“Đẻ” thêm khoản thu
Trong đơn tố cáo gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh có con em theo học tại trường mầm non Phú Sơn (TP. Thanh Hóa) cho biết, lãnh đạo nhà trường tự ý “đẻ” ra nhiều khoản thu bất hợp lý, gây bức xúc trong dư luận.
Các tài liệu đã được kiểm chứng cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2014-5/2015, lãnh đạo trường mầm non Phú Sơn đã tự ý đặt ra các khoản thu trái quy định của Nhà nước, thu sai của phụ huynh trên 100 triệu đồng.
Cụ thể, năm học 2014-2015 nhà trường tự ý thu tiền rửa bát 15.000 đồng/cháu/tháng. Tổng số thu toàn trường khoảng 50 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Hướng dẫn số 01/HDLN-GD&ĐT-TCKH ngày 16/9/2013 về thực hiện các khoản thu phục vụ bán trú tại các trường học thuộc thành phố Thanh Hóa quy định rõ: Các trường trung tâm thành phố, tiền phục vụ bán trú (có ăn sáng) thu không quá 180.000 đồng/HS/tháng.
Tiền phục vụ bán trú bao gồm các khoản như tiền điện, nước, công phục vụ… trong đó, đương nhiên có cả công “rửa bát”.
Như vậy, mặc dù đã thu tiền phụ phí bán trú (175.000 đồng/HS/tháng) theo hướng dẫn trên, lãnh đạo nhà trường vẫn “đẻ” thêm khoản tiền rửa bát để thu của phụ huynh.
Trường Mầm non Phú Sơn (ảnh: ĐỨC THIỆN) |
Thu vượt
Trong tháng 5/2015, trường chỉ tổ chức cho các cháu học 1/2 tháng, nhưng vẫn thu cả tháng với tổng số thu hơn 72 triệu đồng.
Đối với khoản thu học thêm thứ 7 (năm học 2014-2015), theo quy định tại Văn bản 4267/2011/QĐ-UBND Thanh Hóa, ngày 20/12/2011, các cháu học thêm thứ 7 phải đóng 120.000 đồng/cháu/tháng.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường đã tự ý nâng mức thu lên 170.000 đồng/cháu/tháng.
Với khoản thu này, mỗi phụ huynh đã phải đóng thêm số tiền 50.000 đồng/tháng. Tổng số tiền lạm thu này khoảng 50 triệu đồng.
“Ỉm” tiền trợ cấp hộ nghèo?
Mặc dù chuẩn bị bức vào năm học mới (2015-2016), nhưng một số gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có con em theo học tại trường vẫn chưa nhận được tiền miễn, giảm học phí và ăn trưa do Nhà nước hỗ trợ từ năm học 2014-2015.
Bức xúc trước việc làm trên, chị Tô Thị Chức cho biết: "Tôi thắc mắc, tại sao cháu đi học 9 tháng, tiền ăn trưa phải là 1.080.000 đồng, tiền miễn, giảm học phí 810.000 đồng, tính đủ phải là 1.890.000 đồng, sao chỉ được nhận 780.000 đồng?, nhưng họ không trả lời.
Năm nay đòi mãi không được, họ bảo đang chờ rút kho bạc mới trả được”, bà Chức cho biết.
Bà Tô Thị Chức trao đổi với phóng viên (ảnh: Đức Thiện) |
Được biết, ngày 22/5/2015, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa đã thông báo chi trả khoản tiền hỗ trợ này cho các hộ nghèo và cận nghèo.
Tuy nhiên không hiểu vì sao trường Mầm non Phú Sơn dây dưa kéo dài việc chi trả này?
Thu sai nhưng... có thể "thông cảm"
Hôm 10/8, trao đổi với phóng viên, cô Lê Thị Thanh Huyền-Hiệu trưởng trường Mầm non Phú Sơn khẳng định, lãnh đạo nhà trường “không có vấn đề gì khuất tất về mặt tài chính” khi thực hiện thu chi.
Lý giải việc nhà trường tự ý thu tiền rửa bát 15.000 đồng/cháu/tháng, cô Huyền cho rằng, đây là do phụ huynh tự đề xuất, nhà trường không ép buộc.
“Phụ huynh muốn giáo viên có thời gian chăm sóc trẻ, nên tự nguyện đóng thêm tiền (tiền rửa bát) hỗ trợ nhà trường. Chúng tôi không tự ý đặt ra các khoản thu như vậy”, cô Huyền cho biết.
Về các khoản tiền thu vượt theo quy định, Hiệu trưởng trường Mầm non Phú Sơn thừa nhận trách nhiệm có liên quan: "Số tiền đang được lưu trữ tại kho bạc. Nhà trường sẽ trả lại số tiền thừa vào đầu năm học mới", Cô Huyền cho biết.
Liên quan tới việc chi trả các khoản tiền hỗ trợ gia đình hộ nghèo, lãnh đạo trường Mầm non Phú Sơn thừa nhận có sự chậm trễ.
“Do kế toán có chuyện gia đình, nên số tiền hỗ trợ chưa được chi trả đúng theo thời gian quy định. Chúng tôi đã đề nghị kế toán viết kiểm điểm về sự chậm trễ này. Số tiền trên sẽ được thanh toán cho phụ huynh trong thời gian sớm nhất”, cô Huyền cho biết.
Cũng với những nội dung trên, bà Mạc Thị Ngọc, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cho biết, việc thu tiền của trường (như phóng viên nêu) là hoàn toàn trái quy định.
Tuy nhiên, theo bà Ngọc, nếu như hành vi thu tiền trái phép này là thể theo nguyện vọng, đề nghị của phụ huynh thì có thể “thông cảm”.