[5]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/so-mot-dong-nam-a-giac-mo-that-cua-nguoi-viet-232089.html

[6] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20161231/hay-troi-day-viet-nam/1244935.html

Trương Khắc Trà