Ngày 1/1/2016, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài đầu tiên về việc thượng úy Vũ Chí Thức (Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phía Nam) bị nhiều nạn nhân ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tố đòi chi tiền để anh này giúp "chạy" vào nghĩa vụ của ngành công an.
Số tiền mà thượng úy Thức và vợ yêu cầu ông Bùi Xuân Phượng phải nộp là 140 triệu đồng, nếu muốn lo cho cháu mình đi nghĩa vụ, có cơ hội phục vụ lâu dài trong ngành công an.
Thời gian dài trôi qua, tiền giao đủ, nhưng vợ chồng Thức không thực hiện đúng cam kết, mà cũng không trả lại tiền.
Ngay sau khi bài báo đầu tiên đăng tải, nhiều nạn nhân khác cũng ở địa phương này đã lên tiếng, tố vợ chồng ông Thức – bà Ánh nhận tiền, lo cho người thân của họ vào công tác trong ngành, hay tại chính quyền địa phương.
Các việc ‘chạy’ này không thực hiện được, nhưng vợ chồng thượng úy Thức cũng không chịu trả lại tiền cho các nạn nhân.
Một buổi tham gia huấn luyện của chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (ảnh minh họa: VNE) |
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phía Nam (K20) đã liên tục cử nhiều đoàn công tác, về tận nơi cư trú của các nạn nhân để làm việc, thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan.
Những buổi làm việc này cũng được chính quyền địa phương sở tại chứng kiến.
Lộ băng ghi âm một Cảnh sát cơ động nhận "chạy" nghĩa vụ công an |
Tuy nhiên, đã nhiều tháng nay, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã không thể nào liên lạc được với đại diện của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phía Nam, người được cử đứng ra giải quyết vụ việc này.
Máy điện thoại của Thiếu tá Hồ Văn Đức – Cán bộ thuộc Cục Chính trị của K20 phía Nam luôn ở trong tình trạng chuông đổ, nhưng không có ai nghe máy.
Còn chính Thiếu tá Đức cũng đã từng nói với ông Bùi Xuân Phượng rằng, sự việc đã được K20 phía Nam hoàn tất giải quyết, gửi kết quả ra K20 tại Hà Nội để chờ phê duyệt.
Sự việc đã kéo dài 8 tháng, nhưng tiến trình giải quyết vô cùng ‘nhỏ giọt’, khiến cho người dân và bạn đọc quan tâm đến vụ việc này vô cùng thắc mắc, hiện vụ việc này đã được giải quyết tới đâu, khi nào có kết quả được công bố rộng rãi trước dư luận?
Trong khi tiến trình giải quyết vụ việc này thì đang ‘dậm chân tại chỗ’ thì mới đây, vợ chồng thượng úy Vũ Chí Thức lại về địa phương, đưa ra những thông tin, lời nói thất thiệt, không đúng sự thật đối với các nạn nhân, và ngay cả đối với phóng viên phản ánh vụ việc này.
Cụ thể, về địa phương, vợ chồng ông Thức – bà Ánh đã tự nói ra thông tin là sẽ làm cho các nạn nhân đi tố mình phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
Ví dụ: Bà Nhiệm (dì ruột vợ chồng Thức – Ánh) phải đền tiền tỉ danh dự, phải đi cải tạo để bồi thường danh dự cho cả 2 vợ chồng.
Ông Bùi Xuân Phượng có 2 người con đang đi làm thì sẽ làm cho phải đình chỉ công tác, còn bà Tuyên (dù trước đó vợ chồng này đã hứa sẽ trả lai tiền lại) thì vợ chồng Thức – Ánh thích thì trả lại tiền, không thích thì thôi cũng không làm gì được.
Vợ chồng ông bà Thức - Ánh còn nói với bà con nhân dân rằng phóng viên viết bài phản ánh vụ việc phải xin lỗi nhưng họ không chịu, chỉ tạm thời để đó, chờ xử lý sau, về quê xử lý các nạn nhân ở quê trước.
Thế nhưng, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Ánh – vợ thượng úy Thức lại phản bác những gì các nạn nhân nói, và khẳng định rằng “điều đó là vu khống, đặt điều”.
Như vậy, sự việc đã kéo dài quá lâu, để sự thật được sáng tỏ, tránh gây ảnh hưởng không tốt đến các bên liên quan, đặc biệt là uy tín của ngành công an, đề nghị Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động sẽ sớm công bố kết quả giải quyết vụ việc này cho dư luận được rõ.