Nằm trên lưng chừng núi, cách trung xã Tri Lễ hơn 10km đường chim bay, bản Huồi Mới 1 của đồng bào dân tộc H’Mông được mệnh danh là bản nhiều không. Cho đến nay Huồi Mới 1 vẫn không đường, không điện lưới, không chợ, không sóng điện thoại. Toàn bản Huồi Mới 1 có 69 hộ dân với 550 nhân khẩu, 100% đều là đồng bào dân tộc H’Mông.
Đường vào Huồi Mới 1 cực kỳ khó đi lại, từ trung tâm xã Tri Lễ muốn vào được bản người H’Mông phải đi mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Những lúc trời mưa đường bị sạt lở thì phải mất cả buổi mới có thể vào đến bản Huồi Mới 1.
Điểm lẻ bản Huồi Mới 1, Trường tiểu học Tri Lễ 4 còn xập xệ, khó khăn (ảnh Xuân Hòa) |
Thời tiết ở bản Huồi Mới 1 cũng hết sức khắc nghiệt bởi nằm ở vị trí núi cao. Vào mùa mưa, những con đường vào Huồi Mới đi lại khó khăn, vào mùa khô khí hậu giá lạnh giá khiến việc canh tác cũng gặp nhiều bất lợi. Do những thiếu thốn và bất lợi đó của tự nhiên nên cuộc sống của đồng bào nơi đây còn muôn vàn khó khăn.
Những mái nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ Pơ Mu của đồng bào H’Mông nằm san sát nhau trên lưng chừng núi. Cuộc sống của 100% hộ gia đình đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây đều phụ thuộc vào việc làm nương rẫy dốc.
Người trưởng thành thường lên rẫy khi gà còn gáy trên chuồng và chỉ trở về nhà khi trời đã tối mịt. 100% hộ dân trong bản đến nay vẫn còn thuộc diện họ nghèo đặc biệt khó khăn.
Thầy giáo và học sinh điểm lẻ bản Huồi Mới 1 đang treo cờ mới chuẩn bị cho lễ chào cờ đầu tuần ( ảnh Xuân Hòa) |
Với những giáo viên dạy học tại đây mùa mưa việc đi lại quả là một cực hình. Có lẽ hiếm nơi như ở đây khi các lốp xe máy đều được “bọc thép”. Đó là cách gọi vui của các thầy, cô giáo nơi đây khi nói về chiếc xe máy của mình. Bởi tất cả các xe máy muốn bám được mặt đường để đi vào Huồi Mới 1 thì đều phải quấn xích vào bánh xe.
Vượt qua sự thiếu thốn về vật chất của gia đình, trẻ em ở đây vẫn luôn thể hiện niềm khát khao con chữ đến cháy bỏng. Vì sự nghiệp trồng người, các thầy giáo luôn bám bản, bám lớp dạy chữ cho các em.
Một buổi học của học sinh điểm lẻ bản Huồi Mới 1 ( ảnh Xuân Hòa) |
Trong cái khó khăn của những gia đình đồng bào H’Mông ở Huồi Mới 1 thì trẻ em phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bố mẹ bận với nương rẫy, trẻ em phải tự lo cho mình, đứa lớn chăm đứa bé ăn uống, đi học. Tuy nhiên để chắp cánh cho niềm đam mê học chữ của các em là sự nỗ lực lớn của các giáo viên cắm bản.
Điểm trường lẻ bản Huồi Mới 1 của Trường Tiểu học Tri Lễ 4, nằm ngay trung tâm bản Huồi Mới 1 với trường lớp còn tạm bợ, gió lộng, mưa dột. Tất cả giáo viên đều là thầy giáo, họ cùng động viên nhau để làm nhiệm vụ. Trước đây, để học sinh đến lớp, các thầy giáo đã phải đến từng gia đình vận động, nhiều em đi học được một thời gian rồi lại bỏ học giữa chừng theo cha mẹ lên rẫy. Các thầy lại phải đến từng gia đình thuyết phục kéo các em trở lại lớp.
Muốn đi lại được đường tại bản Huồi Mới 1 bánh xe máy đều phải quấn xích xung quanh để bám được mặt đường ( ảnh Xuân Hòa) |
Theo thầy Vi Văn Quế - Tổ trưởng giáo viên cắm bản ở đây cho biết: “Điều kiện khí hậu ở đây khắc nghiệt, cuộc sống thiếu thốn đủ bề cả điều kiện sinh hoạt lẫn giảng dạy nên giáo viên nữ khó lòng đứng lớp”.
Thầy Lỳ Chư Sò cũng là một người Mông, gia đình sống ở Huồi Mới 1 và thầy đã 20 năm dạy chữ cho trẻ em đồng bào mình. Theo thầy Sò chia sẻ: “Trước năm 2000 bản có rất ít học sinh lại toàn là nam giới, bởi các bé gái không được gia đình cho đi học. Nhưng nay toàn bản đã có 145 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Cái khó nhất trong việc dạy học cho học sinh ở đây là các em đều không biết tiếng phổ thông nên thầy giáo phải dùng cả tiếng phổ thông, cả tiếng bản địa để truyền đạt kiến thức cho các em.
Sách vở và đồ dùng học tập của các em đều thiếu. Thường thì các em phải học chung sách giáo khoa, ghi chung vở. Có em đến lớp chẳng có bút, vở để viết nữa”.
Không chỉ trò gặp khó, để đứng vững, thỏa đam mê học chữ cho các em nhỏ, giáo viên cắm bản cũng phải nghị lực rất nhiều. “Nhiều hôm trời mưa nhà bị giột, chúng tôi phải chạy lên Trạm biên phòng để ngủ nhờ. Gặp thời tiết xấu kéo dài, anh em phải xuống bản xin gạo, thực phẩm quanh năm chủ yếu là cá, mắm khô và mi tôm.”- Thầy Vi Văn Qúê chia sẻ.
Được biết gia đình các thầy giáo đều ở địa bàn huyện Quế Phong nhưng vào mùa mưa có lúc cả vài tháng họ mới về thăm gia đình được lần vì đường đi lại quá khó khăn. Những hi sinh, vất vả của giáo viên cắm bản nhiều không cũng phần nào được đền đáp khi có không ít học sinh trong bản được học lên cao, trở về phục vụ tại địa phương.