Tên lửa Iskander, một phương tiện đảm bảo hòa bình chủ động

14/06/2014 06:54
Trần Nghĩa Sơn
(GDVN) - Trước sự đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc, Việt Nam cần đề cao cảnh giác, chuyển sang chiến lược “hòa bình chủ động”, có khả năng răn đe thế lực hiếu chiến

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" ngày 10 tháng 6 đăng bài viết nhan đề "Chuyên gia: Trỗi dậy hòa bình không mâu thuẫn với sử dụng vũ lực, bảo vệ chủ quyền có thể nổ súng" của tác giả Trương Kiến Cương, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chiến lược chính trị biển, Đại học Hải dương Quảng Đông.

Đề cao cảnh giác

Có ý kiến cho rằng Thời báo Hoàn Cầu không nhất thiết là quan điểm chính sách của chính phủ Trung Quốc. Nhưng chúng ta đừng quên rằng tờ báo này được quản lý bởi Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Vì vậy, có thể xem đây là một động thái đe dọa sử dụng vũ lực mà Việt Nam cần lưu ý. Đề cao cảnh giác là điều không bao giờ thừa, nhất là đối với Trung Quốc. 

Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc.
Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc.

Ba mươi lăm năm trước, Bắc Kinh đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc nước ta (tháng 2/1979). Việt Nam đã có phần bị bất ngờ vì không nghĩ một nước cùng hệ thống chính trị lại tấn công xâm lược mình. 

Năm 1988, Trung Quốc lại bất ngờ chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nhiều cán bộ chiến sĩ của ta đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chúng ta chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng hòa bình không phải cầu xin mà có được. Vì vậy, ngoài tinh thần đề cao cảnh giác, ta phải có chiến lược, đối sách phù hợp chuẩn bị cho những khả năng, tình huống xấu nhất.

Nói cách khác, ta phải kiến tạo một nền “hòa bình chủ động” chứ không nên để đất nước ở vào tình trạng “hòa bình bị động”, hay như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “hòa bình lệ thuộc”.

Nâng cao khả năng phòng thủ chủ động

Muốn có “hòa bình chủ động” Việt Nam cần thiết lập một hệ thống “phòng thủ chủ động”. Thời gian đã cho thấy rõ: với người láng giềng hung hăng ở phương Bắc, chúng ta không nên ảo tưởng một vài phương châm hợp tác bằng lời là một đảm bảo cho hòa bình. Muốn có hòa bình chúng ta phải chuẩn bị tốt cho tình huống xãy ra chiến tranh.

“Phòng thủ chủ động” có hai mức: Chiến lược và chiến thuật. 

Ở mức chiến lược, ta phải điều chỉnh tư duy về kẻ địch tiềm tàng. Không nên để xảy ra tình trạng “tự trói mình” trong những sách lược đã không còn phù hợp. Cũng không sống trong ảo tưởng “chiến tranh nhân dân vạn năng”, cho rằng chỉ cần con người dũng cảm còn vũ khí không quan trọng.

Ở mức chiến thuật, ta cần xây dựng một hệ thống phòng thủ có khả năng tác chiến “phi đối xứng” để chống lại đối phương mạnh hơn. 

Quan sát những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư tương đối mạnh tay để phát triển không quân và hải quân. Nhưng lục quân thì vẫn còn trong tình trạng khá lạc hậu. 

Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc có thể phát động một cuộc xung đột giới hạn quy mô, trong thời gian ngắn, mà quan điểm của Trương Kiến Cương vừa đề cập ở trên là một ví dụ. Trong tình huống đó, Việt Nam sẽ đối phó thế nào?

Việt Nam có thể dùng không quân, tàu chiến, tàu ngầm để bảo vệ các vị trí quân sự của mình trên Biển Đông khi không quân, hải quân đối phương tấn công. Nhưng nếu đối phương tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo tầm xa thì ta đối phó thế nào?

Thật ra, Việt Nam cũng là quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo. Nhưng các tên lửa đạn đạo Scud của ta đã quá lạc hậu, hiệu quả chiến đấu thật sự không cao. Thực tế trong các cuộc chiến Iraq và Libya đã cho thấy tên lửa Scud có hiệu quả rất kém. Vì vậy, để giải quyết bài toán này, Việt Nam nên sớm đàm phán mua loại tên lửa Iskander của Nga.

Tại sao Việt Nam nên trang bị tên lửa Iskander?

