Liên quan đến phiên xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, chiều ngày 7/5, Hội đồng xét xử TAND Tối cao đã giữ nguyên án sơ thẩm đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Số tiền 1,6 triệu USD được chia chác như thế nào là điều bí ẩn
Tại những phiên xét xử trước, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) khai: Sau khi mua ụ nổi 83M, Công ty AP có “lại quả” 1,66 triệu USD nên anh Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN), anh Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) chỉ đạo bị cáo nhận tiền. Sau đó, bị cáo đã lập hợp đồng khống giữa Công ty AP và công ty của em gái bị cáo (Công ty Phú Hà - PV) để ông Goh, GĐ Công ty AP (đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M) chuyển tiền vào. Sau đó, bị cáo được anh Dũng chỉ đạo chia:
Anh Dũng 10 tỉ đồng, anh Phúc 10 tỉ đồng, anh Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines) 340 triệu đồng và còn lại bị cáo được 7,8 tỉ đồng. Bị cáo và lái xe đã đến khách sạn Victory để đưa 5 tỉ đồng cho anh Dũng. Còn lần đưa 5 tỉ đồng cho Dũng ở Hải Phòng là do Huyền em gái bị cáo đưa.
Bị cáo Trần Hải Sơn |
Theo bị cáo Sơn, việc đưa tiền diễn ra vào 17 giờ 30 phút ngày 6-7-2007 tại khách sạn Victory. Tuy nhiên, Dũng cự lại rằng thời điểm đó Dũng đang ở trên máy bay. Cựu chủ tịch Vinalines cũng cho rằng giữa bị cáo và Trần Hải Sơn chỉ có mối quan hệ bình thường. Mãi đến khi cơ quan điều tra vào cuộc bị cáo mới biết có khoản tiền “lại quả” 1,66 triệu USD. Bị cáo Dũng khẳng định không làm việc trực tiếp với công ty của Nga và Singapore để đàm phán mua ụ nổi và không biết việc Công ty AP chuyển 1,66 triệu USD qua Công ty Phú Hà.
Bị cáo Dũng cũng “thề có trời đất chứng giám không có chuyện nhận 10 tỉ đồng từ Trần Hải Sơn”.
Tại phiên tòa, luật sư Trần Đình Triển (LS bảo vệ quyền lợi cho Dương Chí Dũng), cho biết chuyến đi Singapore của ông đã thu thập được nhiều tài liệu chứng minh bị cáo Dương Chí Dũng không có liên quan đến khoản tiền “lại quả” 1,66 triệu USD và công bố “Bản khai tuyên thệ trước pháp luật” của ông Goh Hoon Seow đã được công chứng.
Trong bản khai, ông Goh - Giám đốc Công ty AP, đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M, cho biết việc thanh toán mua ụ nổi 83M được thực hiện dưới hình thức tín dụng thư. Số tiền 1,66 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Khi ký thỏa thuận, AP không hề biết Công ty Phú Hà.
Ông Goh khẳng định không yêu cầu ông Sơn mở tài khoản của Phú Hà tại Ngân hàng UOB. AP lần đầu nghe tới tên Phú Hà qua Công ty Global Success (Nga) với tư cách là một công ty sẽ nhận các khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu ụ nổi 83M. “Tôi không thỏa thuận với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,66 triệu USD” - bản khai viết.
Theo nội dung bản khai, ông Goh cho biết có biết ông Dũng và các con của ông Dũng khi họ học tại Singapore. “Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ liên lạc, bàn bạc cá nhân hay gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng không liên lạc hay bàn bạc với ông Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) về việc bán ụ nổi 83M. Tôi chỉ gặp ông Phúc 1 lần và chào xã giao tại trụ sở Vinalines ở Hà Nội cùng với ông Chiều, ông Sơn và người phiên dịch” - ông Goh viết.
Trần Hải Sơn "ăn mảnh" 1,6 triệu USD tiền lại quả?
Tương tự, bị cáo Mai Văn Phúc phản bác, bị cáo chỉ nhận của Trần Hải Sơn 1 lần cuối năm 2008 là 1 chai rượu và 2 triệu đồng trong phong bì. Ngoài ra, bị cáo này cũng cho rằng lời khai của Sơn đưa tiền cho bị cáo 10 tỉ đồng và gặp con trai bị cáo ở nhà là không đúng vì lúc đó con trai lớn bị cáo đang học ở nước ngoài, đứa còn lại thì chỉ 10 tuổi.
