Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17/3/2019 đăng bài phản ánh về sự việc 29 cháu học sinh tại Trường Tiểu học Nhã Lộng (Phú Bình, Thái Nguyên) phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Bình vì nghi bị ngộ độc sữa Fami Kid. Sữa này được chuyển đến trường, phát cho các cháu uống tại trường từ ngày 14/3.
Sau khi các cháu được phát sữa uống vào khoảng 9h30 ngày 15/3 (tức là ngày uống sữa thứ hai) thì đến 10h nhiều học sinh bị đau bụng, nôn ói phải đi cấp cứu.
Ngày 26/3/2019, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã có kết luận về sự việc trên, trong mục 2 của Báo cáo này, có kết luận: Hiện tượng đối với các học sinh sau khi uống sữa tại Trường Tiểu học Nhã Lộng (Huyện Phú Bình, Thái Nguyên) liên quan đến vấn đề không dung nạp sữa xảy ra ở một số trường hợp, dẫn đến kích thích dạ dày- ruột, không phải ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ Tạ Văn Thành- Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Bình (Thái Nguyên): "Theo chúng tôi phán đoán, có thể lô sữa mà 29 cháu đang cấp cứu được uống ở Trường tiểu học Nhã Lộng là có vấn đề, thì mới dẫn đến việc ngộ độc”. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều phụ huynh ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên) có con đi cấp cứu vì ngộ độc hôm 15/3 đã rất bức xúc trước kết luận này.
Anh Hoàng Văn Tiến (phụ huynh của cháu Hoàng Thị Minh Thư), ở xóm Trại, xã Nhã Lộng, nói: “Tôi rất bức xúc vì khi con tôi điều trị, trong giấy xét nghiệm của bệnh viện có đề rõ là ngộ độc sữa mà bây giờ Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên lại nói không phải?
Chúng tôi không hài lòng, vì chưa có ý kiến phụ huynh, mà nhà trường đã cho con chúng tôi uống sữa. Nhà tôi có 4 cháu, vợ chồng tôi cho các cháu uống sữa thường xuyên mà có bị làm sao đâu, tôi đề nghị cần làm rõ việc này.
Chúng tôi cần câu trả lời chính xác, chứ kết luận không phải ngộ độc sữa, mà là do bị kích ứng vì không quen sữa là dối trá.
Sắp tới ban phụ huynh sẽ họp và yêu cầu nhà trường trả lời cụ thể, chúng tôi cần nhà sản xuất sữa Fami Kid có câu trả lời cho phụ huynh chúng tôi được biết”.
Kết luận học sinh bị kích thích dạ dày-ruột vì sữa Fami Kid để né trách nhiệm? |
Anh Nguyễn Văn Mạnh (ở xóm Náng, phụ huynh cháu Nguyễn Thị Bích Ngọc) nói: “Bên y tế đi xét nghiệm sữa Fami Kid, giờ nói thế nào chúng tôi biết thế thôi, nhưng nếu nói là các cháu bị kích thích dạ dày - ruột thì tôi thấy không thỏa đáng.
Từ khi xảy ra sự việc các cháu bị ngộ độc đến nay chưa thấy ai nhận trách nhiệm, gia đình chúng tôi hoàn toàn tự lo mọi việc chữa bệnh cho các cháu.
Tôi thấy việc này rất ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu, nhưng người ta không tìm ra sự thật. Chúng tôi rất bức xúc, không đòi hỏi gì cả, nhưng cần phải làm rõ sự việc này.
Chúng tôi đề nghị bên Công ty sữa Vinasoy phải có trách nhiệm, phải có lời xin lỗi về vấn đề này, chứ còn nói là bị kích thích, kích ứng thì tôi thấy không phù hợp. Tôi không tin.
Từ trước đến nay, tôi vẫn cho các cháu uống sữa nhưng có bị làm sao đâu. Hôm trước (14/3) cháu cũng uống sữa ở trường, nếu bị kích thích thì sao không bị ngay mà đến lần uống sau (15/3) mới bị? Thật quá vô lý.
Ở ngoài thị trường người ta vẫn bán loại sữa đó mà không thấy ai bị làm sao? Đằng này, đùng một cái, trong một buổi học có mấy chục học sinh bị ngộ độc, như vậy giải thích là không hợp lí. Trong nhà tôi lúc nào cũng phải có 2 thùng sữa để các cháu dùng, uống quanh năm mà có bao giờ bị đau bụng đâu”.
Hà Ngọc Nhi, 7 tuổi, học lớp 1C Trường tiểu học Nhã Lộng cho biết sữa Fami Kid có vị chua khi cháu uống. Ảnh: Tùng Dương. |
Chị Thân Thị Quế (mẹ cháu Dương Văn Dũng, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng) nói: “Từ hôm cháu nhà tôi đi cấp cứu ở viện về đến nay chưa thấy ai đến thăm hỏi xem sức khỏe cháu ra sao, từ nhà trường, huyện, xã cho đến nhà sản xuất sữa Fami Kid không thấy mặt một ai đến cả. Tôi cũng thấy lạ, họ coi thường sức khỏe các cháu quá. Họ coi thường chúng tôi quá.
Tôi thấy quá vô lí, sao các cháu lại không quen sữa? Các cháu đã uống loại sữa này ở trường được hai ngày rồi, sao hôm trước uống lại không bị mà hôm sau mới bị? Nếu nói không hợp sữa thì uống hôm đầu tiên là phải bị ngay chứ. Mà nếu chỉ là không hợp sữa thì không thể nào các cháu lại bị nặng đến mức phải đi cấp cứu như vậy. Tôi chắc chắn không phải là các cháu không quen uống sữa đâu.
