Thời buổi này mà tại chức bằng chính quy, lẽ đâu vàng trộn...cám

26/11/2018 07:09
Thanh An
(GDVN) - Việc Quốc hội vừa đồng ý việc không phân biệt bằng cấp chính quy và tại chức e rằng thời gian tới sẽ có nhiều người hệ không chính quy được tuyển dụng...

LTS: Việc không phân biệt bằng cấp chính quy và tại chức có những ưu điểm, tuy nhiên, thầy giáo Thanh An cho rằng việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Từ lâu, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh khi tuyển dụng nhân sự thì họ coi trọng thực tế năng lực của người họ tuyển hơn là bằng cấp.

Tuy nhiên, nhiều cơ quan nhà nước khi tuyển công viên chức vẫn xem bằng cấp là tiêu chí đầu tiên để tuyển dụng.

Vì thế, việc Quốc hội vừa đồng ý việc không phân biệt bằng cấp chính quy và tại chức e rằng thời gian tới sẽ có nhiều người hệ không chính quy được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý…

Thực tế, vẫn có những người được đào tạo hệ không chính quy nhưng họ lại rất giỏi bởi do những nguyên nhân khách quan khác nhau mà trước đây họ không có điều kiện học tập.

Nhất là giai đoạn trước đây, khi mà đất nước còn khó khăn, nhiều người phải lựa chọn con đường mưu sinh hoặc phải chọn học hệ trung cấp hoặc cao đẳng, sau đó khi có điều kiện họ mới học liên thông lên đại học hoặc học hệ tại chức.

Quốc hội vừa đồng ý việc không phân biệt bằng cấp chính quy và tại chức. Ảnh minh hoạ/ http://tnmt.haiduong.gov.vn
Quốc hội vừa đồng ý việc không phân biệt bằng cấp chính quy và tại chức. Ảnh minh hoạ/ http://tnmt.haiduong.gov.vn

Song thực tế số người giỏi của hệ không chính quy rất ít, phần nhiều vẫn là những người thi đại học chính quy không đỗ mới học hệ không chính quy.

Với chiếm 84,12% số phiếu tán thành, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Trong đó, quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do các hình thức đào tạo khác nhau, điều này cũng đồng nghĩa là từ nay bằng hệ đào tạo đại học chính quy cũng có giá trị như bằng tại chức, liên thông, từ xa…

Mặc dù Quốc hội đã thông qua nhưng rõ ràng chúng ta thấy còn nhiều băn khoăn bởi nội dung, hình thức tuyển sinh 2 hệ đào tạo này vẫn hoàn toàn khác nhau rất xa và đang có sự chênh lệch khá lớn.

Thời buổi này mà tại chức bằng chính quy, lẽ đâu vàng trộn...cám ảnh 2Cô Phan Tuyết kể bốn câu chuyện để xóa hệ tại chức

Hiện nay, điều kiện kinh tế phát triển, những chính sách hỗ trợ cho người học có nhiều như cho sinh viên vay vốn ưu đãi trong quá trình học đại học.

Trong quá trình học, những sinh viên có kết quả học tập tốt thì được nhận học bổng. Hoặc việc làm thêm cũng nhiều nên đa phần các em học xong lớp 12 là thi đại học.

Những em có học lực không tốt mới thi vào các hệ không đỗ hệ chính quy như tại chức, từ xa hoặc phải học liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học để hợp thức hóa tấm bằng để xin vào một số cơ quan nhà nước.

Những năm qua, vì nhiều trường đại học được thành lập nên lượng thí sinh thi tuyển đầu vào ít.

Nhiều trường đã thực hiện chính sách lấy hệ không chính quy để nuôi hệ chính quy nên một số trường đại học phải về các địa phương tuyển sinh và đào tạo.

Các trường đại học thường mượn các Trung tâm Giáo dục thường xuyên của các tỉnh để mở lớp và cử giảng viên về dạy.

Lượng học viên theo học rất nhiều, trong đó có lực lượng cán bộ, nhân viên của các ban ngành ở xã, huyện đăng ký nhập học rất đông.

Đa số họ học tập tập trung theo từng thời điểm nhất định trong năm. Có thể là vài tuần liên tục, có thể là các ngày cuối tuần.

