Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được văn bản số 441/SGDĐT-CTTT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, do Phó giám đốc sở Nguyễn Đức Thịnh kí ngày 28/3/2019 với nội dung nói về việc triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Các văn bản chỉ đạo triển khai chương trình Sữa học đường của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Tùng Dương. |
Trong văn bản có nêu rõ: Chương trình “Sữa đậu nành học đường Vinasoy” năm học 2018-2019 được triển khai tại 3 huyện, thị (Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ) là chương trình do Quỹ khuyến học Sữa đậu nành Việt Nam cung cấp miễn phí cho học sinh tiểu học (31.823 học sinh ở 61 trường học).
Căn cứ đề nghị của Quỹ khuyến học Sữa đậu nành Việt Nam, và hồ sơ do đơn vị tài trợ cung cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên nhận thấy, sản phẩm sữa đã được cấp có thẩm quyền chứng nhận, là sản phẩm thông dụng trên thị trường, do vậy để chương trình “Sữa đậu nành học đường Vinasoy” thực hiện có hiệu quả, Sở đã ban hành kế hoạch 223/KH-SGDĐT ngày 19/2/2019 về việc triển khai chương trình “Sữa đậu nành học đường Vinasoy”.
Sau khi triển khai đến 31.823 học sinh ở 61 trường, ngày 15/3/2019 đã xảy ra hiện tượng 29 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng, huyện Phú Bình có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài, nghi là bị ngộ độc. Sau hơn 1 ngày cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, sức khỏe của 29 học sinh đã ổn định và xuất viện.
Cũng theo phản hồi của số: 441/SGDĐT-CTTT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên thì Chương trình “Sữa đậu nành học đường Vinasoy” chỉ là chương trình miễn phí của nhà tài trợ bằng sản phẩm sữa đến học sinh, không nhằm mục đích để thực hiện Chương trình Sữa học đường.
Có thể nói, phản hồi này của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho thấy, ở đây có sự mập mờ, thoái thác trách nhiệm.
Phòng Giáo dục và Đào Tạo huyện Phú Bình,Thái Nguyên. Ảnh: Tùng Dương. |
Trong phản hồi này còn giải thích về việc sử dụng cụm từ “Sữa học đường” trong văn bản dễ gây hiểu lầm, hiểu sai về chương trình Sữa học đường đang được triển khai tại tỉnh Thái Nguyên.
Vậy lỗi ở đây có thể hiểu là do bộ phận thư kí của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên dùng sai từ?
Thứ nhất: Ngày 16/3/2019, trong bản báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào Tạo huyện Phú Bình,Thái Nguyên có nói rõ về công tác triển khai sữa học đường năm học 2018-2019 là thực hiện theo kế hoạch số: 233/KH-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên kí ngày 19/2/2019 về việc triển khai chương trình sữa học đường cho học sinh tiểu học.
Trong báo cáo này nêu rõ: Việc triển khai chương trình sữa học đường cho học sinh tiểu học, Công ty sữa Vinasoy Việt Nam đã đi khảo sát trực tiếp tại 15 trường tiểu học gồm: Thượng Đình, Nhã Lộng, Nga My 1, Nga My 2, Hà Châu, Dương Thành, Tân Đức, Tân Hòa, Thị trấn Hương Sơn, Xuân Phương, Tân Thành, Tân Kim, Tân Khánh, Đào Xá và Bàn Đạt.
Vậy đã rõ, Phòng Giáo dục và Đào Tạo huyện Phú Bình,Thái Nguyên có nói rõ về công tác Triển khai Sữa học đường năm học 2018-2019 là theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên.
Kết luận của Sở Y tế Thái Nguyên về sữa Fami Kid khiến nhiều phụ huynh bức xúc |
Thứ hai: Trong thư ngỏ của Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi - Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy gửi cho phụ huynh học sinh các trường tiểu học có viết rõ, Chương trình Sữa học đường đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học.
Trong thư ngỏ có đoạn: Với vai trò là người dẫn đầu ngành sữa đậu nành, Vinasoy luôn cổ súy và tiên phong thực hiện chương trình sữa học đường từ rất sớm.
Như vậy, trong thư ngỏ này, Vinasoy đã cố tình đưa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào, với mục đích làm cho các phụ huynh học sinh tin tưởng đây là chương trình sữa học đường của Chính phủ.
Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy thừa hiểu đưa loại sữa đậu nành có nguồn gốc thực vật vào chương trình sữa học đường là sai chủng loại, trái với công văn số 7162/BYT-BM-TE của Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về sữa học đường ngày 26/11/2018 nêu rõ: "Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 100% sữa tươi nguyên liệu”.
Sữa đậu nành Fami Kid nghi là nguyên nhân gây ngộ độc cho 29 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng (Thái Nguyên). Ảnh: Tùng Dương. |
Thứ ba: Trong mục số 2 phần III của kế hoạch 233/KH-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên ngày 19/2/2019 còn nêu rõ: Cấp phát sữa trợ giá từ Vinasoy và nguồn thu của phụ huynh dự kiến triển khai từ ngày 1/4/2019, với giá bán là 2.166 đồng 1 hộp sữa đậu nành Fami Kid 125ml cho đối tượng là học sinh của 3 huyện.
Vậy có thể hiểu sự việc ở đây là sau khi chương trình uống miễn phí 10 ngày kết thúc, sẽ tiếp đến giai đoạn 2 là bán sữa cho các em học sinh?
Kết luận học sinh bị kích thích dạ dày-ruột vì sữa Fami Kid để né trách nhiệm? |
Trong mục số 1 phần VI của kế hoạch 233/KH-SGDĐT còn nêu rõ: Sở Giáo dục và Đào tạo giao cho phòng Chính trị - Tư tưởng chủ trì việc triển khai Chương trình đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, tạo điều kiện để Vinasoy làm việc với các trường và phụ huynh học sinh.
Mục 2, phần VI có viết: Hướng dẫn các trường, tuyên truyền đến cha mẹ học sinh về nội dung chương trình, tổng hợp nhu cầu đăng kí mua sữa, kí hợp đồng mua sữa… Hỗ trợ Vinasoy trong việc thanh toán kinh phí.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã biến Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình Sữa học đường thành quyết định đưa sữa sai chủng loại vào trường học và là chương trình giúp doanh nghiệp bán sữa. Điều này trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Điều lạ ở chỗ, chỉ là đưa sữa tới các trường mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cũng giao cho phòng Chính trị - Tư tưởng triển khai.