Những sự kiện văn hóa nổi bật năm 2017

31/12/2017 06:09
Hồ Thu
(GDVN) - Đây là những sự kiện văn hóa nổi bật năm 2017 do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổng hợp, xin trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Việt Nam có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.

Tháng 12/2017, tại Phiên họp Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), UNESCO đã đưa Hát Xoan Phú Thọ và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO chuyển từ danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh mục Di sản văn hóa phi vật thể dại diện của nhân loại.
Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO chuyển từ danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh mục Di sản văn hóa phi vật thể dại diện của nhân loại.

Trong đó, Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO chuyển từ danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là những nỗ lực to lớn của ngành văn hóa trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy di sản này suốt những năm qua.

Hát Xoan (còn có tên gọi khác là Hát Lãi Lèn, Hát Đúm, Hát Thờ, Hát Cửa đình) bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng.

Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của nhân dân Phú Thọ.

Một chương trình diễn xướng hô hát Bài Chòi ở phố cổ Hội An. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Một chương trình diễn xướng hô hát Bài Chòi ở phố cổ Hội An. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Bài chòi Trung Bộ là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài chòi là các anh - chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài.

Tính đến nay, Việt Nam hiện đã có 12 di sản văn hóa phi vật được UNESCO công nhận.

Trong đó có 11 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 1 di sản cần được bảo vệ khẩn cấp là Ca trù.

Lần đầu có hai Đại sứ Du lịch Việt Nam cùng lúc

Tháng 3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bổ nhiệm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đến từ Hoa Kỳ làm Đại sứ Du lịch Việt Nam giai đoạn 2017-2020.

Ông Jordan Vogt-Roberts là đạo diễn phim "Kong: Skull Island" – bộ phim đã quảng bá nhiều cảnh đẹp ở Việt Nam. Ông dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho nhân dân và đất nước Việt Nam.

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam. (Ảnh: Thethaovanhoa.vn)
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam. (Ảnh: Thethaovanhoa.vn)

Tháng 12/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định bổ nhiệm ông Lý Xương Căn (Lee Chang Kun) hậu duệ đời thứ 31 của Vua Lý Thái Tổ làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 3 năm (từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2020).

Ông Lý Xương Căn (phải) - hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ trở thành đại sứ du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc
Ông Lý Xương Căn (phải) - hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ trở thành đại sứ du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc

Ông Lý Xương Căn sinh ra tại Hàn Quốc, gia đình ông đã nhập quốc tịch Việt Nam từ năm 2010.

Hiện ông Lý Xương Căn sống và làm việc tại Việt Nam. Ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tháng 9/2014.

Ông cũng là một trong những người thành lập Hội giao lưu Văn hóa Hàn - Việt, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

Đây là lần đầu tiên ngành du lịch Việt Nam bổ nhiệm hai đại sứ du lịch cùng thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2017 - 2020.

Việt Nam đạt mục tiêu đón 13 triệu khách quốc tế

Theo Tổng cục Thống kê, năm nay, ngành du lịch nước ta đã đạt được kết quả ấn tượng khi đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 29% so với năm trước (tăng 2,9 triệu lượt khách)

Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng 100.000 tỷ đồng so với năm ngoái và cao hơn 40.000 tỷ đồng so với kế hoạch cho năm nay.

Khách du lịch quốc tế trên cầu Thê Húc (Hồ Gươm, Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà/TTXVN
Khách du lịch quốc tế trên cầu Thê Húc (Hồ Gươm, Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Năm 2018, ngành du lịch đặt mục tiêu đón hơn 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 78 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng.  

Lùm xùm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Trong năm 2017, việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (trụ sở ở phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đã được dư luận đặc biệt quan tâm khi các nghệ sĩ của Hãng phim bày tỏ sự bức xúc với công ty khi không đảm bảo vấn đề lương cho các nghệ sĩ của Hãng phim.

Việc lựa chọn Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy (VIVASO) - một công ty không chuyên về nghệ thuật điện ảnh để cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng tạo nên những dư luận không tốt trong xã hội.

Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh Chinhphu.vn)
Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh Chinhphu.vn)

Vì vậy, Chính phủ đã phải vào cuộc để tháo gỡ tình hình. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp thị sát Hãng phim truyện Việt Nam và chỉ đạo thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim này.

Đến tháng 10/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép những ca khúc quen thuộc

Ngày 19/5/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cập nhật, bổ sung danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi vào danh mục "Bài hát mới cấp phép" gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong danh sách này có các ca khúc đã quá quen thuộc như "Tiến quân ca" (Quốc ca), "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"...

Sau khi dư luận lên tiếng phản đối, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo về việc chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Đồng thời, ông Nguyễn Đăng Chương cũng bị cho thôi chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Hồ Thu