Đạt chuẩn chưa lâu lại... mất chuẩn
Năm học 2018-2019 đã bắt đầu, thế nhưng nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa, đặc biệt là các trường tiểu học đang phải căng mình chống đỡ tình trạng quá tải trường lớp.
Hệ lụy của việc quá tải trường lớp dẫn đến chất lượng giáo dục khó được đảm bảo do cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thiếu giáo viên, và đặc biệt gánh nặng về số học sinh/lớp học đổ dồn lên các trường công lập.
Khảo sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, ngay từ năm học 2017-2018, mạng lưới nhiều trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa đã không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, nhất là ở các phường nội thành.
Sĩ số học sinh tại nhiều cơ sở giáo dục luôn trên mức quy định (45 học sinh/lớp). Hiện tại, trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa, các khu vực rơi vào tình trạng quá tải thuộc các phường Đông Thọ, Phú Sơn, Đông Vệ, Ngọc Trạo, Ba Đình, Đông Sơn, Trường Thi, Tân Sơn.
Đây là một thực trạng hết sức báo động đối với giáo dục Thành phố Thanh Hóa trong năm học này và những năm học tiếp theo.
Khuôn viên trường tiểu học Đông Vệ 2. Ảnh của Xuân Quang/giaoduc.net.vn. |
Tại trường tiểu học Đông Vệ 2 (phường Đông Vệ, Thành phố Thanh Hóa), năm học 2018-2019 nhà trường có 17 phòng học cơ bản (chưa tính số phòng cơi nới) nhưng có tới 25 lớp học với 1.050 học sinh. Theo tính toán, mỗi lớp học trung bình sẽ có tới hơn 61 học sinh.
Để giảm tải lớp học, nhà trường phải lấy nhà ăn bán trú, nhà đa năng, ngăn thành 6 phòng để bố trí nơi học tập cho học sinh.
Tuy nhiên, dù đã cơi nới, nhưng cơ sở giáo dục này vẫn thiếu hai phòng học cơ bản.
Theo đó, dù đã cố gắng bố trí 23 phòng học, nhưng năm học 2018-2019, số học sinh trung bình/lớp vẫn rơi vào khoảng với hơn 45 học sinh/lớp (1.050 học sinh nhưng chỉ có 23 phòng học).
Trong khi đó, tại các phòng học đã được cơi nới, số bàn ghế trong lớp học được bố trí không còn sót một chỗ trống trong phạm vi chật hẹp.
Bà Vũ Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng trường tiểu học Đông Vệ 2 cho biết, tình trạng quá tải lớp học xảy ra tại cơ sở giáo dục này xuất hiện từ năm học 2015-2016 đến nay.
Nguyên nhân trực tiếp là do tốc độ đô thị hóa nhanh trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa khiến đầu vào lớp 1 hằng năm (từ mẫu giáo lên lớp 1) nhiều hơn đầu ra (lớp 5 lên lớp 6), trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế.
“Năm học 2015-2016, chúng tôi có 2 lớp 5 ra và tuyển sinh 5 lớp 1; năm học 2016-2017 có 2 lớp 5 ra và tuyển sinh 4 lớp 1; năm 2017-2018 có 3 lớp 5 ra và tuyển sinh 6 lớp 1.
Riêng học 2018-2019, trường tiểu học Đông Vệ 2 được giao 200 chỉ tiêu vào lớp 1, nhưng số hồ sơ nộp vào trường lên tới 321 học sinh.
Việc tăng cơ học số học sinh lớp 1, trong khi đầu ra (lớp 5 lên lớp 6) ít hơn đầu vào khiến tình trạng quá tải lớp học diễn ra theo cấp số cộng theo từng năm.
Nếu làm đúng theo quy định (sĩ số học sinh/lớp) thì trường sẽ có cả trăm học sinh không bố trí được lớp học.
