Trên đất khách, bên cạnh những nỗ lực mưu sinh và cố gắng hòa nhập thì điều trăn trở lớn nhất của kiều bào chính là làm sao để con cái mình nói được tiếng mẹ đẻ, hiểu biết phần nào lịch sử và văn hóa truyền thống của cha ông, dân tộc mình.
Nhiều người vì bận bịu mưu sinh, vì những khác biệt trong văn hóa gia đình và hoàn cảnh sống nên đã phó mặc việc giáo dục, chăm sóc con cái cho xã hội, cho những “Osin Tây”.
Hình ảnh học sinh tại trường Lạc Long Quân hào hứng tiếp cận với tiếng Việt từ những chữ cái đầu tiên (Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn) |
Đến khi ngoảnh lại, con cái đều không nói được tiếng mẹ đẻ, không giao tiếp được với những người thân thích nơi quê nhà, thậm chí ngay cả nói với bố mẹ cũng khó khăn.
Nỗi buồn sâu thẳm khiến họ dằn vặt, trăn trở, có khi len lỏi vào tận những giấc mơ. Không biết rồi đây bố mẹ quy thiên, liệu con cái có còn nhớ đến Tổ tiên, nguồn cội?
Khi những mái trường, những lớp học tiếng Việt được mở ra, kiều báo hết sức phấn khởi, ủng hộ. Tại Châu Âu, có thể kể đến những ngôi trường có bề dày thâm niên như: Trường Lạc Long Quân tại Vác-sa-va (Ba Lan), Trường tiếng Việt Sao Mai tại Berlin (Đức), Trung tâm tiếng Việt SAPA tại Praha (Cộng hòa Séc), Trung tâm tiếng Việt Budapest (Hungary),… Ngoài ra, còn có những lớp học đơn lẻ được tổ chức rải rác trong các cộng đồng.
Ông Lê Xuân Lâm tuyên dương những con em kiều bào có thành tích học tập tốt (Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn) |
Ông Lê Xuân Lâm, Hiệu trưởng trường tiếng Việt Lạc Long Quân (hiện cũng là Tổng biên tập trang Queviet.pl tại Ba Lan, và là Phó ban khuyến học của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh) cho biết:
“Những người đứng ra thành lập, điều hành các trường dạy tiếng Việt cho con em kiều bào đều rất có trách nhiệm và tâm huyết. Nhất là những người đi tiên phong.
Họ không chỉ dành nhiều thời gian, tâm sức cho nó, mà nhiều lúc còn phải tự bỏ kinh phí cá nhân ra để duy trì hoạt động của các lớp học. Nói chung, từ cán bộ quản lý đến các giáo viên đứng lớp đều làm việc trên tinh thần tự nguyện, vượt khó và bền bỉ, lâu dài”.
Giờ học của các cháu trường Lạc Long Quân tại Vác-sa-va (Ba Lan) (Ảnh: Trung tâm văn hóa Văn Lang) |
Được biết, Trường tiếng Việt Lạc Long Quân được thành lập năm 2009, trên cơ sở sát nhập Trường Hùng Vương (thành lập năm 1999) và Trường Văn Lang (thành lập năm 2007) tại Vác-sa-va với nhau.
Trường hiện có khoảng 150 học sinh theo học, với đội ngũ 15 giáo viên cơ hữu, tổ chức học thường xuyên vào các ngày cuối tuần.
Giáo viên và học sinh trường tiếng Việt Sao Mai tại Berlin (Đức) trong buổi lễ khai giảng năm học 2015-2016 (Ảnh: vietbao.de) |
Những người tiên phong, đóng góp nhiều công sức để sáng lập và phát triển các trường tiếng Việt tại Ba Lan có thể kể đến như TS. Hoàng Thu Oanh, TS. Nguyễn Đức Hà, TS. Hoàng Xuân Bình, ông Lê Xuân Lâm, ông Bùi Đăng Hiền, TS. Nguyễn Đình Dũng, TS. Đào Duy Tiến,...
