Trước những phản ánh của người dân về việc thu phí mặt bằng kinh doanh có nhiều bất cập, lãnh đạo UBND xã lại cho rằng dân góp tiền lại để “thuê” báo chí viết bài làm xấu địa phương(!?). Chuyện thật mà như đùa này đang diễn ra tại một Khu du lịch ở Thừa Thiên Huế.
“Xã chỉ có việc thu tiền rồi... hết trách nhiệm”!
Câu chuyện kể trên đang diễn ra tại Khu nghỉ mát (KNM) Suối Voi, thuộc xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế). Theo đó, thời gian vừa qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều hộ kinh doanh, buôn bán tại KNM Suối Voi về việc UBND xã tăng phí thuê mặt bằng quá cao và có những dấu hiệu bất cập trong thu chi khiến nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh khó khăn.
Gắn bó với công việc bán thức ăn, nước uống tại Suối Voi từ khi KNM này được ra đời. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, những hộ kinh doanh ở đây vẫn kiên trì bám trụ và luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế cho UBND xã Lộc Tiến.
Nhờ vào chất lượng dịch vụ của những hộ kinh doanh tại đây mà KNM Suối Voi dần được nhiều người biết đến và là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ lúc du khách bắt đầu nhiều lên, UBND xã Lộc Tiến đã có chủ trương thu thuế, chi phí mặt bằng, môn bài,.. Những khoản này, các hộ kinh doanh đều đồng ý và thực hiện đầy đủ.
Tuy nhiên từ đó cho đến nay, những khoản phí này cứ tăng lên một cách chóng mặt khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc và đặt ra những câu hỏi nghi ngờ.
Khu nghỉ mát Suối Voi nằm trên địa bàn xã Lộc Tiến, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Ảnh: B.Sương |
Các hộ kinh doanh này phản ánh, xã có những quy định thu phí kỳ quặc. Theo đó những hộ nào đóng sớm (trước ngày 15/4) sẽ được xã giảm 4 triệu đồng, còn nếu nộp muộn sau 15/4 thì phải giữ nguyên mức ban đầu (?!).
Một hộ kinh doanh (xin giấu tên) cho biết: “Năm ngoái tôi đóng 8,5 triệu tiền mặt bằng, năm nay xã tăng lên 17 triệu. Tăng gấp đôi như thế, không bức xúc, không ý kiến sao được?”.
Được biết, tính đến năm 2016, UBND xã Lộc Tiến đã đề ra 3 loại giá trị phí thuê mặt bằng kinh doanh, mở sạp quán ở KNM Suối Voi là 22 triệu, 19 triệu và 17 triệu. Trong khi năm ngoái (2015), các hộ kinh doanh cho hay, mức thu trên chỉ là 2/3, thậm chỉ là một nửa.
Mặc dù phải đóng phí thuê mặt bằng với giá “cắt cổ” như vậy, nhưng theo nhiều hộ kinh doanh việc san lấp mặt bằng và dựng quán họ đều phải tự bỏ thêm tiền túi ra làm, UBND xã chỉ có việc thu tiền rồi.... “hết trách nhiệm”.
Một điều kỳ lạ nữa là trên các phiếu thu phí mặt bằng chỉ có chữ ký của người lập, người đóng phí, còn lại các mục “Thủ trưởng đơn vị’ thậm chí “Thủ quỷ” đều bỏ trống. Điều này khiến nhiều người dân không khỏi băn khoăn, nghi ngờ về tính minh bạch.
Dân góp tiền “thuê” báo chí vào cuộc?
Để tìm hiểu rõ sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, ông Vương Đình Cẩm và ông Cẩm cho biết hiện tại xã có gần 25 hộ kinh doanh, mở quán hàng tại KNM Suối Voi và chủ trương thu lệ phí mặt bằng của xã là dựa trên chỉ tiêu ngân sách của huyện và sự thống nhất đồng ý của các hộ kinh doanh.
Ông Cẩm cũng thừa nhận phía xã chỉ thu phí, còn việc san mặt bằng và xây dựng đều do người dân tự bỏ kinh phí ra làm. Hàng năm phí thu mặt bằng của xã cũng chỉ tăng khoảng 20% (!?).
Phiếu thu mặt bằng của UBND xã Lộc Tiến với nhiều điểm mập mờ gây sự nghi ngờ cho người dân. |
Ông Vương Đình Cẩm cũng thừa nhận các mặt bằng tại KNM Suối Voi không trải qua quy trình tổ chức đấu công khai mà chỉ họp dân để thống nhất.
Khi phóng viên đề cập đến việc muốn được tiếp cận các khoản chi tiêu từ nguồn thu nói trên, ông Cẩm hẹn đến buổi chiều sẽ cho bộ phận kế toán cung cấp.
Tuy nhiên đến buổi chiều, tại trụ sở phòng, ông Cẩm khóa cửa. Qua điện thoại, ông Cẩm cho hay bộ phận kế toán chưa thể cung cấp và tiếp tục hẹn sang hôm khác.
Trái với những ý kiến mà vị chủ tịch xã Lộc Tiến đưa ra, ông Hoàng Văn Đề - Trưởng phòng tài chính huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) cho hay, tiền xã thu đó không gọi là phí thu mặt bằng mà đó là tiền thu phí và lệ phí hay còn gọi là thu hoa lợi công sản (có nghĩa là xã cho dân khai thác và thu tiền trên các bãi cát sạn, điểm du lịch, bãi biễn,... của xã).
Theo ông Hoàng Văn Đề, nhà nước có quy định mỗi năm sẽ tăng 10% cho mức phí nói trên. Từ ngân sách tỉnh phân về huyện, huyện phân về xã, có xã tăng 15%, có xã tăng 20% nhưng hầu hết huyện giao cho xã tăng chưa đến 20%.
Năm 2016 huyện giao cho xã Lộc Tiến thu hoa lợi công sản gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên tại buổi họp mới đây và tờ trình mà xã này lập thì số tiền thu hoa lợi cộng sản ở KNM Suối Voi lên đến con số 435 triệu đồng(!?).
Trước mức thu gần 100% của xã Lộc Tiến, ông Đề cho biết: “Tôi nghĩ không bao giờ có mức thu cao như thế. Trước đây, họ thu một hộ từ 1 đến 2 triệu đồng thôi”.
Ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến làm việc với phóng viên. Ảnh: B.Sương |
Trao đổi thêm với phóng viên về vấn đề trên các phiếu thu yêu cầu phải có chữ ký, tên: thủ trưởng đơn vị, kế toán, thủ quỹ nhưng hầu hết đều bỏ trống khiến người dân cho rằng có sự mập mờ, không minh bạch. Ông Đề cho rằng, theo quy định cần phải có đầy đủ chữ ký của Thủ trưởng đơn vị.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp dân gần đây liên quan đến việc người dân phản ánh phí thu mặt bằng kinh doanh tại KNM Suối Voi cao “cắt cổ”. Phó chủ tịch UBND Xã Lộc Tiến – Ông Phan Văn Cường cho rằng có một số hộ dân đã góp tiền lại để thuê báo chí viết bài “lang thang lạc địa”, việc làm này chỉ làm bôi xấu địa phương.
Nhưng ngay sau đó ông Phương cũng thừa nhận: “Chẳng qua về đặc thù chúng tôi có sai sót một tí bên chứng từ chứ thêm mấy chữ ký là đơn giản thôi, có gì mà phải đưa lên nhà báo?”.
Cũng theo vị này: “Việc kêu nhiều người tới ký cũng chỉ sợ phiền phức cho bà con thôi, kế toán thì tự kí rồi tự thu cũng được(!?)”.