Đường dây nóng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin phản ánh về việc Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên (thời điểm năm 2003) là ông Đinh Mạnh Phúc có công văn cử sai đối tượng cán bộ của huyện theo học lớp Quản lý Giáo dục sau đại học.
Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương |
Người được cử sai đối tượng lúc đó là ông Lê Thanh Hải khi đó đang là giáo viên dạy môn sinh học tại Trường Trung học cơ sở Châu Can, huyện Phú Xuyên.
Ông Lê Thanh Hải tốt nghiệp Trường Cao đẳng kỹ thuật Hà Tây, nay là Trường Cao đẳng cộng đồng Hà Tây với chuyên ngành chăn nuôi, thú y.
Theo Quyết định số 02/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 29/01/2001 có nêu rõ tại Điều 5, khoản 3 quy định điều kiện đối tượng tham gia lớp Quản lý Giáo dục sau Đại học là:
Hiệu trưởng, hiệu phó các trường từ mầm non trở lên; trưởng khoa, phó trưởng khoa các trường cao đẳng và đại học;
Lãnh đạo và chuyên viên làm công tác quản lí giáo dục của tổ chức chính trị, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Sở/Phòng Giáo dục và đào tạo, phòng/ban đào tạo - Giáo vụ của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Ngày 16/1/2019, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải về vấn đề này.
Ông Hải hiện nay đang giữ chức Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trước đây, sau khi hoàn thành lớp quản lý giáo dục, ông Hải được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng cả ở ngành giáo dục và quản lý nhà nước tại huyện này.
Được hỏi nhiều lần nhưng ông Hải không có ý kiến và cũng không phủ nhận chuyên môn ban đầu của mình là thú y, chăn nuôi tại Trường cao đẳng Cộng đồng Hà Tây (cũ) như phản ánh.
Ông Lê Thanh Hải cho biết: "Tôi được Phòng giáo dục huyện Phú Xuyên cử tham gia lớp Thạc sĩ quản lý giáo dục khóa I của Trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 2003.
Lúc đó Trường Đại học sư phạm Hà Nội có thông báo cho huyện về điều kiện, tiêu chuẩn thí sinh theo học thì Phòng giáo dục của huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây cũ) có gửi thông báo về các trường để đăng kí và tập hợp danh sách đi học.
Thông báo cũng gửi về trường Châu Can, huyện Phú Xuyên nơi tôi đang công tác giảng dạy với yêu cầu cử người đi học lớp quản lý giáo dục sau đại học.
Ông Hải nói: "Thời điểm đó tôi cũng đang theo học lớp Đại học quản lý giáo dục tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Hà Đông.
Hai đồng chí là Hiệu trưởng, Hiệu phó của trường Châu Can có nói: Cậu đang là Bí thư đoàn, Tổng phụ trách đội thì nên đi học để sau này lấy người nằm trong nguồn quy hoạch, kế cận lãnh đạo trường.
Lãnh đạo trường Châu Can đã lập danh sách đưa lên Phòng giáo dục huyện Phú Xuyên, sau khi Phòng rà soát danh sách và có công văn gửi lên Trường Đại học sư phạm Hà Nội".
Ông Hải cũng diễn giải thêm rằng, dựa vào công văn do đồng chí Minh là cán bộ Phòng Giáo dục soạn thảo, thời điểm đó ông Đinh Mạnh Phúc là Trưởng phòng giáo dục huyện Phú Xuyên đã kí công văn cử tôi và 2 cán bộ của Phòng đi học lớp Thạc sĩ Quản lý giáo dục của Trường Đại học sư phạm Hà Nội.
Trường Đại học sư phạm Hà Nội xét duyệt hồ sơ cho phép chúng tôi tham gia thi tuyển.
Kết quả, huyện Phú Xuyên cử 3 người theo học Đại học sư phạm Hà Nội lúc đó thì có 1 cán bộ thi trượt đầu vào, chỉ còn tôi và 1 người nữa trúng tuyển.
Tôi theo học hệ tập trung tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội cùng hơn 20 người khác, trong lớp lúc đó có cả mấy đồng chí bên Trung ương Đoàn đang học Đại học Hàng Hải cũng theo học.
