Thành phố ngập lụt, chủ tịch lập Hội… Câu cá
Những đợt mưa lớn giữa tháng 10 vừa qua cộng với việc các hồ đập trên địa bàn xả tràn, khiến nhiều khu vực tại Hà Tĩnh liên tục bị ngập sâu trong đó có thành phố Hà Tĩnh.
Tình trạng ngập lụt kéo dài khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, giao thông đi lại rất khó khăn.
Giữa lúc mọi người đang gồng mình khắc phục hậu quả lũ lụt thì ngày 1/11/2016, Chủ tịch UBND TP.Hà Tĩnh bất ngờ ra Quyết định thành lập Hội... Câu cá.
Ông chủ tịch quả là "nhìn xa trông rộng", vì chuyện sống chung với lũ đối với người Hà Tĩnh không còn là "năm thì mười họa" nữa.
Môi trường tự nhiên đang biến đổi, lũ vào lụt ra quanh năm cuốn theo cơ man nào là cá từ thượng nguồn đổ về, từ dưới biển dâng lên.
Dưới làm sai, trên mấy ai xin lỗi?(GDVN) - Một câu xin lỗi khi bản thân mình mắc lỗi, dường như là đơn giản đối với trẻ nhỏ thì lại rất "khó" đối với người lớn chúng ta. |
Dân phố Hà Tĩnh chẳng cần đi đâu xa, cứ ngồi vắt vẻo bên ô cửa cũng có thể thả câu vô tư.
Chưa hết, cái món câu cá vừa có thu nhập lại vừa thư giãn này biết đâu sẽ có sức hút như nam châm lôi cuốn khách du lịch thập phương đổ về đây giải trí. Nhất cử lưỡng tiện nhé.
Người Hà Tĩnh rồi đây sẽ tha hồ mà… hốt bạc. Còn Hội Câu của ông chủ tịch thì chắc chắn là đắt khách.
Lúc bây giờ, từ công sở cho đến tổ dân phố, người người kèn cựa, ganh tị nhau từng tí để mà bình giá tiêu chuẩn kết nạp hội viên.
Dân Hà Tĩnh đứng trước cơ hội đổi đời, chẳng phải nhờ cái anh "pho mồ pho mả" nhiều tai tiếng kia mà là cái Hội Câu do vị chủ tịch thành phố vô cùng sáng suốt và nhạy bén sáng lập!
UBND thị xã điều động giáo viên nữ làm… tiếp viên
Chuyện Hội Câu chưa hết mừng vui thì người Hà Tĩnh, nhất là các giáo viên nữ, lại thêm đà phấn khởi bởi được lãnh đạo địa phương quan tâm, ưu ái tạo thêm "công ăn việc làm" ngoài nhiệm vụ chuyên môn là dạy dỗ con trẻ.
Nhận thấy nhiều cô giáo mầm non, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn vừa trẻ tuổi lại có ngoại hình xinh đẹp, lãnh đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bèn nảy ra "sáng kiến" cực hay.
Họ quyết định điều động các cô làm thêm ngoài giờ công việc của một tiếp viên tại các nhà hàng, quán karaoke để phục vụ khách và lãnh đạo địa phương ăn nhậu, hát hò, …
Lại nhất cử lưỡng tiện - à mà không - phải nói là tam tứ tiện mới đúng. Tam tứ tiện ở đây là gì, chắc mọi người không khó để hình dung ra.
Điều động giáo viên nữ làm… tiếp viên (Ảnh minh họa từ Báo Thanh niên) |
Đã có tiền chùa, bây giờ lại thêm tiếp viên… chùa. Ý lãnh đạo đã quyết, lòng lãnh đạo đã đồng thì đố cô nào còn dám cãi nếu không muốn niêu cơm của mình bị đập vỡ.
Xót xa thay thân phận nhà giáo, thấp cổ bé họng, biết là tủi mà vẫn phải cắn răng chịu đựng.
Một cô giáo bộc bạch: "Việc phải đi tiếp khách khiến bọn em cảm thấy rất ái ngại. Bọn em buộc phải đi là vì nhiệm vụ được giao chứ trong lòng không hề muốn chút nào”.
Một cô giáo khác ngậm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…".
Vậy mà sếp của các cô - người đáng lẽ ra có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh trong sáng của các đồng nghiệp thì ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh lại nói tỉnh queo:
"… trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống".
Còn ông chủ tịch thị xã Nguyễn Văn Hổ, người ra lệnh điều động nói gì?
Ông bảo rằng việc cử các nữ giáo viên đi tiếp khách là nhiệm vụ chính trị, là trong sáng, là niềm hãnh diện, …
"Chuyện bình thường" gì đây thưa ông trưởng phòng? "Nhiệm vụ chính trị" gì, "kiêu hãnh" cái gì thưa ông chủ tịch?
Các ông đang lấp liếm cho sự lạm dụng quyền lực để làm một việc phản cảm, vừa vi phạm luật lao động, vừa xúc phạm đến nhân phẩm nhà giáo và coi thường ngành giáo dục.
Bỗng nghe câu hát như tự cổ tích vọng về: "Ta nghe trong đó bao nhiêu là chuyện lạ…".
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.nguoiduatin.vn/tp-ha-tinh-ngap-sau-chu-tich-ubnd-thanh-lap-hoi-cau-giai-tri-a305718.html