Nếu được tuyển vượt không quá 20% chỉ tiêu, trường đại học sẽ "dễ thở" hơn

16/11/2024 06:18
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo đánh giá, về bản chất, “các cơ sở đào tạo không tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo” là phù hợp cho công tác tuyển sinh trong giai đoạn hiện nay.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.

Một trong những nội dung đặc biệt được quan tâm trong dự thảo là: “Cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố, đồng thời không được vi phạm các quy định tại Điều 4 Thông tư”.

Hiện Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có quy định sẽ xử phạt đối với các cơ sở giáo dục tuyển sinh vượt từ 3% chỉ tiêu trở lên.

Như vậy có thể thấy, theo dự thảo Thông tư mà Bộ đang lấy ý kiến đã tạo nhiều điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh.

“Cởi trói” nhiều vướng mắc theo quy định hiện hành

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Nội dung về tuyển sinh đại học tại dự thảo Thông tư phù hợp với thực tế, thực trạng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Theo đó, việc cho phép các cơ sở đào tạo tuyển sinh không vượt quá 20% sẽ cởi trói, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay khi các trường phải tuân thủ theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP, sẽ xử phạt đối với các cơ sở giáo dục tuyển sinh vượt trên 3% chỉ tiêu.

Theo chia sẻ của thầy Lượng, công tác tuyển sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải do một mình cơ sở đào tạo tự ý quyết định.

Kết quả tuyển sinh không chỉ dựa theo chỉ tiêu đơn vị đào tạo công bố mà còn phụ thuộc vào nhu cầu xã hội, biến động thị trường lao động, tỷ lệ nhập học của thí sinh….

Việc cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho từng ngành, nhóm ngành dựa trên đánh giá từ năng lực đào tạo của trường, nhu cầu và xu hướng lựa chọn ngành học của thí sinh từ năm học trước đó. Tuy nhiên, việc xác định này không hề mang tính cố định mà sẽ thay đổi từng năm. Có những ngành học xu thế trong năm nay nhưng chưa chắc năm sau đã được thí sinh ưu tiên lựa chọn.

Không chỉ vậy, có nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học vì có dự định, kế hoạch khác, điều này cũng gây ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo nhận định và đánh giá của thầy Lượng, nếu tuân theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP, các trường không được tuyển vượt trên 3% dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục đại học phải cân đo đong đếm từng thí sinh ở từng ngành học để tránh vi phạm.

Nếu muốn tuyển đúng, đủ như chỉ tiêu đã công bố thì phải tính đúng tỷ lệ ảo khi tuyển sinh. Trên thực tế, tỷ lệ này không phải là con số nhỏ và các đơn vị đào tạo rất khó có thể kiểm soát, nắm được con số chính xác để tính phương án tuyển sát với chỉ tiêu đã đặt ra.

Vậy nên, nếu theo dự thảo Thông tư sẽ tạo điều kiện, cho phép các trường không tuyển vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo đã công bố thì sẽ giúp các đơn vị có thể chủ động hơn trong công tác tuyển sinh mà không cần phải cân đo, đong đếm quá nhiều.

thay-luong-432.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Cùng góp ý cho dự thảo, đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, những tiêu chí mới trong dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở đào tạo, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong vấn đề tuyển sinh.

Vị này chia sẻ thêm, một trong những tiêu chí quan trọng trong công tác tuyển sinh là tuyển được thí sinh chất lượng, phù hợp với từng ngành học, lĩnh vực và năng lực đào tạo của trường, góp phần cho việc đảm bảo chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học và chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

Nhìn một cách tổng quan, dự thảo không chỉ thay đổi quy định về tỷ lệ tuyển sinh mà các cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo điều kiện khác để không vi phạm các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh như quy mô đào tạo, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, đội ngũ giảng viên,...

Về bản chất, việc điều chỉnh này thực chất là “các cơ sở đào tạo không tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo”, điều này phù hợp cho công tác tuyển sinh trong giai đoạn hiện nay.

Đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã xác lập từ đầu các nguyên tắc và tiêu chí tuyển sinh bám sát theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương thức tuyển sinh, điều kiện xét tuyển, đối tượng tuyển sinh và quy trình tuyển sinh phù hợp, đảm bảo được nguồn tuyển và chất lượng thí sinh.

Do đó, việc điều chỉnh tỷ lệ tuyển vượt sẽ chỉ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong công tác tuyển sinh chứ không ảnh hưởng, tác động đến các nguyên tắc, tiêu chí tuyển ban đầu của nhà trường, cũng như không ảnh hưởng đến việc đảm bảo chất lượng đầu vào.

gdvn-13-3457.jpg
Nội dung về tuyển sinh đại học tại dự thảo Thông tư phù hợp với thực tế, thực trạng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Ảnh minh họa: Minh Chi

Không được tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo

Các năm học vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xử phạt vi phạm hành chính đối với một số cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh thể hiện qua việc tuyển vượt năng lực, số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nếu năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có hạn nhưng tuyển sinh vượt quá năng lực sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng.

Có thể hiểu rằng, trong bối cảnh tự chủ giáo dục đại học, các đơn vị tự chủ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu học phí. Như vậy, muốn có ngân sách để vận hành, tổ chức hoạt động giáo dục - đào tạo trong trường thì phải tuyển đủ chỉ tiêu.

"Việc cho phép các trường không tuyển vượt 20% chỉ tiêu đã công bố là phù hợp trong bối cảnh tự chủ khi các cơ sở giáo dục phải chủ động, tự chủ về học thuật cũng như chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, tạo điều kiện không có nghĩa là “nới lỏng"”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Theo quan điểm nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, yếu tố sống còn của đại học nên là chất lượng chứ không phải là số lượng. Khi đó, chất lượng đầu ra là thứ cần quan tâm và là cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo của trường đại học.

Như vậy, muốn đảm bảo được chất lượng đào tạo thì cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo được các tiêu chí trong chuẩn cơ sở giáo dục đại học (cơ sở vật chất, giảng viên, tổ chức và quản trị….). Từ chuẩn đó mới tính toán được các tỷ lệ vượt sao cho hợp lý, tương ứng với những điều kiện mà đơn vị đang có.

gs-pham-tat-dong-4064-9439.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh

Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng cũng cho rằng, 20% là con số tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học “dễ thở” hơn trong công tác tuyển sinh.

Có thể hiểu đây là giới hạn cho phép các trường tuyển vượt, tuy nhiên không thể lợi dụng điều đó để chạy theo số lượng, tuyển vượt năng lực đào của mình.

Việc xác định năng lực đào tạo của mỗi cơ sở giáo dục là việc rất quan trọng giúp các trường xác định được quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo cho các năm học được đảm bảo và ngày một tốt hơn.

Nếu tuyển sinh rầm rộ, vượt năng lực đào tạo vốn có của cơ sở đào tạo sẽ khiến cho chất lượng đào tạo thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra và uy tín, thương hiệu của nhà trường.

“Có thể thấy rằng, dự thảo Thông tư mà Bộ công bố đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục đại học. Dẫu vậy, mỗi đơn vị cần nhận thức đúng đắn về năng lực đào tạo của mình để tuyển sinh cho phù hợp, tránh tình trạng chạy đua theo số lượng mà buông lỏng chất lượng”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng chia sẻ.

ĐÀO HIỀN