Sáng 7/6, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm.
Tính đến ngày 27/4/2018, trong tổng số 77 cơ quan xin ý kiến , Ủy ban Thường vụ đã nhận được văn bản trả lời của 64 cơ quan với 190 nội dung kiến nghị.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: TTXVN) |
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung sau:
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Uỷ ban Quốc phòng và An ninh chủ trì về nội dung).
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018 (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì về nội dung).
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc chủ trì về nội dung).
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính, Ngân sách chủ trì về nội dung).
Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình giám sát, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho biết, ông tán thành với dự kiến Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Thái Trường Giang phát biểu thảo luận sáng 7/6. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đại biểu Giang muốn đề cập thêm đến những vấn đề liên quan đến Chương trình giám sát năm 2018 mặc dù đã được thông qua năm 2017. Vì những thực tiễn phát sinh trong thời gian gần đây đề nghị Quốc hội xem xét lại.
"Ví dụ trong dự kiến năm 2019 chúng ta giám sát đất đai giai đoạn 2014-2018, nếu được thì chúng ta lồng ghép làm một chương trình giám sát ở 3 khu mà chúng ta chuẩn bị thông qua đặc khu kinh tế.
Vấn đề đất đai ở đó sử dụng chuyển đổi mục đích, giao dịch như thế nào để có cơ sở đánh giá kỹ vấn đề mà dư luận đang quan tâm.
Nếu được đề nghị giám sát vấn đề đó và để chặt chẽ thì Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chúng ta cần phải cân nhắc cẩn trọng, lùi thời gian không thông qua trong kỳ họp này.
Tiến hành kiểm tra đất ở các khu đó và thông qua trong kỳ họp tới.
Việc này sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội hôm thảo luận về kinh tế-xã hội”, đại biểu Giang đề nghị.
Nêu quan điểm của mình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, chúng ta nên tập trung vào 2 chuyên đề đang rất nóng, rất bức xúc hiện nay.
Một là chính sách pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi. Hai là quản lý, sử đụng đất đai đô thị. Đây là 2 vấn đề rất cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhiều người đang hiểu lầm về cho thuê đất ở Đặc khu |
Bàn về vấn đề giám sát của Quốc hội, đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành nghị quyết về việc giao chỉ tiêu giám sát cho các đại biểu Quốc hội để nâng cao vai trò và vị trí của đại biểu Quốc hội.
Đồng thời cũng để thực hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.
“Tôi thấy trong những năm qua đây là vấn đề chúng ta còn bỏ ngỏ. Chính vì thế đại biểu nào tự giác thì thực hiện, còn đại biểu không tự giác thì chúng ta không thực hiện.
Như thế có nghĩa là chúng ta chưa thực hiện được hết trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội trước nhân dân”, đại biểu Nhưỡng nói.