Dĩ nhiên, với nguồn tuyển đa dạng như vậy mà học dồn thời khóa biểu thì chất lượng không thể nào bằng hệ chính quy được.

Cũng chính vì thế mà một số cơ quan nhà nước ở các địa phương  thời gian qua khi tuyển dụng thường ưu tiên cho hệ chính quy, có nơi còn thông báo chỉ tuyển hệ chính quy.

Những người không có bằng chính quy thường rất khó khăn trong quá trình xin việc và thăng tiến.

Nhưng, có một điều mà chúng ta dễ nhận thấy là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức vụ ở một số ban ngành trong các cơ quan nhà nước mà không có bằng chính quy lại thường là con em, người thân của một số lãnh đạo của địa phương.

Thời buổi này mà tại chức bằng chính quy, lẽ đâu vàng trộn...cám ảnh 3Sinh viên hệ đào tạo không chính quy lười học, giảng viên lo chất lượng

Không chỉ ở các cơ quan nhà nước mà ngay cả nhân lực cho ngành giáo dục khi học hệ không chính quy cũng vậy.

Trước đây, do còn thiếu nhân lực cho ngành nên chúng ta đã mở nhiều hình thức đào tạo để tuyển sinh vào ngành sư phạm.

Lúc bấy giờ, với chính sách này đã giải quyết được bài toán thiếu giáo viên đứng lớp cho ngành.

Sau đó, nhằm hướng tới nâng cao tay nghề và nghiệp vụ của giáo viên, nhiều năm qua ngành giáo dục tiếp tục mở thêm hệ đào tạo tại chức, từ xa để tiến tới việc đào tạo “chuẩn” cho giáo viên trong tình hình mới.

Việc mở rộng hệ đào tạo tại chức, từ xa đã được các địa phương nhiệt tình ủng hộ và thế là tất cả giáo viên sau vài tuần học trong hè đã nghiễm nhiên trở thành những “cử nhân”.

Vừa được hợp thức hóa tấm bằng, được chuyển ngạch, nâng lương lại vừa không phải lo nằm trong diện bị tinh giản biên chế của ngành.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng người học cao đẳng bao giờ đầu vào cũng thấp hơn đầu vào của đại học, bởi đa số là họ thi trượt đại học rồi mới vào cao đẳng.

Chính từ những bất cập về chất lượng đào tạo nên Bộ Giáo dục đã ban hành Quyết định số 2833/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chấm dứt hệ đào tạo Từ xa đối với ngành sư phạm.

Đây rõ ràng là một quyết định đúng đắn để hướng tới việc tuyển dụng được những người có năng lực cho ngành sư phạm.

Vì thế, việc Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học về việc không phân biệt các văn bằng đào tạo đại học cho thấy tới đây sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khó lường.

Thực tế, những năm qua, việc tuyển dụng công, viên chức nhà nước đã nảy sinh một số tiêu cực ở nhiều địa phương.

Rồi đây, khi không còn phân biệt văn bằng nữa thì quyền lợi tuyển dụng, bổ nhiệm sẽ ra sao?

Bức rào cản đã được phá dỡ rồi thì con đường tiến thân của nhiều người đang sáng sủa hơn bao giờ hết.

Bởi, cứ nhìn vào các phòng ban cấp xã, phường ta cũng thấy dù là nhân viên bình thường nhưng đa số đều có bằng cử nhân Luật hoặc Hành chính.

Thậm chí ở thôn, ấp cũng đã chuẩn bị cho mình bằng cử nhân sẵn rồi.

Thực ra, chuyện bằng cấp bây giờ cũng không quá quan trọng như ngày trước, khi không phân biệt loại hình đào tạo sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng nhưng nếu lãnh đạo không công tâm, đánh giá không khách quan thì biết đâu sẽ là kẽ hở cho nhiều kẻ cơ hội.

Bởi, việc đánh giá công việc nhiều khi lại không nhìn vào hiệu quả công việc mà lại nhìn vào tên tuổi, mối quan hệ của người được đánh giá thì tấm bằng không chính quy mà họ có sẽ là tấm bình phong vững chức cho nhiều người tiến thân.

Thanh An