Ngày 21/4, trong khuôn khổ “Diễn đàn Khoa học và Công nghệ lần thứ 7” tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng, đã có 11 sản phẩm, công trình nghiên cứu của sinh viên được trình diễn và triển lãm.
Một sản phẩm sáng chế công nghệ của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng tham dự triển lãm. Ảnh: TT |
Tham dự diễn đàn lần này, ngoài trung tâm Dịch vụ Công nghệ cao Hoà Lạc (Hoa Lac TOT), Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, còn có nhiều chuyên gia về khởi nghiệp, các doanh nghiệp, nhà khoa học trẻ...
Phó Giáo sư Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng cho biết, diễn đàn lần này có mời đến những doanh nghiệp hoạt động, ứng dụng trong lĩnh vực khoa học công nghệ có tầm, nguồn lực mạnh mẽ để kết nối, tương tác với các nhóm sinh viên có sáng chế.
Thông qua màn trình diễn ý tưởng, vấn đáp trực tiếp sẽ giúp cho doanh nghiệp tìm thấy được công nghệ mình cần.
Nhóm 9X luyện tập gian khổ để “tranh vàng” trong cuộc đua xe tự hành |
Những ý tưởng đầu tư kinh doanh mới và nhóm nghiên cứu tìm được cơ hội đầu tư để phát triển, ứng dụng các sản phẩm vào thực tiễn, biến ý tưởng, nghiên cứu thành hiện thực.
Cũng theo thầy Thọ, thời gian qua, nhà trường đã đầu tư mạnh mẽ cho giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Thực tế, trường đã có nhiều công trình, sáng chế có tính ứng dụng thực tiễn cao, được các doanh nghiệp để mắt đến.
“Định hướng của nhà trường là ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ các cấp như: kỹ sư công nghệ, cử nhân sư phạm kỹ thuật, kỹ sư thực hành.
Nghiên cứu và triển khai các hoạt động khoa học công nghệ, chú trọng nghiên cứu và chuyển giao các sản phẩm công nghệ phục vụ giáo dục kỹ thuật – dạy nghề - hướng nghiệp”, thầy Thọ nói.
Ngoài những trao đổi các kiến thức về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp thì nơi trưng bày, triển lãm các sản phẩm của sinh viên cũng được nhiều doanh nghiệp đặc biệt chú ý.
Được thiết kế bởi hai sinh viên Nguyễn Hữu Ngọc và Đặng Phước Trung (Khoa Công nghệ nhiệt – điện lạnh thuộc Đại học Bách khoa Đà Nẵng), thiết bị chưng cất tinh dầu thiên nhiên được đánh giá cao.
Sự thay đổi mới mẻ về cách vận hành, thiết bị chế tạo khiến sản phẩm này có chất lượng tương đương với các sản phẩm đang có ở thị trường nhưng giá cả rẻ hơn, dễ vận hành hơn.
Sản phẩm được chiết xuất từ thiết bị chưng cất tinh dầu thiên “made by sinh vien” đều đạt các chỉ số cần thiết.
Một nhóm sinh viên khác của Đại học Đà Nẵng lại mang đến một sản phẩm có tính ứng dụng khác là: “Ứng dụng quadcopter để khảo sát, quan sát, kiểm tra đường dây điện cao áp từ xa”.
Dựa trên thiết bị bay flycam, các sinh viên đã nghiên cứu, “độ” thêm các phụ kiện cần thiết để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
“Bằng ứng dụng này, nhân viên ngành điện không còn cảnh phải trèo lên từng cột điện cao để kiểm tra, vừa mất thời gian, độ rủi ro lại cao.
Ứng dụng quadcopter có thể cung cấp chính xác các hỏng hóc cũng như truyền tải hình ảnh về trung tâm để có phương án xử lý”, một thành viên của nhóm chia sẻ.
Lướt qua các gian hàng triển lãm lần này, có nhiều sản phẩm đã "thuyết phục" được sự khó tính của các doanh nghiệp như:
Khóa mật mã thông minh, mô hình nuôi trùng quế thông minh, máy phát điện bằng năng lượng trọng lực, mô hình robot phục vụ bàn, son môi thiên nhiên...
“Sức sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên là không có giới hạn. Với những kiến thức đã học, các bạn đã tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng mà doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi còn ghen tị.
Nhiều sản phẩm như: robot phục vụ bàn, khóa mật mã thông minh… đều có thể được đầu tư thêm để tung ra thị trường”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.