Buổi làm việc đặt ra những vấn đề lớn cụ thể như sau:
Làm thế nào để cải cách bệnh viện công nhằm cải thiện chất lượng, khả năng chi trả và tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế tại Việt Nam?
Làm thế nào để tăng cường đào tạo y khoa nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc tại Việt Nam và giải pháp đẩy mạnh sử dụng y tế cơ sở tại Việt Nam?
Dự buổi tham vấn, về phía Bộ Y tế có Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng Cục, Văn phòng Bộ, các Viện trực thuộc Bộ Y tế…;
Về phía WHO có: Tiến sĩ Lokky Wai - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế Giới tại Việt Nam; bà Socorro Escalate - Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống Y tế Văn phòng WHO tại Việt Nam và các chuyên gia của WHO trong lĩnh vực hoạch định chính sách.
Bộ trưởng Bộ Y tế nghe tham vấn của Tổ chức Y tế thế giới. ảnh: moh.gov.vn |
Đối với cải cách bệnh viện công, WHO đề xuất trước khi trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các bệnh viện thì 3 điểm sau cần được thông qua trong chính sách:
- Khung pháp lý phải đủ mạnh để giám sát và kiểm soát cả bệnh viện công và bệnh viện tư, trong đó phải quy định rõ trách nhiệm của chính quyền từ trung ương đến địa phương trong phát triển khối bệnh viện và xây dựng một cơ chế pháp lý đối với bệnh viện tuyến hai, tuyến 3; phát triển bệnh viện theo nguyên tắc minh bạch khi thành lập, nâng cấp mở rộng dựa trên nhu cầu của người dân…
- Giải pháp tài chính cho bệnh viện công: bao gồm tài chính cho đầu tư xây dựng cơ bản có thể được huy động từ vốn vay ngân hàng với sự đảm bảo của Chính phủ (thay cho việc huy động vốn từ nhân viên, các nhà đầu tư cá nhân…), tài chính cho chi phí hoạt động thường xuyên từ giá dịch vụ cần được xây dựng dựa trên chi phí hợp lý để bệnh viện có thể phục hồi chi phí thường xuyên…, đồng thời tăng đầu tư của Chính phủ vào chăm sóc sức khỏe ban đầu…
- Chuẩn hóa hệ thống kế toán bệnh viện và qui định báo cáo tài chính công khai: phải có hệ thống kế toán bệnh viện được chuẩn hóa với các biện pháp kiểm toán có hiệu quả trên toàn quốc, thông tin tài chính cần phải được báo cáo một cách minh bạch cho các bên liên quan, kể cả người dân.
Tiến sĩ Lokky Wai và các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới. ảnh: moh.gov.vn |
Đối với giải pháp tăng cường đạo tạo y khoa nâng cao chất lượng chăm sóc tại Việt Nam: Cần phải có một định hướng phát triển nghề y rõ ràng tại Việt Nam, cùng với một hệ thống để tăng cường chất lượng cho nguồn nhân lực y tế hiện nay, đặc biệt là những người làm việc ở cấp chăm sóc ban đầu, khi đó cần ưu tiên:
- Thực hiện lộ trình cải cách tổng thể giáo dục y khoa: triển khai chương trình đào tạo dựa trên năng lực với mục đích chuẩn bị nhân lực y tế đáp ứng các nhu cầu của người dân, phát triển đội ngũ giảng viên y khoa đã được đào tạo tại các trường đại học và bệnh viện, áp dụng cơ chế nhằm kiểm định chất lượng đào tạo y khoa, đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng sinh viên đầu ra, nội dung chương trình đào tạo…
- Tái cơ cấu các hướng đào tạo sau đại học của ngành y: để xác định danh mục các chuyên khoa đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện tại và tương lai của người dân, cần xây dựng một khung đào tạo được thiết kế cẩn thận cho đào tạo chuyên khoa, chuyên khoa sâu và định hướng lựa chọn nghề nghiệp theo hướng đi sâu về thực hành lâm sàng hay nghiên cứu hàn lâm.
Việc đạt được các tiêu chuẩn tối ưu trong đào tạo y khoa vẫn là mục tiêu quan trọng trên hết để có được dịch vụ y tế có chất lượng và an toàn ở cấp độ chăm sóc ban đầu và chăm sóc chuyên khoa.
Đối với đẩy mạnh sử dụng y tế cơ sở tại Việt Nam: WHO nhận thấy bản chính sách cần đưa ra các giải pháp nhằm củng cố y tế cơ sở và tăng cường năng lực đáp ứng y tế cơ sở với cá nhu cầu y tế ngày càng gia tăng do sự gia tăng bệnh mạn tính không lây và già hóa dân số:
- Chứng nhận hoặc cấp phép lại cho các bác sĩ/ cơ sở hành nghề khám chữa bệnh tư nhân: Xây dựng quy chế quản lý y tế tư nhân, đảm bảo chất lượng thầy thuốc tư nhân thông qua xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề, tiêu chí về việc tuân thủ các tiêu chuẩn này, thực hiện sàng lọc và đánh giá kỹ năng các bác sĩ tư nhân.
- Lồng ghép các bác sĩ/ đơn vị y tế tư nhân hành nghề khám chữa bệnh ban đầu vào mạng lưới chung cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu của huyện, trong đó bao gồm cả y tế công và y tế tư.
- Củng cố nâng cao nguồn nhân lực hiện có: Nâng cấp các bác sĩ hiện đang phục vụ tại đơn vị y tế tuyến xã thông qua kết hợp đào tạo nâng cao hay đào tạo sau đại học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng y học gia đình; Đào tạo một đội ngũ bác sỹ chuyên khoa y học gia đình để làm lực lượng bổ trợ cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Để cải cách cách cung cấp dịch vụ y tế tuyến cơ sở cần thiết lập một cơ chế tài chính ổn định và bền vững, tốt nhất là theo mô hình một đơn vị chi trả thống nhất.
Theo đó, cần cải cách phương thức chi trả Bảo hiểm y tế theo hướng khuyến khích cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, liên tục và toàn diện.
Sau khi nghe các chuyên gia WHO tham vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết những ý kiến tham vấn của các chuyên gia WHO là những đóng góp vô cùng quý báu cho quá trình xây dưng chính sách y tế nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung.
Bộ Y tế mong muốn tiếp tục được các chuyên gia WHO hỗ trợ trong nhiều vấn đề khác của ngành y tế Việt Nam.