Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phạm Vũ Luận bảo vệ quan điểm, Bộ Giáo dục sẽ biên soạn một bộ SGK, song song với việc khuyến khích các tổ chức cá nhân khác cũng sẽ biên soạn SGK. Tuy nhiên, phần thảo luận của Thường vụ Quốc hội đã có nhiều quan điểm khác nhau và chưa ngã ngũ.
Bộ Giáo dục có nên biên soạn SGK?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, theo đề xuất của đề án thì Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để sử dụng thống nhất trong toàn quốc.
Công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa. Tất cả sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; có thể có nhiều sách giáo khoa được phát hành sau khi thẩm định. Các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện của mình trong số sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (27/9). Ảnh: Ngọc Quang. |
Trước những lo lắng về thiếu sự công bằng minh bạch khi Bộ Giáo dục cũng tham gia biên soạn SGK, Bộ trưởng Luận lý giải: "Lo lắng đấy là một thực tế, nhưng lo lắng đấy không đúng bản chất của vấn đề, vì không phải Bộ Giáo dục Đào tạo lựa chọn để chỉ có một bộ SGK duy nhất, mà chủ trương là hướng tới việc có nhiều bộ SGK".
Ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Luận, đó là Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Uông Chu Lưu nói: "Có gì làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh làm ảnh hưởng tới quyền bình đẳng hay không thì tôi nghĩ không ảnh hưởng, bởi vì Bộ Giáo dục cũng là một chủ thể thực hiện Nghị quyết. Hơn ai hết, Bộ Giáo dục giúp cho Chính phủ quản lý thống nhất về mặt giáo dục thì có nhiều kinh nghiệm, nhiều điều kiện để biên soạn một bộ SGK tốt. Tất cả các loại sách sau khi biên soạn xong rồi thì phải qua Hội đồng thẩm định quốc gia, hội đồng này sẽ làm việc công tâm khách quan, bởi vì thành viên của hội đồng không chỉ là cán bộ của Bộ Giáo dục mà sẽ thực hiện trên các tiêu chí đánh giá do Quốc hội hoặc Chính phủ thành lập".
Còn theo ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên: "Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa đảm bảo sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả ba cấp học".
Trước những lo lắng đảm bảo công bằng trong thẩm định các bộ SGK, ông Thi đề nghị nghiên cứu quy định công khai quy trình thẩm định sách giáo khoa khách quan, độc lập; quy định quy trình cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở bàn bạc dân chủ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh của nhà trường.
Vẫn còn lo lắng về tính khách quan, minh bạch
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, vấn đề đổi mới sách giáo khoa chỉ có 3 khâu là biên soạn, thẩm định và phát hành. Từ trước đến nay, Bộ Giáo dục tiến hành việc biên soạn, nhưng cần phải phân định rõ trong lần đổi mới này. Nên huy động các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên... để các lực lượng này tham gia vào quá trình biên soạn, Bộ Giáo dục đóng vai trò là cơ quan thẩm định để chọn ra một bộ chuẩn nhất (học và thi), còn những bộ khác chỉ dùng làm sách tham khảo.
"Bộ làm cả khâu biên soạn, đồng thời và khâu thẩm định thì có đảm bảo khách quan không? Mặc dù Bộ nói là có hội đồng thẩm định độc lập, nhưng tôi nghĩ là dù sao thì nó vẫn phảng phất chuyện không khách quan hay duy ý chí. Việc này đa số các nước tiên tiến đều làm việc này rồi chứ không có gì mới cả, bây giờ chúng ta đi sau thì nên học tập để đảm bảo khách quan và đồng thời cũng giảm chi phí đi", ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Bộ Giáo dục vừa biên soạn sách giáo khoa vừa giữ vai trò thẩm định là không khách quan. |
Ông Phúc cũng đề nghị phải nói rõ hai phương án đưa ra Quốc hội thảo luận lựa chọn: "Một là Bộ Giáo dục làm hết từ A đến Z, tức là bao gồm cả biên soạn, thẩm định và phát hành; Phương án hai là Bộ Giáo dục chỉ làm công tác thẩm định, việc biên soạn và phát hành là một khâu khác".
Cùng chung quan điểm với ông Phúc, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ rõ, đề án nêu kinh nghiệm quốc tế lấy thí dụ từ các nước tiên tiến chứ không nêu kinh nghiệm Việt Nam.
"Nếu theo hướng mới thì Bộ Giáo dục chỉ thẩm định chứ không biên soạn sách giáo khoa nữa. Theo báo cáo của Chính phủ, qua quá trình thảo luận tại các hội nghị, hội thảo thì có hai loại ý kiến về soạn sách giáo khoa: Một là các tổ chức cá nhân tổ chức biên soạn SGK, Bộ Giáo dục không tổ chức biên soạn, mà chỉ đưa ra chương trình và thẩm định, tức là giống như phần chung của các nước. Hai là khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn nhiều bộ SGK, Bộ Giáo dục tổ chức thẩm định chọn lấy một bộ SGK tốt nhất. Thế nhưng tính toán đến tiền nong thì tôi có cảm giác là không theo hai dạng ý kiến này. Bộ Giáo dục đã tính đến phương án không biên soạn SGK mà chỉ thẩm định chưa?", ông Dũng nêu vấn đề.
Lý giải thêm về nội dung trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, ngay cả những nước tiên tiến nhất trên thế giới cũng đang đặt ra vấn đề đổi mới SGK, chứ không riêng Việt Nam.
"Nhiều bộ SGK không có nghĩa là học sinh phải học nhiều hơn mà người ta sẽ chọn, còn tinh thần chung là giảm tải. Kiến thức thế giới ngày càng nhiều, mà mình thì muốn giảm tải, tức là mình phải thay đổi cách làm. Thực ra ban đầu Chính phủ chỉ trình hai phương án: Phương án 1 là Bộ Giáo dục soạn một bộ sách và khuyến khích các tổ chức cá nhân cũng soạn sách. Phương án 2 là Bộ Giáo dục chỉ soạn chương trình, không soạn sách. Trong khi Chính phủ thảo luận có lấy ý kiến của rất nhiều chuyên gia và mở ra thêm phương án thứ 3 là để mở như vậy nhưng chọn một bộ sách chuẩn thôi. Khi làm việc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục thì các đồng chí có ý kiến là Chính phủ nên bàn kỹ, nếu để các tổ chức cá nhân làm mà Bộ Giáo dục không làm thì tính chủ động không có, trong khi mình ấn định thời gian đổi mới SGK mà nếu không làm kịp thì sao? Cho nên Ủy ban đề nghị Chính phủ nên chọn phương án Bộ Giáo dục được làm một bộ sách", Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải đáp một số thắc mắc của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 27/9. Ảnh: Ngọc Quang |
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chương trình đổi mới lần này rất chi tiết và tách bạch. Chương trình là pháp lệnh, còn biên soạn sách tác riêng, đó là sự khác biệt so với trước đây đội ngũ viết chương trình và sách giáo khoa cơ bản là một.
Phó Thủ tướng cho biết sau nhiều lần trao đổi với các bộ phận chuyên môn của Bộ Giáo dục thì đã tách biệt phần xây dựng chương trình - sách giáo khoa riêng biệt với đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng trường lớp và đào tạo đội ngũ giáo viên, vì đây là những việc thuộc 18 đề án Chính phủ đang thực hiện.