Hà Nội tổng kết triển khai dự án bữa ăn học đường giai đoạn 2017 - 2020

29/10/2020 15:30
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tính đến tháng 08/2020, dự án đã cử chuyên viên đến tập huấn trực tiếp cho 261 trường tiểu học tổ chức bán trú tại Hà Nội.

Ngày 29/10/2020 tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết triển khai dự án Bữa ăn học đường giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng triển khai dự án cho giai đoạn tiếp theo.

Tham gia hội nghị có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế); lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội; lãnh đạo Công ty Ajinomoto Việt Nam; lãnh đạo và chuyên viên các Phòng Giáo dục và Đào tạo, ban Giám hiệu và cán bộ phụ trách công tác bán trú của nhiều trường tiểu học tại thành phố Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lê Danh Tuyên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: LC

Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lê Danh Tuyên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: LC

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Cụ thể, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi (năm 2019) là 9,7%. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành với 5.000 học sinh của 75 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc 25 xã, phường tại một số tỉnh, thành phố cũng cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì chung ở học sinh là 29%.

Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 17,8%; khu vực thành thị là 41,9%.

Dù tỷ lệ béo phì ở trẻ gia tăng nhưng theo một cuộc điều tra tại Hà Nội cũng do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện, có đến 53% phụ huynh khi được hỏi không nhận thức đúng tình trạng thừa cân của con em mình.

Chuyên gia của Ajnomoto giới thiệu về phần mềm bữa ăn học đường. Ảnh: LC

Chuyên gia của Ajnomoto giới thiệu về phần mềm bữa ăn học đường. Ảnh: LC

Thậm chí, nhiều người còn thích con mập, cho con ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, uống nước ngọt, bánh kẹo… khiến trẻ thừa cân nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng.

Dự án Bữa ăn học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện và triển khai từ năm 2012, bao gồm các nội dung: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích Ba phút thay đổi nhận thức và xây dựng bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Sau 8 năm, Dự án đã được triển khai tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh thành toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh bán trú và giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho học sinh.

Dự án cũng nhận được phản hồi tích cực từ phía nhà trường, phụ huynh và các em học sinh.

Hà Nội là một trong những tỉnh thành đầu tiên được ban dự án chọn triển khai thí điểm từ năm 2015.

Các đại biểu tham dự buổi tổng kết. Ảnh: LC

Các đại biểu tham dự buổi tổng kết. Ảnh: LC

Tháng 4/2017, dự án chính thức triển khai cho các trường tiểu học tổ chức bán trú trên toàn thành phố. Trong quá trình triển khai, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã phối hợp cùng Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy nhà trường áp dụng những nội dung của Dự án như: Tập huấn trực tiếp cho các phòng Giáo dục và Đào tạo, Hướng dẫn trực tiếp tại trường, Hỗ trợ trao đổi thông tin dự án đến phụ huynh học sinh và Tư vấn hướng dẫn sử dụng cũng như chia sẻ thêm thông tin về dự án, thực đơn qua điện thoại.

Tính đến tháng 08/2020, dự án đã cử chuyên viên đến tập huấn trực tiếp cho 261 trường tiểu học bán trú tại Hà Nội.

Những nội dung của dự án được nhiều trường tiểu học và phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, giảm bớt những khó khăn cho cán bộ bán trú trong quá trình xây dựng thực đơn, góp phần cải thiện tình trạng dưỡng và nâng cao kiến thức cho học sinh.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thầy Phạm Xuân Tiến phát biểu, chỉ đạo tại Hội Nghị. Ảnh: LC

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thầy Phạm Xuân Tiến phát biểu, chỉ đạo tại Hội Nghị. Ảnh: LC

Theo chia sẻ của trường tiểu Đông Hòa B (Bình Dương), để áp dụng thành công dự án, việc xây dựng lộ trình triển khai phù hợp đóng vai trò quan trọng. Tùy theo điều kiện của từng trường, mỗi trường tiều học nên có kế hoạch riêng, bắt đầu áp dụng dần dần thực đơn dự án từ một ngày/ tuần và hoàn thiện với năm ngày/ tuần.

Không chỉ giúp các em làm quen với các món ăn mới, lộ trình áp dụng cũng giúp cho bộ phận phụ trách công tác bán trú sắp xếp và điều chỉnh công việc. Trong quá trình triển khai, Ban Giám hiệu nhà trường cần theo sát việc thực hiện, tiếp thu ý kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để tối ưu hóa những lợi ích mà Dự án mang lại.

Song song với Phần mềm, hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho các em học sinh thông qua áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” cần được chú trọng.

Các đại biểu được tìm hiểu quy trình, cơ chế của phần mềm bữa ăn học đường do Ajnomoto triển khai. Ảnh: LC

Các đại biểu được tìm hiểu quy trình, cơ chế của phần mềm bữa ăn học đường do Ajnomoto triển khai. Ảnh: LC

Những thông tin dinh dưỡng trên áp phích được minh họa cụ thể bằng hình ảnh giúp các em ghi nhớ giá trị dinh dưỡng và lợi ích của thực phẩm, từ đó xây dựng thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh.

Từ kinh nghiệm được chia sẻ tại hội nghị, khó khăn của các trường chưa áp dụng thành công những nội dung của dự án đã phần nào được giải quyết.

Với những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại, ban dự án hy vọng trong thời gian tới “Bữa ăn học đường” sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trên toàn quốc, góp phần cải thiện và nâng cao tầm vóc cho thế hệ tương lai Việt Nam.

Được biết, ban Dự án đã và đang mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng lợi ích mà dự án mang lại.

Dự án đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo để giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng dành cho bác sĩ, cán bộ y tế phụ trách về dinh dưỡng tại các bệnh viện, cơ quan chăm sóc về dinh dưỡng, sức khỏe cũng như giảng viên, sinh viên tại các trường đại học/ cao đẳng đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng trên toàn quốc.

Đây được xem là nguồn thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình công tác, giảng dạy và thực hành về dinh dưỡng tại các tổ chức.

Lại Cường