Liên quan đến vụ rơi thép đè chết người đi đường vào sáng ngày 6/11 tại dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ Giao thông vận tải vừa tiết lộ một thông tin chấn động: Chuyện này đã được cảnh báo từ trước.
Cụ thể, cách đây hơn nửa tháng, đoàn công tác thuộc Bộ GTVT đã cảnh báo và yêu cầu Ban QLDA Đường sắt chỉ đạo các nhà thầu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn ở công trình kể trên như rà soát quy trình, tăng cường biển báo, ghi số điện thoại của người phụ trách công trường lên các biển cảnh báo.
Văn bản chỉ đạo ký ngày 16/10 của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) nêu rõ, tại các vị trí thi công trên cao, yêu cầu Ban QLDA Đường sắt chỉ đạo các nhà thầu phải có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện giao thông bên dưới. Đồng thời phải bố trí lực lượng phân luồng giao thông theo quy định.
Rơi thép đè chết người đi đường vào sáng ngày 6/11 tại dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông |
Thế nhưng, nửa tháng sau, vụ tai nạn thương tâm trên xảy ra.
“Không đỡ được!”
Bình luận về việc này, Nhà giáo nhân dân, GS. TS Nguyễn Viết Trung, giảng viên của trường Đại học Giao thông vận tải, người từng giảng dạy các môn học trong chương trình đào tạo Tư vấn giám sát, Quản lý dự án, Kỹ sư định giá, Nghiệp vụ đấu thầu, Chỉ huy trưởng công trường cho rằng, cơ quan điều tra phải xem xét xem đơn vị thi công có vi phạm tiêu chuẩn thi công cầu, tiêu chuẩn an toàn thi công cầu, hay các tiêu chuẩn về an toàn trong xây dựng khác do Bộ Xây dựng ban hành hay không để xử lý nghiêm.
Trong khi đó, Thạc sỹ Vũ Đình Hiền – Giảng viên môn đường bộ (Đại học Giao thông vận tải Hà Nội) nêu quan điểm, để nghìn tấn sắt treo lơ lửng trên đầu người đi đường như thế không bao giờ đảm bảo về mặt an toàn được.
Hơn nữa, dùng mấy tấm lưới mỏng như vậy đỡ làm sao được cả nghìn tấn sắt? Những tấm lưới đó chỉ có tác dụng che chắn sao cho vữa, xi măng hay mấy thứ vụn vặt trong quá trình thi công không bị rơi vãi ra đường, dội lên đầu người tham gia giao thông thôi.
“Thông thường, khi có vật nặng treo trên cao bao giờ người ta cũng cấm người di chuyển phía dưới. Còn khi cần trục quay, để đảm bảo an toàn, khu vực thuộc phạm vi cần cẩu di chuyển phải trống không. Không ai lại để nghìn tấn sắt treo lơ lửng trên đầu người đi đường như thế cả bởi không gì có thể chống đỡ một khi sắt, thép bị rơi xuống”, ông Hiền nhấn mạnh.
Trước cảnh hàng nghìn tấn sắt treo lơ lửng trên đầu người đi đường chỉ được che chắn bởi những tấm lưới mỏng manh, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam khẳng định: “Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) tổ chức cho chúng tôi tham quan xem công trường được tổ chức như thế nào. Sau đó, chúng tôi sẽ có ý kiến chính thức về việc này”.
Tới đây, nhà thầu nên làm gì?
Để những sự cố thương tâm như trên không tái diễn, Thạc sỹ Vũ Đình Hiền đề xuất, tới đây các nhà thầu, đơn vị thi công trực tiếp nên chú ý 2 điều sau.
Thứ nhất, đơn vị thi công khi lắp cẩu tháp phải chọn vị trí đặt cẩu tháp sao cho trên đường nó quay để đưa vật liệu vào đúng vị trí phù hợp không gây nguy hiểm cho người khác.
Khi thi công, dứt khoát họ phải dùng các phương tiện như cẩu tháp để đưa vật liệu xây dựng lên. Trong khi đó, các vật liệu thường rất nặng. Nếu diện tích rộng, người ta có thể quây kín khu vực đang thi công, nhưng nếu trong điều kiện vừa làm vừa đảm bảo giao thông, không thể ngăn đường ở tuyến đó được thì đơn vị thi công phải chọn phương án 2: tính toán thời điểm thi công.
Họ nên chọn thời điểm thi công ít hoặc không có người qua lại để tránh gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Tốt nhất họ nên thi công vào ban đêm từ khoảng 9 giờ tối tới 4 – 5 giờ sáng ngày hôm sau vì lúc đó lượng người đi lại ít.
Về hướng xử lý với những đơn vị, cá nhân liên quan tới vụ tai nạn thương tâm ngày 6/11 vừa qua, ông Hiền cho rằng, quy định về an toàn lao động đã nêu rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, đơn vị giám sát…khi để xảy ra sự cố. Chúng ta cứ dựa vào đó mà xử lý.