"Có cả mấy người đang là cán bộ thư viện của Đại học Quốc gia cũng theo học cùng lớp với tôi mặc dù cũng không đúng tiêu chuẩn, đối tượng được học...", ông Hải giải thích thêm về việc mình không đủ tiêu chuẩn vẫn được cử đi học.
Quyết định của ông Đinh Mạnh Phúc, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên cử ông Lê Thanh Hải đi học. |
Ông Hải nhấn mạnh: “Tôi cũng không xin đi học, cũng không học chui và cũng không học bằng tiền ngân sách nhà nước, tôi tự bỏ tiền túi ra trang trải học phí trong suốt quá trình học cho đến lúc nhận bằng tốt nghiệp”.
Như vậy, thời điểm năm 2003, ông Lê Thanh Hải được cử đi học là không đúng đối tượng được quy định tại Quyết định số 02/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục đào tạo ban hành ngày 29/01/2001.
(Trích Quyết định Số 02/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục đào tạo ban hành ngày 29/01/2001) Điều 5. Điều kiện dự thi đào tạo thạc sĩ Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đủ các điều kiện quy định dưới đây được dự thi đào tạo thạc sĩ: 1. Về văn bằng: người dự thi cần thoả mãn một trong các điều kiện sau đây (trừ các ngành đào tạo nêu ở khoản 3 Điều này): a) Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng hoặc phù hợp với ngành đăng kí dự thi. b) Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành gần với ngành đăng kí dự thi, đã học bổ sung kiến thức các môn học hay học phần để có trình độ tương đương với hệ chính quy đúng ngành. c) Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành khác với ngành đăng kí dự thi và bằng đại học thứ hai không chính quy đúng ngành. d) Có bằng tại chức đúng ngành với ngành đăng kí dự thi, loại khá trở lên, đã học bổ sung kiến thức các môn học hay học phần để có trình độ tương đương với hệ chính quy đúng ngành. Các điều kiện nêu trong điểm c, d không áp dụng cho thí sinh dự thi ngành ngoại ngữ, y học lâm sàng, dược học. đ) Có bằng tốt nghiệp đại học hệ mở rộng đúng ngành đăng kí dự thi, loại khá trở lên. e) Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chuyên tu đúng ngành đăng kí dự thi và trước đó có bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp cùng ngành với bằng tốt nghiệp đại học. Nội dung, khối lượng (số tiết) các môn học bổ sung cho những văn bằng quy định tại điểm b và d trên đây do các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo cao học các ngành này quy định. 2. Về thâm niên công tác (trừ các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ nêu tại khoản 3 Điều này) a) Người có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy các trường công lập, loại khá trở lên, ngành tốt nghiệp đúng hoặc phù hợp với ngành đăng kí dự thi, được dự thi ngay sau khi tốt nghiệp đại học. b) Những trường hợp còn lại phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn đăng kí dự thi, kể từ khi tốt nghiệp đại học (tính từ ngày Hiệu trưởng kí quyết định công nhận tốt nghiệp) đến ngày đăng kí dự thi. 3. Điều kiện về văn bằng, thâm niên công tác và đối tượng dự thi đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành Quản lí và chính sách khoa học công nghệ, Quản lí giáo dục, Quản lí hành chính, Y tế công cộng, Hệ thống nông nghiệp: a) Về văn bằng: người dự thi đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành này phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy dài hạn hoặc chuyên tu của một trường đại học công lập; đã qua chương trình bổ túc kiến thức của chuyên ngành dự thi. Chương trình bổ túc kiến thức này do cơ sở đào tạo quy định. b) Về thâm niên công tác và đối tượng dự thi: người dự thi phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành dự thi (kể cả người có bằng tốt nhgiệp đại học loại khá trở lên), tại một trong các vị trí công tác sau đây: - Quản lí và chính sách khoa học công nghệ: lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị quản lí khoa học của các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội. - Quản lí giáo dục: Hiệu trưởng, hiệu phó các trường từ mầm non trở lên; trưởng khoa, phó trưởng khoa các trường cao đẳng và đại học; lãnh đạo và chuyên viên làm công tác quản lí giáo dục của tổ chức chính trị, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng/ban Đào tạo- Giáo vụ của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. - Quản lí hành chính: Lãnh đạo và chuyên viên trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. |