Chương trình giảng dạy thường được các trường biên soạn dựa trên những bộ sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học trong nước (các lớp 1, 2, 3, 4), chương trình tiếng Việt vui (đề án của BộGD&ĐT) và kinh nghiệm của các giáo viên,…
Cô Đỗ Như Phương Hồng, một giáo viên dạy piano tại Hungary, cũng là người tham gia lên lớp tại Trung tâm tiếng Việt Budapest chia sẻ kinh nghiệm rằng:
"Trước hết, luôn phải khiến cho các cháu thích đến với lớp học tiếng Việt đã, sau đó mới dạy chữ và truyền tải các thông điệp giáo dục lịch sử, văn hóa trong quá trình dạy học".
Anh Trần Đăng Khoan, người phụ trách và điều hành trực tiếp tại Trường tiếng Việt Sao Mai ở Berlin (trong Trung tâm ITC Thái Bình Dương) cho biết: "Mỗi năm có khoảng 80 cháu tham gia các lớp học tiếng Việt tại đây. Các cháu được giao lưu, sinh hoạt chung với cộng đồng tại Trung tâm văn hóa Việt Nam (ở Berlin).
Đội văn nghệ của Trường thường xuyên luyện tập những điệu múa dân gian, những bài hát về quê hương để biểu diễn, phục vụ cộng đồng trong những dịp lễ hội, giao lưu, họp mặt. Sự cổ vũ của cộng đồng khiến các cháu rất hồ hởi, hăng say và tự hào về nguồn cội”.
Đội văn nghệ trường tiếng Việt Sao Mai tại Berlin (Đức) với điệu múa dân gian của quê hương |
Cái nghề gieo chữ, giữ lửa ngoài biên ải cũng phải đối diện không ít những gian nan. Vì học trò vốn quen với nền giáo dục kiểu Phương Tây, lại thường là lớp ghép, khác nhau về độ tuổi nên không “ngoan ngoãn, dễ bảo” như kiểu học sinh tiểu học trong nước.
Giáo viên luôn bận với công việc chính nên chỉ sắp xếp thời gian dạy tranh thủ với thu nhập không nhiều, nhưng luôn phải lo lắng soạn giáo án, tìm hiểu thêm cách dạy cấp tiểu học ở nước sở tại để hoàn thiện kỹ năng lên lớp của mình, sao cho vừa đơn giản, hiệu quả, vừa lôi cuốn để trò không “chê” mà bỏ lớp.
Song song đó, với đặc thù ở các lớp học này, cho nên, các giáo viên luôn phải tự tìm tòi, trang bị cho mình một vốn kiến thức tốt về lịch sử và văn hóa truyền thống của dân tộc, nhằm truyền tải được những điểm đặc trưng, cơ bản nhất cho các cháu.
Những con người đang miệt mài gieo chữ và nhen nhóm những bếp lửa Lạc hồng trên miền đất lạnh này đều rất bình dị. Nhưng tôi nghĩ, phải bằng một tình yêu, lương tâm và trách nhiệm lớn lao lắm, họ mới có thể cùng nhau đồng tâm, dấn thân vì sự nghiệp giáo dục tự nguyện một cách vô tư và lâu dài như vậy.
Sau thế hệ Việt kiều thứ nhất, các lớp con em nếu không nói được tiếng Việt và mang quốc tịch Tây, không biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam, thì thực chất sẽ không còn là kiều bào Việt Nam nữa, cho dù đôi lúc họ có nghĩ đến điều đó.
Đáng tiếc là đến nay, với lượng kiều bào đông đảo (khoảng 5 triệu người) sinh sống khắp nơi trên thế giới, nhưng số cơ sở giáo dục với sứ mệnh hướng tới đồng bào xa Tổ quốc vẫn còn quá ít ỏi và chủ yếu mang tính tự phát.
Hy vọng rằng, với quan điểm kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc, rồi đây, Đảng và Nhà nước, Bộ GD&ĐT, Bộ ngoại giao sẽ có những chủ trương, chính sách cụ thể và chủ động hơn, quan tâm thiết thực hơn nữa tới một mảng giáo dục hết sức ý nghĩa, gắn với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của kiều bào mình.