Bị cáo Mai Văn Phúc (Ảnh Tuổi trẻ) |
Về lần mang 2,5 tỷ đồng đến nhà Phúc ở quê An Dương, Hải Phòng, Trần Hải Sơn khai khá chi tiết: Tiền để trong một túi nilon màu đen. Hôm đó em rể lấy xe chở Sơn đi, chiếc xe 7 chỗ không vào trong ngõ nhà Phúc được. Bị cáo xuống xe ở đầu ngõ, đi bộ vào khoảng 200m. Hôm đó nhà Phúc đang có việc, khá đông người. Bị cáo vào phòng khách, có bộ bàn ghế, chỉ ngồi chừng mươi phút rồi ra về”.
Khi được luật sư yêu cầu mô tả đường về nhà Mai Văn Phúc, Sơn trình bày: Từ quốc lộ 10 rẽ xuống, đi qua một quãng đồng rồi đến rìa làng. Từ đây đi bộ vào nhà Phúc.
Mai Văn Phúc phản bác: Nhà bị cáo không kê bàn ghế ở gian giữa và không có buồng. Sơn khai bị cáo nhận tiền mang vào buồng cất là vô lý. Tại phiên tòa, Mai Văn Phúc nói bóng gió đến việc Trần Hải Sơn có nhận hơn 1,6 triệu USD tiền lại quả nhưng “ăn mảnh” không chia cho Phúc nhưng cứ đổ vấy cho người khác.
Giải thích về khoảng cách giữa những lần đưa tiền cách xa nhau, Trần Hải Sơn cho biết: Do phải tập trung sửa chữa ụ nổi ở Nha Trang. Ngoài ra, thời điểm đó Vinalines vướng vào vụ gây ô nhiễm môi trường nên gần Tết mới thu xếp được thời gian đưa tiền cho Phúc.
Khi được yêu cầu khai cụ thể về lần đưa cho Phúc 2,5 tỷ đồng tại nhà của Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long. Sơn nói: Bị cáo nhờ em gái Hải Hà gửi 2 tỷ đồng qua tài khoản của em rể tên Hưng. Bị cáo có 500 triệu đồng tiền mặt cầm theo nữa là đủ. Sau đó, Hưng đến đón Sơn đưa đến nhà Phúc. Lần đưa tiền thứ hai cũng tại làng quốc tế Thăng Long, bị cáo nhờ em gái Hải Huyền chuẩn bị cho 3 tỷ còn khoản 2 tỷ đồng rút bằng chứng minh thư từ Ngân hàng Hàng hải.
Để xác định tính xác thực của lời khai này, HĐXX mời ông Nguyễn Tuấn Khang là đại diện Ngân hàng cổ phần thương mại Hàng hải Việt Nam trả lời một số câu hỏi.
Theo ông Khang, Ngân hàng Hàng hải không giới hạn về lượng tiền rút. Tài liệu hồ sơ giao dịch tại ngân hàng được lưu giữ trong 30 năm. Tuy nhiên, trong công văn trả lời cơ quan điều tra, ngân hàng này cho biết phần mềm của Ngân hàng Hàng hải không tra soát được thông tin về lần rút tiền của Trần Hải Sơn như lời khai của bị cáo.Và ông này đề nghị tòa cho thu hẹp hơn thời gian tra soát giao dịch.
Cho rằng lời khai của Sơn không có cơ sở nên luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi khá chi tiết. Vị luật sư này yêu cầu Sơn tả kỹ về chiếc cặp Sơn dùng để đựng tiền đưa Phúc. Sơn trả lời, đó là túi có thể đựng máy tính, khá lớn, không nhớ có bao nhiêu ngăn. Sơn cũng không nhớ cách nào đưa tiền vào, bỏ nguyên túi đựng tiền vào cặp hay bỏ tiền ra sắp xếp lại.
Sau khi bị cáo Sơn trả lời, luật sư Thiệp đặt câu hỏi: 2,5 tỷ, nếu là tiền 500.000 đồng thì là 50 cọc tiền. Nếu số tiền ấy đựng trong túi nilon thì có đút luôn vào cặp được không?
Sơn khẳng định ngay: Đút thừa sức. Luật sư Thiệp lập tức đề nghị tòa thực nghiệm lại động tác này.
Như vậy, khoản tiền lại quả 1,66 triệu USD từ nước ngoài chuyển về Việt Nam là có, người nhận có nhưng nó được chia chác như lời Trần Hải Sơn hay không xem ra vẫn còn là điều bí ẩn. Mới chỉ kiểm chứng vài chi tiết trong lời khai của Trần Hải Sơn đã thấy sự bất nhất, liệu những lời khai của bị cáo Sơn có đảm bảo làm căn cứ buộc tội các bị cáo khác, nhất là bị cáo đó ở vào tội danh có khung hình phạt tử hình. Do đó, phán quyết như thế nào trong phiên xử hôm nay quả là việc khó khăn cho tòa án.