Phát triển kinh tế, nhưng không thể hủy hoại môi trường

16/02/2017 07:16
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, với các dự án nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm thì khó nhất lúc này là vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa bảo vệ môi trường.

Quá nhiều dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Vào tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã công bố danh sách 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản nằm trong danh sách có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đáng nói gần 1 nửa số nhà máy có nguy cơ ô nhiễm đều là các nhà máy nhiệt điện như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh; Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Những nhà máy nhiệt điện nằm trong danh sách “đen” về môi trường đặt ra bài toán làm sao để vừa bảo vệ môi trường nhưng đồng thời phải đảm bảo an ninh năng lượng.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân là một trong số rất nhiều nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm - ảnh nguồn Lao Động.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân là một trong số rất nhiều nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm - ảnh nguồn Lao Động.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia chính sách công Bộ Kế hoạch và đầu tư PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết, bảo vệ môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ đặc biệt sau sự cố môi trường Formosa.

Những sự cố môi trường có thể gây thiệt hại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng cho kinh tế; gây ra nhiều bất ổn đối với đời sống dân sinh.

PGS. Phạm Quý Thọ phân tích, thông điệp của Thủ tướng là “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, có nghĩa với những nhà máy, dự án ô nhiễm được Bộ Công Thương liệt kê sẽ phải đứng giữa hai lựa chọn:

Thứ nhất, nếu duy trì phải nâng cao công nghệ xử lý chất thải, giám sát vấn đề bảo vệ môi trường.

Thứ hai nếu không đảm bảo yếu tố môi trường sẵn sàng xóa bỏ cho dù gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, nguy cơ ô nhiễm tại các dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu bằng than đã được cảnh báo từ lâu - ảnh H.Lực
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, nguy cơ ô nhiễm tại các dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu bằng than đã được cảnh báo từ lâu - ảnh H.Lực

Tuy nhiên với hàng loạt nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm được đưa ra theo PGS.TS Phạm Quý Thọ cái khó nhất lúc này là vừa đảm bảo an ninh năng lượng nhưng phải bảo vệ môi trường, hai nhiệm vụ này tiến hàng song song.

Cụ thể, với các nhà máy nhiệt điện theo ông Phạm Quý Thọ vẫn đang có ý nghĩa nhất định về mặt kinh tế đối với kinh tế quốc dân, với chiến lược năng lược quốc gia.

Nếu vì ô nhiễm không thể duy trì phải tìm nguồn năng lượng thay thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời... tuy nhiên điều này không thể làm một sớm một chiều.

Phát triển kinh tế, nhưng không thể hủy hoại môi trường ảnh 3

Kiên quyết không cấp phép đầu tư dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao

Phát triển kinh tế, nhưng không thể hủy hoại môi trường ảnh 4

"Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu mới đang xin ý kiến"

“Nếu để tồn tại cần phải chi nguồn ngân sách lớn để nâng công nghệ xử lý chất thảo, cần nguồn lực để nâng cao giám sát.

Những doanh nghiệp này đều trực thuộc Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, là doanh nghiệp nhà nước.

Vì thế câu hỏi đặt ra lúc này là lấy tiền ở đâu ra để thực hiện? Chắc chắn không thể lấy tiền thuế của dân”, PGS. Thọ nói.

Cũng theo ông Phạm Quý Thọ, nguy cơ ô nhiễm tại các dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than đã được cảnh báo từ lâu, đặc biệt là các nhà máy sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu nhập từ Trung Quốc.

"Hệ lụy khi lệ thuộc nhiều vào công nghệ của Trung Quốc khiến chúng ta nếu thay thế phải thay thế cả dây truyền, cả hệ thống, nếu hỏng hỏng thay thế buộc phải nhập từ Trung Quốc vì các nước không có thiết bị thay thế", ông Thọ nêu thực trạng.

“Mất bò lo làm chuồng”

Cáo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại 5% GDP hàng năm.

Ngoài ra, mỗi năm nước ta phải chi 780 triệu USD cho công tác khám chữa bệnh do ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của tổ chức DARA International cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương 5% GDP, và nếu không có giải pháp ứng cứu kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính lên tới 11% GDP vào năm 2030.

Những đánh giá của các cơ quan, tổ chức quốc tế cho thấy vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở thành rào cản lớn trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 vừa khánh thành năm 2015 nhưng đã nằm trong "danh sách đen" có nguy cơ ô nhiễm - ảnh Thời báo kinh tế Sài Gòn.
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 vừa khánh thành năm 2015 nhưng đã nằm trong "danh sách đen" có nguy cơ ô nhiễm - ảnh Thời báo kinh tế Sài Gòn.

Theo ông Phạm Quý Thọ xử lý ô nhiễm môi trường được đặt ra từ lâu nhưng mới chỉ nóng sau vụ xả thải của Formosa. Điều này cho thấy chúng ta đang bảo vệ môi trường theo kiểu “mất bò với lo làm chuồng”.

Cụ thể, thay vì kiểm soát tác động môi trường, quan tâm đến bảo vệ môi trường ngay từ đầu vào thì lâu nay chúng ta chưa quan tâm đến. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài sau khi được cấp phép đầu tư vi phạm pháp luật môi trường tại Việt Nam.

Điển hình như trường hợp Formosa Hà Tĩnh với việc gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Công ty Formosa Hà Tĩnh phải xin lỗi đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường thiệt hại 500 triệu USD.

Tương tự trường hợp Công ty Vedan gây ra 80% - 90% ô nhiễm cho sông Thị Vải, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Trước sai phạm này Vedan đã phải nộp tổng mức phạt hành chính 267,5 triệu đồng cho 12 lỗi vi phạm. Ngoài ra, Vedan phải nộp 127 tỷ đồng truy thu phí bảo vệ môi trường.

Mộ trường hợp khác là Công ty Thuộc da Hào Dương bị phát hiện nhiều lần xả thải gây ô nhiễm môi trường ở kênh Đông Điền, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, với lượng chất thải vượt 10 lần quy chuẩn kỹ thuật.

Năm 2014, công ty bị đình chỉ hoạt động và phải nộp phạt 6,39 tỷ đồng. Do chây ỳ thực hiện nghĩa vụ, đơn xin hoạt động trở lại của công ty này vào tháng 12/2015 đã bị cơ quan chức năng từ chối…

“Còn rất nhiều ví dụ ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp gây ra, đặc biệt doanh nghiệp FDI xuất phát từ việc thiếu kiểm soát từ đầu vào, trong đó có việc thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc xả thải và bảo vệ môi trường.

Do đó khi phát hiện sai phạm dù xử phạt nhưng môi trường đã bị ô nhiễm”, ông Phạm Quý Thọ nhận định.

Trở lại với danh sách 30 nhà máy có nguy cơ ô nhiễm, theo ông Phạm Quý Thọ trước mắt Bộ Công Thương cần có những đánh giá về mức độ ô nhiễm của từng nhà máy và đề ra hướng cải thiện môi trường như yêu cầu của Thủ tướng. 

“Quan trọng hơn một mặt đề ra hướng cải thiện môi trường, một mặt Bộ Công Thương cần rút ra bài học trong đánh giá tác động môi trường của mỗi dự án đầu tư mới để tránh các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường”, ông Phạm Quý Thọ kết luận.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước;

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát, sử dụng lãng phí tài nguyên; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Tiến hành điều tra, rà soát phân loại các nguồn thải gây ô nhiễm sông, biển, các vùng kinh tế, đô thị lớn; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước, nâng cao chất lượng nguồn nước; tập trung cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm.

Mai Anh