Theo phản ánh của một số phụ huynh trường mầm non Măng Non (thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), đầu năm học, họ phải đóng nhiều khoản tiền phí khá cao.
Tuy nhiên, phía nhà trường lý giải, đây chỉ mới là “bảng dự toán kinh phí huy động các khoản đóng góp thỏa thuận của cha mẹ học sinh năm học 2017-2018” mới được Ban đại diện cha mẹ học sinh thông qua, còn chờ chủ trương thống nhất của Ủy ban nhân dân huyện mới thu.
Đóng góp để “bồi dưỡng” cán bộ, giáo viên, nhân viên
Theo tìm hiểu, trường mầm non Măng Non có 11 lớp với 338 trẻ. Một phụ huynh phản ánh, đầu năm học đã “choáng” với các khoản nộp của nhà trường.
Bảng dự toán kinh phí huy động các khoản đóng góp thỏa thuận của cha mẹ học sinh năm học 2017-2018 của trường mầm non Măng Non. Ảnh: TT |
Riêng một trẻ học mẫu giáo lớn phải đóng khoản tiền hơn 4,64 triệu đồng/học sinh, còn trẻ nhà trẻ thì phải đóng gần 5 triệu đồng/học sinh.
Trong bảng dự toán này, phụ huynh bức xúc về khoản tiền 31,5 triệu đồng phí lao động, quét dọn vệ sinh, cây cảnh tại điểm trường mới (6 tháng) và trường cũ (3 tháng).
Hiệu trưởng bị đình chỉ khiếu nại, nói sẵn sàng nghỉ hẳn nếu việc thu là sai |
Lý giải về khoản tiền này, bà Võ Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng trường mầm non Măng Non cho biết, để xây dựng trường chuẩn, nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp một ngày công lao động/người.
Tuy nhiên, do có nhiều phụ huynh bận việc nên được quy đổi ra đóng góp tiền là 150.000 đồng/trẻ.
Ngoài ra, cơ sở vật chất nhà trường chưa hoàn thiện nên học sinh phải học ở cả trường cũ và trường mới.
Do đó, nhà trường phải thuê người chuyển cơm từ trường cũ đến trường mới (3 tháng) với mức chi phí 9,9 triệu đồng. Thuê xe, công vận chuyển đồ dùng, đồ chơi ngoài trời cũng mất 5,1 triệu đồng.
Về khoản tiền “trả lương hợp đồng nhân viên phục vụ” là 63,6 triệu đồng, trong đó 61,2 triệu là tiền lương, còn 2,4 triệu hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho nhân viên.
“Nhà trường có 7 nhân viên hỗ trợ, cấp dưỡng. Tuy nhiên, theo tình hình của huyện Hiệp Đức thì chỉ trả lương và bảo hiểm cho ba nhân viên, còn lại bốn nhân viên phải huy động sự đóng góp của phụ huynh”, bà Tâm nói.
Đối với khoản tiền 157,3 triệu đồng tiền bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên làm thêm giờ, bà Tâm giải thích rằng, hiện trường này đang thiếu một giáo viên so với định mức 2 giáo viên/lớp (năm nay trường tăng thêm 2 lớp nhưng chỉ được phân về ba người).
Vì thiếu giáo viên, nhân viên nên mới nảy sinh việc phải bồi dưỡng. Theo bà Tâm, sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam cho phép các trường có khoản thu chăm sóc bán trú. Do đó, nhà trường đưa ra định mức thu 55.500 đồng/trẻ/tháng.
Trong tổng khoản thu bồi dưỡng trên thì bồi dưỡng trách nhiệm cán bộ quản lý của Hiệu trưởng là 720.000 đồng, bồi dưỡng cán bộ quản lý trực trưa gồm Hiệu trưởng và hai Hiệu phó là 8,1 triệu đồng.
Cũng theo bà Tâm do trường không có kế toán riêng nên phải nhờ giáo viên thu hộ tiền ăn và phải bồi dưỡng cho giáo viên thu hộ. Tổng số tiền bồi dưỡng cho 11 giáo viên thu hộ tiền ăn là 19,8 triệu đồng…
Theo bà Tâm thì những khoản tiền dự kiến huy động từ đóng góp của phụ huynh như sau: nhà trẻ: 1,2 triệu đồng, mẫu giáo bé: 1,15 triệu đồng, mẫu giáo lớn: 1,05 triệu đồng.
Các khoản khác như: quỹ lớp, trang trí, lao động lớp là do phụ huynh thỏa thuận với giáo viên, muốn hoạt động cái gì thì đóng góp cái đó.
Còn lại một số khoản như tiền ăn: 2,4 triệu đồng/học sinh, tiền học phí 405.000 đồng/học sinh, tiền đồ dùng cá nhân: 237.000 đồng/học sinh… được xem như những khoản bắt buộc.
“Ai tự nguyện đóng góp thì làm đơn”
Đối với khoản thu xã hội hóa xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với số tiền khá cao, từ 150.000 đồng/trẻ đến 300.000 đồng/trẻ (tùy theo bậc học), bà Tâm cho biết, hiện các khoản thu này trường đang tham mưu với Ủy ban nhân dân thị trấn Tân An để thu.
Các khoản tiền đầu năm mà mỗi phụ huynh học sinh phải nộp bình quân từ 4,6 triệu đến 5 triệu đồng. Ảnh: TT |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc căn cứ vào đâu để đưa ra mức thu ấy, bà Tâm nói: “Chỉ căn cứ vào thông tư 29/2012/BGDĐT về huy động từ các nguồn doanh nghiệp, cá nhân.
Và công văn 6890 của Bộ giáo dục về hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh.
Trường áp dụng hai cái văn bản đó để đưa ra kêu gọi xã hội hóa xây dựng trường chuẩn”.
Phản đối lạm thu, hàng trăm phụ huynh cho con nghỉ học, đòi đuổi Hiệu trưởng |
Cũng theo bà Tâm, trong hai văn bản này không đưa ra định mức thu cụ thể nên nhà trường cũng không định mức thu.
“Nhưng sắp tới, dự kiến sẽ yêu cầu ai tự nguyện thì làm cái đơn, ‘đơn xin tự nguyện’ đóng góp, chứ không phải buộc họ phải đóng mức này, mức nọ. Nhưng để cho họ tự nguyện hoàn toàn thì xảy ra trường hợp đóng 5.000 – 10.000 đồng/em thì rất khó.
Nên dự kiến đưa ra mức là 150.000 – 300.000 đồng/trẻ, theo từng khối lớp. Trường sẽ có mẫu đơn tự nguyện cho từng phụ huynh và ký vào đó để đóng tiền. Còn ai không đóng thì thôi”, bà Tâm nói thêm.
Trước phản ứng của một số phụ huynh về việc phải đóng các khoản chi phí quá cao, bà Tâm cho rằng, mức đóng này còn ít hơn mấy năm trước.
Vì có yêu cầu chống lạm thu nên nhà trường nghiên cứu rất kỹ các văn bản để làm sao vừa đảm bảo chi phí phục vụ trẻ, vừa sức của phụ huynh.
Nhà trường không yêu cầu phụ huynh đóng một lần mà chia ra nhiều đợt để đóng.
Theo bà Tâm, nhà trường đã làm việc và báo cáo tình hình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Đức.
"Sắp tới, huyện cũng sẽ giám sát và thanh tra", bà Tâm thông tin.