Iskander còn gọi Alexandre (tiếng Nga: Искандер) là tổ hợp tên lửa đường đạn chiến dịch chiến thuật do Nga chế tạo. Đây là loại đạn tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar bị mất khả năng phản hồi. Iskander còn được trang bị một hệ thống điều khiển thông minh cho phép đạn bay lượn linh hoạt. Iskander có độ chính xác cao. Nó có thể mang đầu đạn hạn nhân hoặc đầu đạn thường. Iskander có 2 phiển bản: Iskender-E cho xuất khẩu và Iskander-M dùng cho quân đội Nga.

Các thành phần của hệ thống tên lửa Iskander.
Các thành phần của hệ thống tên lửa Iskander.


Tổ hợp tên lửa chiến trường Iskander-E được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu trú đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm trong suốt chiều sâu chiến dịch và mọi điều kiện khí hậu thời tiết. Đồng thời, duy trì khả năng chiến đấu trước các loại vũ khí chế áp thông thường, vũ khí chính xác cao, vũ khí xạ-sinh-hoá, vũ khí phòng chống tên lửa và tác chiến điện tử của đối phương.

Các thông số của hệ thống tên lửa Iskander-E:

- Tầm bắn: Tối đa 280 km - Tối thiểu: 50 km. 

- Bán kính vòng đồng xác suất trúng đích:  Tự dẫn quán tính: 30-70m - Kèm với đầu dò quang học: 5-7m. 

- Trọng lượng đạn tên lửa chờ phóng: 3.800 kg.

- Trọng lượng đầu nổ: 480kg. 

- Số tên lửa trên mỗi xe phóng: 2 quả.

- Khung gầm: xe việt dã bánh hơi.

- Thời gian triển khai: - Từ vị trí bắn: 4 phút - Từ sau chặng hành quân: 16 phút.

- Dải nhiệt độ hoạt động: ±50 0C.

- Giá bán ước tính: - Tổ hợp hoàn chỉnh: 30 triệu USD. (Giá khá mềm! Tiền mua một chiếc tàu ngầm Kilo là 300 triệu USD, đủ mua 10 tổ hợp Iskander)

Link video về Iskander.

Sức mạnh của Iskander không chỉ tồn tại trên giấy mà đã được chứng minh trong thực chiến. Trong chiến tranh Nam Ossetia năm 2008, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori phá hủy 28 xe tăng.

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nếu tên lửa Iskander-E được Quân đội Việt Nam trang bị, tầm bắn của tên lửa này sẽ có phạm vi bao phủ Nam Ninh và Quảng Tây cùng một số khu vực khác của Trung Quốc.

Tên lửa Iskander khai hỏa (Nguồn: nguoiduatin.vn)
Tên lửa Iskander khai hỏa (Nguồn: nguoiduatin.vn)

Nỗi khiếp đảm với Bắc Kinh

Theo trang điện tử Người đưa tin, sức mạnh của tên lửa Iskander không chỉ khiến Trung Quốc lạnh gáy mà còn khiến NATO phải chùn bước trong kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Ba Lan. Sau khi Nga tuyên bố sẽ triển khai tên lửa Iskander đến Kiliningrad để hóa giải mối đe dọa từ lá chắn tên lửa mà Mỹ triển khai ở Ba Lan và Cộng hòa Sec. Không lâu sau đó, chính quyền Tổng thống Obama cũng tuyên bố hủy bỏ kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa tại đây.

Đến NATO còn lạnh gáy với Iskander nói gì đến Trung Quốc, trong kho vũ khí Trung Quốc chẳng có loại nào có thể hóa giải Iskander.

Với NATO họ còn có PAC-3 MSE hoặc THAAD để đối phó với Iskander còn Trung Quốc chẳng có gì. Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 do Trung Quốc sao chép từ S-300 của Nga là một ẩn số quá lớn về tính năng chiến đấu. S-300PMU1/2 của Nga là một hệ thống vũ khí mạnh nhưng chắc chắn các nhà thiết kế Nga đã tính đến khả năng hóa giải mối đe dọa từ chính vũ khí này khi chúng nằm trong tay Trung Quốc.

Mặc dù, biến thể xuất khẩu Iskander-E không mạnh bằng vũ khí nguyên bản của Nga nhưng nó cũng đủ để làm thay đổi cán cân quân sự nơi nó xuất hiện. 

Trần Nghĩa Sơn