Tình trạng quá tải trường lớp học, trong khi cơ sở vật chất chưa đồng bộ (đối với những phòng học được cơi nới) và đội ngũ giáo viên còn thiếu có thể ảnh hưởng tới chất lượng dạy học trong trường. Đây là điều khiến chúng tôi rất lo lắng”, bà Hà cho hay.
Nhà đa năng của trường tiểu học Đông Vệ biến thành phòng học do quá tải trường lớp. Ảnh của Xuân Quang/giaoduc.net.vn. |
Vị Hiệu trưởng cũng tỏ vẻ tiếc nuối: “Mặc dù trường đã được công nhận trường chuẩn mức độ 2 cách đây không lâu, nhưng do tình trạng quá tải trường lớp nên cơ sở vừa đạt chuẩn lại “vỡ” chuẩn”.
Để khắc phục tạm thời tình trạng quá tải trường lớp, trường tiểu học Đông Vệ 2 đã phải cho học sinh các khối nghỉ học luân phiên để giảm tải và bố trí việc dạy và học phù hợp hơn:
“Để quá trình học tập của học sinh không bị gián đoạn, chúng tôi phải cho học sinh các khối nghỉ luân phiên, để đảm bảo cho học sinh học được học 9 buổi/tuần. Nhưng vất vả ở chỗ cô trò phải chạy phòng, chạy tiết.
Bên cạnh đó, tình trạng lãnh đạo trường luôn phải túc trực ở trường, căng mình để quản lý là chuyện thường xuyên xảy ra”, bà Hà nói và lo lắng, nếu tình trạng tăng cơ học đầu vào học sinh lớp 1 lớn hơn so với đầu ra, trong khi cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu thì trong một vài năm tới tình trạng quá tải trường lớp tại đây sẽ rất trầm trọng.
Tương tự, tình trạng quá tải trường lớp cũng diễn ra tại tại trường tiểu học Trần Phú. Năm học 2018-2019, đáp ứng nhu cầu dạy và học, ngay từ đầu năm, nhà trường phải tận dụng, cải tạo văn phòng làm việc của giáo viên để làm lớp học.
"Năm học 2018-2019, trường được giao tuyển 260 chỉ tiêu vào lớp 1. Tuy nhiên thực tế con số đó lên tới 320 học sinh tương ứng với 7 lớp 1.
Trong khi đó cơ sở vật chất hiện có tại nhà trường chỉ đáp ứng được 6 lớp 1. Do đó, trường phải tận dụng văn phòng để làm thêm 1 phòng học cho học sinh.
“Nếu tình trạng này cứ diễn ra trong nhiều năm tới thì việc dạy và học của nhà trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, bà Nguyễn Thị Mai - Hiệu trưởng nhà trường nói.
Quá tải sẽ ngày càng tăng
Số liệu phổ cập giáo dục trên địa bàn thành phố Thanh Hóa (thời điểm tháng 12/2017), cho thấy một thực tế, số học sinh tăng nhanh về số lượng qua các năm.
Từ năm học 2014-2015 đến năm học 2018-2019, số học sinh tăng từ 64.298 học sinh lên 78.412 học sinh. Từ năm 2014 đến năm 2016, số học sinh tăng chủ yếu ở bậc mầm non từ 5.000 cháu/độ tuổi lên 6.500 cháu/độ tuổi; từ năm 2017-2019 tăng trung bình 400 cháu/năm, đạt mốc gần 8000 cháu/độ tuổi.
Theo quy mô phát triển giáo dục, dự báo đến năm 2025 số học sinh mỗi độ tuổi đều trên 8.000 em, nâng tổng số học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố lên 102.000 học sinh.
Hiện tại, hệ thống mạng lưới trường, lớp bậc mầm non cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2020-2025, khi số trẻ mầm non tăng lên thì quy mô trường lớp không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.
