LTS: Trước ý kiến cho rằng con người hiện nay sống quá vô cảm, cô giáo Phan Tuyết cho rằng dù rất muốn cứu giúp người hoạn nạn nhưng đa phần mọi người đành chọn cách làm lơ để khỏi mang phiền hà rắc rối đến cho mình.
Bởi vì, nhiều trường hợp cũng chỉ vì quá tốt, muốn giúp đỡ người khác mà bao người đã lâm vào cảnh "làm ơn mắc oán".
Đây là một quan điểm cá nhân, có thể không được nhiều người đồng tình, nhưng lại không thể không quan tâm tới.
Toàn soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này và mong nhận được thêm nhiều ý kiến bình luận!
Bài viết “Khi cụ ông ngã xe trên đường” của tác giả Nam Trần đăng trên Báo Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều sự phản hồi của độc giả. Phần nhiều những ý kiến đều chỉ trích lối sống vô cảm của con người trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, không ít người đồng ý với ý kiến của bạn Thanh Tùng khi cho rằng “Không phải không muốn giúp người khác khi gặp hoạn nạn. Nhưng làm ơn thì mắc oán, có ai muốn rước họa vào thân?”.
Là người từng nghe, từng chứng kiến nhiều việc “làm ơn mắc oán” nên tôi rất đồng cảm với bạn Thanh Tùng.
Đừng vội trách con người vô cảm, họ cũng rất muốn cứu người nhưng sợ chính bản thân lại gặp phiền toái, tai ương bởi lòng nghi kị, những thủ tục rườm rà nhiêu khê đằng sau đó.
Cụ ông bị ngã xe trên đường. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
Một đồng nghiệp của tôi vừa thoát khỏi cảnh tống tiền, nguy cơ dính đến pháp luật cũng chỉ vì tốt quá. Theo anh Hải kể lại, đang chạy trên đường, anh bị một cụ ông gần 70 tuổi chạy sai đường đâm thẳng vào người.
Do chạy chậm, anh đã né được cú tông trực diện nhưng mất đà xe ông cụ ngã sóng xoài trên mặt đường. Thấy ông cụ bất tỉnh, Hải nhanh chóng để xe lại hiện trường và gọi tắc xi đưa ông cụ đến bệnh viện cấp cứu.
Hải đã lấy tiền của mình đóng viện phí và tìm thông tin gọi cho gia đình cụ ông biết. Khi đến viện, thay vì cám ơn Hải, các con ông cụ luôn thắc mắc “Nếu anh không có lỗi tại sao lại tốt đến thế?”
Dù cho Hải giải thích thế nào họ vẫn nhất định không chịu cho anh đi. Kể cả khi công an kết luận Hải vô can trong vụ tai nạn trên.
Thế rồi vài tuần sau đó, ngày nào Hải cũng nhận được điện thoại của những người con của ông cụ, lúc thì đòi tiền bồi thường, khi thì hăm dọa cho xã hội đen xử đẹp.
Nhiều lần Hải phải thốt lên “Giá hôm ấy cứ bỏ mặc ông cụ giữa đường thì đâu có gặp rắc rối như thế?”.
Cũng giống như Hải, anh Hùng cũng vì cứu người bị tai nạn trên đường mà công việc làm ăn của anh bị dang dở.
Đó là một buổi sáng sớm trên đường đi làm, anh thấy một người phụ nữ nằm thoi thóp bên vũng máu. Có lẽ vụ tai nạn lúc khuya nên người tông đã kịp thời tẩu thoát.
Văn hóa giao thông kém là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tai nạn giao thông |
Anh đưa người phụ nữ đi cấp cứu rồi trở lại cơ quan nhưng anh buộc phải để lại số điện thoại để cơ quan chức năng làm việc khi cần.
Người phụ nữ đã không qua khỏi.
Thế rồi, anh liên tục bị mời lên để chất vấn, lấy lời khai, mô tả hiện trường.
Cơ quan công an nói vì liên quan đến tính mạng trong thời gian điều tra anh không được đi xa.
Cứ liên tục như thế, anh phải hủy biết bao chuyện làm ăn và lên công an như một kẻ phạm tội. Đã thế, gia đình nạn nhân cứ một mực khẳng định anh là thủ phạm.
Họ liên tục gây khó dễ để đòi bồi thường. Anh đã ân hận vì mình làm một việc tốt.
Nhiều người hẳn chưa quên cậu chuyện cậu bé lớp 12 Đỗ Quang Thiện (lớp 12A2 Trường THPT Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk phải ngồi tù 50 ngày vì đưa một cụ ông đi cấp cứu.
Thiện kể:
“Hôm đó, sau khi học xong tiết 5 ở trường, em đi xe máy từ từ về nhà. Đến ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Trường Chinh, em đã nhìn thấy ông Thọ đang đi xe,
Sau đó ông chạy sát gần xe em và đột ngột đổ vào bên trái ập vào xe của em, lốp trước xe máy của ông móc vào cần thắng chân của xe em khiến cả em và xe đều bị té xuống đường.
Em không hề tông trúng ông Thọ, ông tự ngã vào xe của em” .
Và thời điểm xảy ra sự việc, rất nhiều người xác nhận trên người ông Thọ có mùi bia rượu, tòa án tỉnh vẫn tuyên Thiện 9 tháng tù giam và buộc bồi thường cho ông Lê Phước Thọ trên 56 triệu đồng vì tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiên giao thông đường bộ”.
Còn nhiều, rất nhiều những người làm ơn mắc oán, làm việc nghĩa nhưng mang rắc rối cho bản thân.
Vì thế, dù rất muốn cứu giúp người hoạn nạn nhưng đa phần mọi người đành chọn cách làm lơ để khỏi mang phiền hà rắc rối đến cho mình.