Mập mờ “du lịch tâm linh” để kiếm lợi?
Sau khi “Siêu dự án” du lịch (ở nơi có chùa chiền và có yếu tố tâm linh) Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình) gắn với một loạt dịch vụ được đại gia Xuân Trường xây dựng, đã xuất hiện thêm nhiều dự án có yếu tố tâm linh triển khai quy mô rất lớn, lấy hàng nghìn héc-ta đất, khiến dư luận đặt ra nhiều ý kiến trái chiều.
Những dự án mới có quy mô xin cấp đất hàng nghìn héc-ta đang khiến dư luận chú ý phải kể tới: Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam) lấy tới 5.100 héc-ta, Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) lấy 18.940 héc-ta, Khu du lịch tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng) 450 héc-ta cũng đều gắn với doanh nghiệp Xuân Trường.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật Basico đã bày tỏ nhiều nghi ngại về các dự án tâm linh đang phát triển rầm rộ tại đây.
Trước những nghi ngại của dư luận về các dự án du lịch gắn với tâm linh có sự ưu ái, nhìn nhận dưới góc độ luật pháp, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Hoàn toàn không có luật riêng nào cả. Tất cả các hạng mục của quần thể đều phải tuân theo những quy định cụ thể của pháp luật về đất đai, nếu có khác thì có chăng là khu quần thể xây cơ sở thờ tự, ở đây là xây chùa.
Nếu là khu du lịch thì không có khái niệm tâm linh trong đó, những phần cụ thể như khách sạn có, sân golf… thì các phần đất cụ thể phải tuân theo các quy định cụ thể.
Phần nào liên quan đến golf thì tuân theo quy định về golf, phần nào khách sạn thì liên quan đến khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng… cái nào đi với cái đó”.
Du khách ném tiền lên hình trống đồng ở chùa Bái Đính. (ảnh: LC) |
Nói về khái niệm khu du lịch tâm linh đang được nhắc tới liên tục trong thời gian gần đây, luật sư Đức cũng cho biết: “Hiện tại trong khái niệm của pháp luật Việt Nam không có khái niệm nào là khu nghỉ dưỡng tâm linh hay là khu du lịch tâm linh mà đó chỉ là sự kết hợp có chữ thêm vào thôi.
Chưa hề có một khái niệm riêng nào về khu du lịch tâm linh, có cơ chế riêng cả, chính sách đãi ngộ riêng”.
Luật sư Đức cũng bày tỏ lo ngại: “Kinh doanh dịch vụ tâm linh không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện. Bản thân tín ngưỡng là không kinh doanh rồi. Cốt lõi vẫn là minh bạch các khoản thu.
Nếu xác định kinh doanh thì phải giấy tờ đàng hoàng, công đức cũng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ. Một khi đã bóc tách được như vậy thì Nhà nước sẽ quản lý được.
Bên cạnh đó, hiện tại luật pháp Việt Nam cũng đã quy định rõ các chính sách về tôn giáo, trong đó việc thu chi tài chính của các cơ sở thờ tự thì tuyệt đối không có.
Đây không phải là những nơi kinh doanh, tự thu tự chi, không thuế má gì cả. Tuy nhiên, đây là phần chính về tâm linh, không thu phí.
Còn nếu mà đã thu phí, đã có vé của chính quyền, đã là hoạt động kinh doanh mua bán thương mại thì phải theo quy định chung. Có thể đăng ký thương mại đăng ký du lịch… sẽ phải tuân theo những quy định chung.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều hoạt động thu chi trong hoạt động tâm linh vẫn cho rằng nhạy cảm, tế nhị… cũng đã có sự né tránh”.
Không để lợi dụng ngân sách
Thời gian gần đây, với sự phát triển tại các khu du lịch có yếu tố tâm linh đang thu hút rất nhiều du khách. Vấn đề đặt ra tại các khu du lịch đó chính là việc quản lý tài chính các khu vực đó như thế nào:
“Hiện tại chỉ có hòm công đức là đã có quy định cụ thể về việc sử dụng và số lượng cụ thể trong cơ sở thờ tự còn các loại tiền lẻ như tiền nhét tay, tiền công đức, tiền trên đĩa… thì không có quy định cụ thể nào cả.
