Các cụ xưa có câu: "Con dại cái mang", nghĩa là con cái làm điều dại dột thì cha mẹ phải gánh lấy trách nhiệm (chịu tiếng trước thiên hạ).
Câu tục ngữ này đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa của nó, nhưng phạm trù "con" và "cái" không còn bó hẹp đối tượng trong gia đình như xưa nữa mà mở rộng ra bên ngoài xã hội: Dưới (con) làm sai thì trên (cái) cũng phải chịu trách nhiệm.
Lẽ thường là thế, nhưng trong thực tế hiện nay, dưới làm sai trên đã mấy ai xin lỗi?
Vâng, xin lỗi thôi, chứ chưa nói đến chuyện từ chức, dù thời gian gần đây, một vài vị lãnh đạo địa phương, ngành xin từ chức nhưng không phải vì chuyện sai lầm của cấp dưới hay của chính mình mà là vì… sắp nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kì quá tuổi quy định để được bổ nhiệm tiếp.
Văn hóa xin lỗi (Ảnh: Báo Công lý) |
Tuy nhiên, sự dũng cảm của các vị dù sao cũng thật đáng hoan nghênh trong bối cảnh văn hóa từ chức còn rất xa lạ đối với quan chức xứ ta.
Trở lại chuyện xin lỗi. Thứ văn hóa tích cực này cũng đang bị "ghẻ lạnh" không chỉ ở chốn quan trường mà ngay cả ngoài xã hội.
Một câu xin lỗi khi bản thân mình mắc lỗi, dường như là đơn giản đối với trẻ nhỏ thì lại rất "khó" đối với người lớn chúng ta.
Huống chi, cái lỗi ấy lại do nhân viên hay thuộc cấp gây ra thì một lời xin lỗi của người lãnh đạo thôi, chứ chưa nói là từ chức như ở xứ người, thật hiếm lắm thay!
Rửa ghế hay con đường tẩu tán sai phạm?(GDVN) - Đối với trộm cắp vặt thì chúng quẳng con dao, đem bán hoặc cầm cố tài sản, còn với những kẻ cắp đội lốt “quan phụ mẫu” thì họ “rửa ghế” để tẩu tán sai phạm. |
Nhưng còn chuyện này khiến dư luận buồn hơn. Không ít vụ việc lạm dụng chức quyền, tham nhũng, lãng phí, hủy hoại môi trường... khi bị phanh phui, những người có trách nhiệm liên đới thường dùng ngôn từ lắt léo, ngụy biện nhằm "đá" quả bóng trách nhiệm khỏi chân mình.
Bởi thế, những cụm từ "đúng qui trình" "đúng luật", "gạt tay trúng má", "đường cong mềm mại"... bỗng trở nên ma thuật để họ che chắn sai phạm trước sức nóng của dư luận xã hội.
Trong những trường hợp như thế, văn hóa xin lỗi đã không có, còn tệ hơn nữa là liêm sỉ rớt đáy.
Xin nêu ra đây một vài vụ việc để chứng minh cho điều đã nói ở trên.
Về chuyện một sở có đến 44 lãnh đạo trên tổng số 46 nhân viên ở Sở Lao động Thương binh & xã hội Hải Dương, hãy nghe câu trả lời của những vị có trách nhiệm ở địa phương.
Ông giám đốc Sở Nội vụ bảo: "Việc Sở Lao động Thương binh & xã hội bổ nhiệm cán bộ thành toàn lãnh đạo không thuộc phạm vi quản lý của Sở Nội vụ".
Ông Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Nếu đề bạt lãnh đạo cấp Sở như giám đốc hoặc phó giám đốc Sở thì thuộc trách nhiệm của Tỉnh ủy trở lên, còn cấp phòng thì thuộc trách nhiệm của Giám đốc Sở”.
Còn người trong cuộc, ông Lưu Văn Bản, nguyên giám đốc Sở, hiện là Bí thư Thị ủy Chí Linh - người đã kí 43 quyết định bổ nhiệm thì rất "tự tin": “Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân”.
Vâng, ông đã làm một cách "vô tư" "vì nhân dân" (!).
Thủy điện xả lũ ồ ạt "đúng quy trình" nhưng... hại dân!(GDVN) - Thế hóa ra là làm thủy điện, các ông cứ ung dung ngồi thu lãi còn tai vạ xả lũ, hủy hoại môi sinh, tàn phá nhà cửa, gây chết người thì không cần quan tâm đến? |
Thế cho nên, trong công văn số 3036/SLĐTBXH-VP trả lời báo Nhân Dân, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh & xã hội tỉnh Hải Dương mới khẳng định chắc như đinh đóng cột:
"Các trường hợp được bổ nhiệm đều được thực hiện trên cơ sở đánh giá cán bộ và thực hiện theo quy trình bổ nhiệm”.
Vậy là chẳng ai có lỗi trong vụ việc động trời này cả. Chỉ tội nhân dân phải còng lưng đóng thuế để nuôi bộ máy toàn lãnh đạo với đầy những ưu đãi về lương bổng.
Vụ thủy điện Hố Hô (đóng tại địa bàn giáp ranh giữa Quảng Bình, Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ và dồn dập hồi giữa tháng 10 vừa qua khiến hàng ngàn hộ dân ở Hương Khê (Hà Tĩnh) lâm vào cảnh trắng tay vì không kịp xoay xở để tự bảo vệ lấy tài sản, nhà cửa của mình.
Về tai họa này, từ Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đến Chủ tịch huyện Hương Khê, đều khẳng định thủy điện Hố Hô là tác nhân khiến nước dâng lên nhanh dẫn đến thiệt hại lớn về tài sản của dân.
Thế nhưng, ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty thủy điện Hồ Bốn (đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Hố Hô - Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn một mực "xả đúng quy trình".
Xem ra cảnh tang thương mà người dân đang phải chịu đựng, phần vì trời, phần vì người, không đủ để lãnh đạo công ty này động lòng trắc ẩn thốt lên một lời xin lỗi cho phải đạo.
Vì sao họ sợ hai chữ "xin lỗi" đến vậy? Có phải vì cái ghế đang giữ, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay vì cái sĩ diện hão của mình?
Chuyện xin lỗi xem ra chẳng thể coi thường. Nó là đạo đức làm người, là biểu hiện của cách ứng xử văn minh trong thế giới phẳng ngày nay. Nó là một phần không thể thiếu trong đạo đức công vụ của bộ máy hành chính nhà nước.
Nó cũng có sức mạnh như một thứ vũ khí góp phần hạn chế những tiêu cực của cán bộ công chức trong nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng một nền hành chính công minh bạch, liêm chính.