Hoàn thành 30% công trình vẫn thu tiền ngang bằng cao tốc xây mới hoàn toàn
Từ khi đưa vào khai thác thu phí đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (2014), nhiều người đã đặt ra câu hỏi vì sao đường cũ làm lại nhưng lại được thu với giá 1500 đồng/km - ngang bằng với đường cao tốc xây mới hoàn toàn.
BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ được dư luận xem là một trong những dự án phí lý khó lý giải nhất trong các dự án BOT đã đưa vào vận hành khai thác.
Mới đây nhất, ngày 6/9, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông Vận tải và đã chỉ ra nhiều sai sót, bất cập.
Kết luận Thanh tra đã chỉ ra nhiều bất cập tại dự án BOT giao thông Pháp Vân - Cầu Giẽ (ảnh nguồn báo Tiền phong). |
Có thể nói rằng dư luận không bất ngờ khi trong kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra dự án BOT giao thông Pháp Vân – Cầu Giẽ “đội sổ” vì xảy ra nhiều lỗi nhất.
Cụ thể, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ đã xảy ra việc quyết định quy mô cấp đường đầu tư chưa phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt.
Phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thành 2 giai đoạn thực hiện chưa đảm bảo kết nối tốt, đồng bộ các hạng mục hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện có.
Qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án, xác định giá trị phê duyệt sai tăng 451,5 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 18,7 tỷ đồng.
Kiểm tra một số nội dung về dự toán và thanh toán đối với 7 dự án xác định các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp, hoặc thiếu hồ sơ và căn cứ phê duyệt một số yếu tố phát sinh thực tế không hợp lý… với tổng giá trị 316,2 tỷ đồng, trong đó, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 55,6 tỷ đồng.
BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ: "Đầu tư 30% mà thu phí như đường mới là trắng trợn" |
Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý.
Riêng dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, dự án chưa hoàn thành, giá trị đầu tư mới thực hiện 30% nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới.
Có thể thấy, kết luận thanh tra Chính phủ về BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ là minh chứng rõ nhất về chủ trương xã hội hóa trong giao thông là đúng nhưng khi đi vào thực tiễn lại sai.
Vì sao người dân đa số tuân thủ các quy tắc giao thông, chấp hành các mệnh lệnh giao thông nhưng giờ lại tìm cách phản ứng bằng việc trả tiền lẽ phí BOT tại các trạm thu phí như ở Bến Thủy - Vinh, Sông Rác – Hà Tĩnh, Cai Lậy – Tiền Giang và trên Quốc lộ 5 (Văn Lâm - Hưng Yên).
Trước khi có kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia và Đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập liên quan đến BOT giao thông.
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) từng cho rằng “quản lý BOT hiện nay như hộp đen”.
Ý của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là người dân không thể tiếp cận được thông tin về BOT mà đáng lẽ ra phải công khai minh bạch.
Theo Đại biểu Tuấn, không thể bắt ép người dân đi vào con đường BOT trong khi họ đang có sự lựa chọn khác.
Phải quy trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra sai sót
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sau khi đọc kết luận của Thanh tra Chính phủ, đặc biệt là những thông tin liên quan đến dự án BOT giao thông Pháp Vân – Cầu Giẽ, Đại biểu Quốc hội khóa 13 – bà Bùi Thị An cho rằng: “Tôi không bất ngờ vì trước đây tôi từng đề cập đến việc ở tuyến đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ nhà đầu tư chỉ làm sơ sài, cào lên, tráng một lớp nhựa nhưng thu phí như đường cao tốc làm mới lại hoàn toàn.
Tôi còn nhớ, hồi đó ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cái này khó công khai, không minh bạch được”.
Đại biểu Quốc hội khóa 13 - bà Bùi Thị An cho rằng không hề bất ngờ về kết luận của Thanh tra Chính phủ (ảnh giaoduc.net.vn). |
Bà Bùi Thị An khẳng định, việc xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư vào giao thông như hình thức BOT là đúng đắn, nhưng cần thiết phải được giám sát chặt chẽ ngay từ đầu.
Không thể để tình trạng thu phí kéo dài 2 – 3 năm rồi thì mới tiến hành thanh kiểm tra là có sai sót.
Bà An cũng cho biết, trước đây bà từng nêu đề nghị cần phải giám sát được vấn đề định giá trong các dự án BOT giao thông, ngăn chặn tình trang đáng một đồng nhưng đội lên mấy đồng.
“Định giá là khâu quyết định việc thu phí thế nào. Định giá đúng thì không cần thu phí nhiều năm, không phải thu cao mà vẫn thu hồi được vốn, nhưng thực tế hiện định giá lại không chuẩn.
Đáng buồn, mục tiêu BOT giao thông là tốt nhưng thực hiện lại không tốt” – bà An nhấn mạnh.
Vấn đề hiện nay được dư luận quan tâm là khi đã chỉ ra các điểm bất hợp lý tại dự án BOT giao thông Pháp Vân – Cầu Giẽ, phải xử lý thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư?
Bà Bùi Thị An cho rằng, sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra được những bất cập liên quan đến các dự án BOT thì phải cần thiết tiến hành khắc phục, xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể để xử lý.
Cũng theo bà An, khâu giám sát cần phải xem xét, chỉnh đốn một cách thực sự nghiêm túc thì mới ngăn chặn được sai phạm. Thời gian vừa qua do giám sát yếu kém nên mới xảy ra nhiều sai phạm ở các dự án BOT như vậy.
Vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm hiện nay là các lỗi ở dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã được chỉ ra thì có nên duy trì mức thu phí như hiện nay?
Tiến sĩ Bùi Trinh: "Làm đường cao tốc ở Việt Nam tưởng thấp, nhưng lại hóa cao" |
Bà Bùi Thị An cho ý kiến rằng: “Bây giờ, cần thành lập hội đồng định giá cho chuẩn, minh bạch, khi đó sẽ cho ra được mức thu phí như thế nào, thời gian bao lâu hợp lý, tránh để thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp”.
Cuối cùng bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Xã hội hóa là tốt, đặc biệt trong hạ tầng, hoàn cảnh nước ta.
Nhưng xã hội hóa phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Không thể nào để quá lệch.
Làm thế nào để đánh giá hài hòa lợi ích đây là vấn đề. Việc này, những người có trách nhiệm phải lo, không được để thiệt cho dân, không phải để thiệt cho nhà nước, cũng không để thiệt cho doanh nghiệp.
Vừa qua, dân phản ứng nhiều như vậy, trong đó có doanh nghiệp giao thông vận tải nên cơ quan quản lý phải cần làm rõ gốc gác từ đâu sinh ra như vậy.
Đã phát hiện sai phạm nhưng xử lý sai phạm tiếp theo đây cần thiết phải được minh bạch, công khai.
Không thể xem việc để người dân đóng phí mức cao kéo dài nhiều năm rồi mới chỉ ra có sai sót nhưng lại xem đó như chuyện bình thường.