Phần nào thuộc tiền của cơ sở thờ tự, tôn giáo thì doanh nghiệp, nhà nước không được phép can thiệp.
Những thứ tiền khác thu được từ hoạt động kinh doanh thì nhà nước phải quản lý. Đã là kinh doanh, đã thu tiền đã có hóa đơn chứng từ mà không nộp thế thì không chính đáng", Luật sư Đức nêu.
Những siêu quần thể nửa du lịch, nửa tâm linh đang khiến dư luận dậy sóng về cách thức quản lý. (Ảnh tổng hợp từ nhiều nguồn) |
Bên cạnh đó, Luật sư Đức cũng cho rằng cần phải minh bạch cụ thể từng hạng mục đầu tư trong quần thể khu du lịch: “Khi cấp phép các địa phương cũng cần thực hiện cụ thể về từng hạng mục, phần nào thuộc thẩm quyền của địa phương nào thì cần phụ thuộc vào từng việc cụ thể.
Sẽ có 3 loại hình cụ thể xây chùa gần đây. Loại thứ nhất là người ta xây cơ sở thờ tự là phát tâm công đức, xây xong là họ thôi, họ rút.
Loại hình thứ 2 là người ta kinh doanh nhưng làm theo mô hình doanh nghiệp xã hội.
Nghĩa là thu được bao nhiêu thì họ sẽ quay vòng về đầu tư vào môi trường xã hội, thực hiện các dự án từ thiện hoặc đầu tư ngược trở lại để tạo cảnh quan.
Dạng thứ 3, đây là dạng đáng phải bàn nghĩa là anh kinh doanh thì phải tách bạch rõ ràng phần nào là phần tâm linh, phần chùa thì không kinh doanh.
Phần kinh doanh còn lại gần chùa thì phải minh bạch rõ ràng, doanh thu, nghĩa vụ nộp thuế phải thực hiện cụ thể theo các quy định của pháp luật, không thể nhập nhèm được.
Xét cho cùng thì những việc như vậy sẽ tạo ra những giá trị cụ thể về du lịch… tuy nhiên, cần phải tách bạch cụ thể.
Đánh giá về các khu du lịch có yếu tố tâm linh mọc lên trong thời gian gần đây, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nhà nước không khuyến khích, cũng không ngăn cấm hoạt động này.
Tuy nhiên, Luật sư Đức cho rằng: “Điều quan trọng là phải minh bạch trong công tác quản lý.
Việc cần làm là phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật như giao đất phải thông qua đấu thầu, đảm bảo quy hoạch cụ thể, không được làm thất thoát nguồn thu…
Nếu làm được việc đó thì những hoạt động xây dựng khu du lịch có gắn với tâm linh thực sự mới đem lại lợi ích cho xã hội”.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng:"Chúng ta không nên ngăn cấm nhưng cũng không nên ưu tiên cấp quá nhiều đất cho các dự án nửa du lịch, nửa tâm linh". (Ảnh: Vũ Phương) |
Việc quản lý hoạt động các dự án được luật sư Trương Thanh Đức đặc biệt lưu ý: “Khi đã cho phép các khu du lịch có yếu tố tâm linh vào hoạt động khai thác thì doanh nghiệp sẽ đưa vào hoạt động nhiều dịch vụ, ngành nghề khác nhau trong một dự án cũng là lẽ thường tình.
Chỉ có điều hoạt động đầu tư ấy có phù hợp đáp ứng với lợi ích chung của xã hội hay không?
Từ đó đặt ra vấn đề là, phải quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả cả về phía Nhà nước lẫn chủ đầu tư, tránh việc lợi dụng biến tướng.
Đối với những dự án nửa du lịch, nửa tâm linh, không được lợi dụng tiền ngân sách đầu tư bởi sau này Nhà nước sẽ không thu được gì.
Chúng ta không nên ngăn cấm nhưng cũng không nên ưu tiên cấp quá nhiều đất.
Đáng nói, việc cấp đất cũng phải theo đúng luật, cần công khai minh bạch, tránh tạo chênh lệch địa tô quá lớn với các trường hợp khác”.