Tôi nhận định lô sữa mà nhà trường cho các cháu uống đấy, chắc có vấn đề về chất lượng, không có cái gì là không xảy ra cả, làm sao họ dám chắc là lô sữa đó không có vấn đề gì vì họ có uống đâu.
Chúng tôi cần nhà sản xuất sữa trả lời rõ ràng về việc này, họ coi thường tính mạng các cháu học sinh quá. May là các cháu bị nhẹ, chứ nặng hơn thì không biết chúng tôi phải làm sao nữa”.
Chị Nguyễn Thị Hảo mẹ cháu Thu cho biết cháu ra viện nhưng mấy ngày sau vẫn chưa hết đau bụng. Ảnh: Tùng Dương. |
Chị Nguyễn Thị Lịu, mẹ của cháu Nguyễn Thị Lệ cho biết: “Sau hôm phải cấp cứu ở viện về, cháu vẫn hơi đau bụng, mệt mỏi mất mấy ngày nên phải nghỉ học.
Hôm cháu Lệ đang nằm cấp cứu thì có thầy giáo tên là Nam ở Trường Tiểu học Nhã Lộng đến hỏi thăm sức khỏe, ngoài ra có cô giáo chủ nhiệm gọi điện hỏi thăm, còn từ hôm đó cho đến nay không hề có một ai đến thăm cháu hoặc có lời với gia đình.
Tôi cũng không biết thế nào mà chỉ tin lời bác sĩ nói thôi. Trong giấy ra viện, bác sĩ có viết là bị ngộ độc thì tôi chỉ biết thế, mà cháu nó có ăn gì đâu ngoài uống hộp sữa đó. Tôi hỏi thì cháu có nói là uống sữa xong được một lúc đã thấy đau bụng, chóng mặt, buồn nôn và thấy mấy bạn vừa uống sữa xong cũng bị như con.
Hôm tôi đưa cháu vào viện cấp cứu, bác sĩ có hỏi là học ở trường Nhã Lộng? có uống sữa phải không? Tôi bảo đúng vậy, thế là họ cho cháu vào khoa nhi và cho truyền nước luôn. Thậm chí họ còn chưa kịp lấy máu để xét nghiệm, mà họ đã nói là cháu bị ngộ độc rồi?
Mọi người ở nhà đọc xong giấy ra viện cũng hỏi là, tại sao bệnh viện ghi bị ngộ độc? Sao không hỏi thêm bác sĩ là ngộ độc như thế nào? Tôi nói là chỉ biết vậy thôi, con tôi không làm sao là may lắm rồi.
Tôi yêu cầu nhà trường phải trả lời rõ cho chúng tôi, là các cháu bị ngộ độc như vậy thì phải xử lí thế nào với nhà sản xuất sữa, chứ cứ ỉm đi như thế này là không được.
Chúng tôi cho các cháu học ở trường, thì nhà trường phải có trách nhiệm với các cháu, chứ không thể cho các cháu uống sữa, phải đi cấp cứu ở viện thì gọi gia đình ra bàn giao, xong rồi coi như hết trách nhiệm”.
Anh Sỹ và con gái Hồng Hạnh học lớp 4 Trường tiểu học Nhã Lộng. Ảnh: Tùng Dương. |
Anh Hà Mạnh Cường, phụ huynh của cháu Hà Ngọc Nhi, 7 tuổi, học lớp 1C Trường tiểu học Nhã Lộng cho biết: “Tôi thấy họ thật quá đáng, yêu cầu phải truy trách nhiệm đến cùng đối với nhà sản xuất loại sữa Fami Kid này.
Nhà tôi chưa hề ký vào bản đồng ý sử dụng sữa, mà nhà trường đã cho các cháu dùng , để bây giờ hậu quả xảy ra, may là nhẹ chứ không thì gia đình tôi biết kêu ai? Chả lẽ cứ có loại thực phẩm gì mới là họ lại đem con chúng tôi ra để thử nghiệm hay sao?
Cho dù là miễn phí, hay khuyến mãi, mà muốn cho các cháu dùng thì cũng phải có sự cho phép của phụ huynh chứ, sao nhà trường lại tự động cho mình cái quyền như vậy?
Bây giờ nghe kết luận của Sở Y Tế tỉnh Thái Nguyên thì chúng tôi càng thấy bực, không thể nào nói vô trách nhiệm như vậy được, tôi cho cháu uống sữa từ bé, nên không thể nói là cháu không hấp thu được. Họ nói như vậy chẳng qua để thoái thác trách nhiệm thôi, chứ làm gì có chuyện cháu bị kích thích vì sữa.
Cháu có nói khi uống vào thấy chua và một lúc sau thì hoa mắt chóng mặt, nôn, đau bụng. Tôi biết tin chạy xuống trường, thấy tình hình cháu không ổn, nên tôi đã đưa cháu đến bệnh viện, mà nếu nói cháu không phải bị ngộ độc thì tại sao bác sĩ lại tiến hành cấp cứu theo phác đồ ngộ độc?".
Anh Nguyễn Văn Độ và cháu Nguyễn Thị Ánh Hồng sau khi từ bệnh viện về. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, các phụ huynh có con bị ngộ độc đều rất bức xúc, từ lúc các cháu nằm viện (15/3) cho tới tận hôm 31/3/2019 cũng không thấy nhà sản xuất sữa Fami Kid đến hỏi thăm, hay nhận trách nhiệm.
“Chúng tôi yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cần nhanh chóng có câu trả lời thỏa đáng về vấn đề các cháu bị ngộ độc để chúng tôi được rõ. Chúng tôi cũng yêu cầu Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nhã Lộng cần phải tổ chức họp phụ huynh và giải thích rõ việc này”, anh Nguyễn Văn Độ ở xóm Trại nói.