Sau một thời gian khi nhiều cán bộ cốt cán bị kỷ luật, bị hầu tòa vì sai phạm đã lộ ra nhiều điểm bất cập trong công tác nhân sự thì việc làm sao để lựa chọn người đủ tài, đủ tầm ngồi vào các vị trí lãnh đạo của Đảng và nhà nước là bài toán thời cuộc đặt ra cần có lời giải chuẩn xác.
Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết cứng nhắc chọn nhân sự theo diện quy hoạch hay ràng buộc máy móc về quy định độ tuổi trong lựa chọn nhân sự cốt cán.
Có quan điểm cho rằng, cán bộ diện quy hoạch cũng có thể bị loại nếu vi phạm kỷ luật trong khi người đã vượt qua độ tuổi lại có thể được chọn nếu đáp ứng các điều kiện để trở thành một lãnh đạo xuất sắc.
Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13.
Theo bà Bùi Thị An công tác nhân sự về tổng thể nên có quy hoạch nhưng khi lựa chọn nhân sự cụ thể cần phải cân nhắc cẩn trọng, nếu nhân sự không đáp ứng được thì không nên bó chặt trong quy hoạch.
Bà Bùi Thị An cũng cho rằng: “Nếu quy hoạch thì phải quy hoạch rộng. Chọn nhân sự là so bó đũa chọn cột cờ nên nhiều đối tượng thì sẽ có cơ hội chọn được cột cờ tốt. Còn bó đũa bé quá mà chọn cột cờ sẽ không ổn”.
Cần loại những người đi làm mà chỉ biết đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên |
Cũng theo vị này, khi quy hoạch nhân sự cần mở rộng và công khai minh bạch để chọn lựa. Trong quá trình quy hoạch nhân sự nên thay đổi, những người mắc khuyết điểm bị phát hiện thì cần loại ra. Còn người tốt đã thể hiện được năng lực thì cần bổ sung vào quy hoạch.
Có người trong thực tế không thuộc diện quy hoạch tuy nhiên họ lại rất giỏi, được dân rất tín nhiệm” – bà An nhấn mạnh.
Còn riêng về quy định độ tuổi, bà Bùi Thị An cho rằng, trong thực tế có những trường hợp không nên căn cứ vào tuổi bởi có đồng chí tuổi lớn nhưng trí tuệ rất cao, uy tín rất lớn.
Do đó, nếu cứ cứng nhắc quá là không ổn. Trên thế giới nhiều quốc gia họ có lãnh đạo lớn tuổi nhưng sức khỏe và trí tuệ vẫn đảm đương tốt nhiệm vụ. Cho nên không nhất thiết phải cứ máy móc vấn đề này.
Có những vị trí rất cần trải nhiệm thực tiễn, đặc biệt phải là người có uy tín cao. Đó là những vị trí không nhất thiết phải trẻ mà đòi hỏi phải là người đủ uy tín để tập hợp người xung quanh mình thực hiện những nhiệm vụ lớn lao của đất nước.
Cuối cùng bà Bùi Thị An cho rằng: “Công tác nhân sự cần có ngoại lệ nhưng trường hợp đó nên công khai ra. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự vô tư trong sáng của tập thể, của vị trí người đứng đầu chứ nếu dựa vào tuổi mà loại người ta ra là không ổn.
Ai xứng đáng làm lãnh đạo thì dân đánh giá được, còn nếu cứ cứng nhắc không tận dụng được những cá nhân năng lực hiếm có thì đó là điều rất tiếc”.
Trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện của Thường vụ Quốc hội cho rằng “Làm nhân sự phải động và mở”.
Nhân sự cốt cán không nhất thiết phải tính tuổi vì "gừng càng già càng cay" |
Giải thích ý kiến của mình, ông Nhưỡng nói: “Sở dĩ phải động và mở là vì nhân sự bây giờ phải làm có chất lượng.
Nếu cứ tiếp tục giữ quan điểm cứng nhắc về nhân sự sẽ không bảo đảm về chất lượng. Người xứng đáng không đưa kịp vào các vị trí dẫn đến chỗ thiếu nhân sự buộc lấy theo quy hoạch cũ.
Mà chọn nhân sự phải gọi là so "bó đũa, chọn cột cờ". Cần có thái độ quyết liệt sẵn sàng đưa những nhân tố vượt trội, điển hình vào.
Bất cứ cái gì cũng cần có khâu đột biến tại sao công tác nhân sự lại không? Cần ủng hộ cái đột biến chứ không nhất thiết đi theo cái cũ như kiểu quy hoạch ai thì người đó mới được”.
Cũng liên quan đến công tác nhân sự, ông Lưu Bình Nhưỡng còn cho rằng, cần phải xem xét lại vấn đề quy hoạch cán bộ từ trước đến nay.
Quan điểm về quy hoạch cần có thay đổi và thay đổi. “Không chỉ thay đổi về hình thức mà cần quyết liệt thay đổi về mặt nội dung” – ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Cụ thể, theo Phó Ban dân nguyện: “Phải lấy những người đã trải nghiệm, được rèn luyện qua thử thách.
Đặc biệt, những người mà tinh thần không ngại đấu tranh, sẵn sàng đối mặt với thử thách, có thái độ biểu lộ rất rõ tinh thần vì nước, vì Đảng vì dân.
Cần loại bỏ những người xu nịnh hay những người chỉ biết im lặng, đi nhẹ, cười tươi nói khẽ vào bộ máy. Đặc biệt, cần chú ý đến đội ngũ đã tham gia vào cơ quan dân cử, tham gia vào Quốc hội, những người có chính kiến, quan điểm rõ ràng, có sáng tạo, có lòng dũng cảm.
Cần cơ cấu những người như vậy vào bộ máy để cáng đáng công việc phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”.
Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng: “Cần phải đưa ra khỏi danh sách những người không đủ năng lực, phẩm chất kể cả những người trong quy hoạch nhưng có dấu hiệu, ý kiến, dư luận cho rằng nhầm lẫn đưa vào thì lập tức rà soát lại.
Kể cả các đối tượng luân chuyển nếu có lùm xùm nọ kia, hoặc do trước đây xử lý chưa đến nơi đến chốn thì cũng xem xét lại hết”.