Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã có kết luận vụ việc 29 học sinh Trường tiểu học Nhã Lộng (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) nhập viện điều trị các triệu chứng đau bụng, buồn nôn sau khi uống sữa Famikid ngày 15/3 vừa qua.
Theo kết luận, hiện tượng nêu trên liên quan vấn đề không dung nạp sữa xảy ra ở một số trường hợp, dẫn đến kích thích dạ dày - ruột, không phải do ngộ độc thực phẩm.
29 học sinh của Trường Tiểu học Nhã Lộng (Thái Nguyên) với triệu chứng ngộ độc, nghi là do sữa Fami Kid, đã được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Trở lại sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Nhã Lộng, giáo viên của trường đã phát sữa vào khoảng 9h30 phút ngày 15/3/2019 (nghỉ giữa giờ) cho toàn thể học sinh của trường uống.
Đến 10h cùng ngày, 23 học sinh có biểu hiện đau bụng, hoa mắt, đau đầu, nôn và có 4 cháu bị tiêu chảy, các cháu đã được đưa đến Trạm Y tế xã Nhã Lộng, rồi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình để cấp cứu.
Đến 20h cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình tiếp nhận thêm 6 cháu học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng cấp cứu với cùng triệu chứng đau bụng, buồn nôn, thời gian các em xuất hiện triệu chứng này là 10h sáng cùng ngày.
Bệnh án của học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng (Thái Nguyên) khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Bình. Ảnh: Tùng Dương. |
Vấn đề được đặt ra ở đây là: Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên căn cứ vào đâu mà kết luận các cháu bị kích thích dạ dày - ruột?
Thứ nhất: Cô Ngô Thị Hồng Luyến - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Nhã Lộng trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: Đây là buổi thứ 2 các cháu được uống loại sữa Fami Kid này, hôm trước các cháu đó cũng uống nhưng không thấy bị làm sao.
Vậy nếu là kích thích dạ dày - ruột với sữa thì tại sao trong lần uống sữa đầu tiên không bị, mà xảy ra vào lần thứ 2 (ngày 15/3)?
Thứ hai: Bản thân các cháu thường xuyên được gia đình cho uống sữa từ rất lâu, (tức là khi uống sữa vào ngày 15/3 không phải lần đầu tiên), vì vậy giải thích theo hướng các cháu không quen uống sữa dẫn đến cơ thể không dung nạp liệu có thuyết phục?
Có hay không việc thiếu trách nhiệm khi lấy mẫu xét nghiệm sữa Fami Kid? |
Thứ ba: Các cháu đều là những trẻ phát triển bình thường, cân nặng và chiều cao đều đạt chuẩn, cơ thể không khiếm khuyết, không có bệnh về đường tiêu hóa nên không thể nói là các cháu không hấp thụ và dung nạp được sữa.
Cụ thể trong trường hợp này các cháu đã phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện nôn ói, đi ngoài nhiều lần... bệnh viện đã điều trị theo phác đồ "ngộ độc thực phẩm".
Thứ tư: Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã làm các xét nghiệm về hệ tiêu hóa, cũng như xét nghiệm tìm các tác nhân gây dị ứng, kích ứng của những cháu bị ngộ độc chưa? Nếu chưa thì làm sao có đủ căn cứ khoa học để nói các cháu bị kích thích dạ dày - ruột?
Thứ năm: Nếu căn cứ vào kết quả xét nghiệm mà Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia trả lời, thì trong đó chỉ có các tiêu chuẩn dinh dưỡng đạt với tiêu chuẩn quốc gia, chứ không hề có câu từ nào nói đến việc các cháu bị kích thích dạ dày - ruột với sữa?
Thứ sáu: Trong mẫu sữa mà Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Thái Nguyên gửi đi xét nghiệm, không hề có mẫu sữa các cháu đang uống dở phải dừng lại vì đau bụng (nhập viện); không có mẫu bệnh phẩm (nôn, phân) của các cháu bị ngộ độc... Vì vậy không bao giờ có kết quả chính xác về nguyên nhân gây ngộ độc.
Sữa Fami Kid vị Sô cô la nghi là thủ phạm gây ra ngộ độc được niêm phong tại Trường Tiểu học Nhã Lộng. Ảnh: Tùng Dương. |
Với một loạt những câu hỏi được nêu ra ở trên cho thấy kết luận của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên về sự việc 29 cháu học sinh bị đau bụng, nôn, đi ngoài, đau đầu... là do kích thích dạ dày- ruột, chứ không phải bị ngộ độc thực phẩm là vô căn cứ, không có tính khoa học.
Đây là sự lập lờ, đánh tráo khái niệm giữa việc bị ngộ độc sữa chuyển sang bị kích thích ruột! Kết luận này nhằm bao che, trốn tránh trách nhiệm, mà cụ thể ở đây là Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo đưa loại sữa này vào thử nghiệm chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai).
Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo đưa loại sữa đậu nành Fami Kid vị sô cô la này vào chương trình Sữa học đường là sai về chủng loại sữa và sai với Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Bản kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia không hề có từ nào nói đến kích ứng ruột? Ảnh: Tùng Dương. |
Báo Công an Nhân dân có đăng tải ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh - Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam thì bất dung nạp sữa là hiện tượng không hiếm gặp ở trẻ nhỏ từ, độ tuổi 0 - 12 tháng do các nguyên nhân hệ miễn dịch và tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh như người trưởng thành, trong đó dị ứng đạm sữa thường gặp nhất ở trẻ nhỏ.
Biện tượng bất dung nạp sữa, hay còn gọi là tình trạng trẻ có những phản ứng bất lợi với các thành phần dưỡng chất của sữa, bao gồm không hấp thu hết đường lactose và dị ứng đạm (protein) sữa.
Trẻ bị bất dung nạp đường lactose vì thiếu hụt men lactase ở bờ bàn chải ruột, do nguyên nhân bẩm sinh và thường xảy ra khi uống sữa bò. Theo các nghiên cứu thì hầu hết tình trạng bất dung nạp sữa sẽ hết khi trẻ ngoài 3 tuổi.
Để xác định tình trẻ em có bị tình trạng bất dung nạp đường lactose và dị ứng đạm sữa hay không, thì cần phải thực hiện một số phương pháp như test tẩy da, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân… Đây là những phương pháp bắt buộc.(1)
Tài liệu tham khảo:
(1) http://cand.com.vn/Xa-hoi/Can-trong-voi-benh-bat-dung-nap-sua-o-tre-149584/