“Đáng báo động nhất là bậc tiểu học. Hiện tại, toàn thành phố có 45 trường tiểu học, trong đó có 42 trường tiểu học công lập; 1 trường tiểu học liên cấp học, 1 trường tiểu học tư thục và 1 trường tiểu học tư thục liên cấp học.
Từ năm 2017-2018, mạng lưới trường tiểu học đã không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, nhất là các trường phường nội thành. Sĩ số học sinh luôn trên mức quy định 45 học sinh/lớp, trong khi đó theo quy định của Điều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/lớp.
Tại các phòng học đã được cơi nới của trường tiểu học Đông Vệ 2, số bàn ghế trong lớp học được bố trí không còn sót một chỗ trống. Ảnh của Xuân Quang/giaoduc.net.vn. |
Theo tính toán cơ học, đến năm 2018-2019, số học sinh tiểu học tăng lên 2.038 em so với năm học 2017-2018 (tương đương 70 lớp), với cơ sở vật chất hiện tại thì (đã) không thể bố trí được thêm các lớp học.
Đặc biệt, đến giai đoạn 2020-2025, khi số học sinh tiểu học ổn định trên mức 8.000 học sinh/độ tuổi thì quy mô trường, lớp không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, đến giai đoạn 2020-2025 khi số học sinh tiểu học hiện tại chuyển tiếp lên trung học cơ sở thì quy mô trường, lớp không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Đó là chưa kể đội ngũ giáo viên còn thiếu so với quy định là 490 người ở bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Như vậy, nhu cầu đầu tư cho giáo dục tính đến năm 2025 là 40 trường, trong đó, mầm non 13 trường; tiểu học 16 trường; trung học cơ sở 11 trường”, ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thanh Hóa thông tin đồng thời cho rằng đây là bài toán hết sức nan giải.
22 nghìn phòng học Hà Nội xây mới ở đâu để con em chen chúc gần 70 học sinh/lớp? |
Hiện tại, để san sẻ gánh nặng trường lớp ở các phường nội thành, Thành phố Thanh Hóa đã thống nhất phương án, các trường tiểu học sau khi tuyển sinh trên địa bàn phường, xã, có thể tuyển sinh thêm ở các phường xã khác hiện đang quá tải về số lượng học sinh.
Ví dụ, trường tiểu học Quảng Thắng tuyển sinh thêm học sinh trên địa bàn phường Đông Vệ; trường tiểu học Nam Ngạn, Nguyễn Bá Ngọc tuyển sinh thêm học sinh trên địa bàn phường Đông Thọ (phố Đoàn Kết, Phố Thành Công)...
Tuy vậy, tình trạng quá tải lớp học tại nhiều trường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa trong năm học mới này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Và nếu căn cứ từ thực tế việc tăng cơ học về số học sinh qua các năm, trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học thì nguy cơ “vỡ trận” giáo dục Thành phố trong trong thời gian tới sẽ trở thành hiện thực.
Trong khi đó, với quy định về mạng lưới trường lớp công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) hiện nay đối ở các phường trong khu vực nội thành dường như đã không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại.
Mặt khác, tốc độ đô thị hóa tại thành phố Thanh Hóa diễn ra khá nhanh, kết hợp với việc xây dựng các khu đô thị mới, khiến dân số gia tăng nhanh, thì việc giảm tải sĩ số ở các trường công lập hiện nay bằng cách xã hội hóa giáo dục, khuyến khích xây dựng các trường ngoài công lập để giảm tải áp lực cho các trường công lập trở thành nhu cầu hết sức bức thiết của giáo dục thành phố.
Mặc dù hiện nay, chính Chính phủ khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản để phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập.
Việc gỡ bỏ những rào cản đặc biệt là vấn đề về đất đai, tạo chính sách thu hút đầu tư là không hề đơn giản và nó phụ thuộc rất nhiều vào những người làm và thực thi chính sách. Vậy, tỉnh Thanh Hóa đã làm gì để gỡ bỏ những rào cản này?
Còn nữa