Triển vọng tích cực cho quan hệ thương mại Mỹ-Trung trong năm 2019

04/02/2019 06:21
Thanh Bình
(GDVN) - Năm 2019, quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ có triển vọng tích cực hơn năm 2018. Bởi lẽ, quan hệ kinh tế thương mại là nền tảng của quan hệ giữa hai cường quốc.

Triển vọng năm 2019, quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ sẽ diễn biến như thế nào, có thể tránh được tranh chấp thương mại toàn diện hay không? Trung Quốc sẽ áp dụng phương thức nào để đối phó?

Mặc dù Tổng thống Mỹ, Donlad Trump hào hứng đối với tranh chấp thương mại nhưng theo các chuyên gia nhận định tranh chấp thương mại không hoàn toàn có lợi với Mỹ.

Điều này thể hiện ở xu thế kinh tế, thị trường tài chính biến động, sóng gió chính trị nội bộ, phản ứng của giới doanh nghiệp Mỹ…

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau lần đầu tiên tại Mar-a-Lago, Florida tháng Tư năm 2017. Ảnh: Al Jazeera.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau lần đầu tiên tại Mar-a-Lago, Florida tháng Tư năm 2017. Ảnh: Al Jazeera.

Việc cùng Trung Quốc đạt được thỏa thuận, tránh ảnh hưởng tiêu cực đối với Mỹ do tranh chấp thương mại leo thang cũng phù hợp với nhu cầu thực sự của nước Mỹ.

Nhìn từ thị trường tài chính, sau khi Mỹ áp thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ tháng 10/2018 đến nay, thị trường tài chính Mỹ xuất hiện trạng thái giảm sâu rõ nét.

Tính đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/12/2018, chỉ số S&P500, Dow Jones, Nasdaq lần lượt giảm 16%, 15% và 20% so với mức đỉnh trong năm.

Thị trường tài chính Mỹ biến động mạnh, thể hiện rõ tâm lý hoang mang của các nhà đầu tư, mặc dù vấn đề này có liên quan đến các nhân tố cơ bản như Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất…, nhưng mặt khác cũng chịu ảnh hưởng từ tính khó đoán định của tranh chấp thương mại. [1]

Xét từ khía cạnh nền tảng kinh tế Mỹ, kinh tế Mỹ có thể đã đạt đến đỉnh điểm của giai đoạn này. Quý 3/2018, tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt kỳ vọng đạt 3,5%.

Điều này chủ yếu do lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện dưới tác động của cải cách thuế, tỷ lệ thất nghiệp thấp và thu nhập người dân tăng có liên quan mật thiết đến việc thúc đẩy chi tiêu gia tăng.

Tuy nhiên, cùng với hiệu ứng tích cực từ cải cách thuế yếu dần trong năm 2019, tác động tiêu cực của tranh chấp thương mại ngày càng rõ nét, không gian chính sách tài chính của Mỹ ngày càng thu hẹp, kinh tế Mỹ sẽ chịu nhiều áp lực hơn.

Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra, năm 2019 tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống 2,5%. [2]

Dự báo quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ giảm nhiệt trong năm 2019 (Ảnh: Reuters).
Dự báo quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ giảm nhiệt trong năm 2019 (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, tranh chấp thương mại có thể sẽ đẩy cao lạm phát của Mỹ. Trong danh sách 200 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, các sản phẩm gia dụng, giầy da đều được đưa vào phạm vi áp thuế bổ sung.

Trong khi đó, hơn 50% sản phẩm này được Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nên thuế bổ sung chắc chắn sẽ làm gia tăng áp lực tăng giá đối với hàng hóa trong nước Mỹ.

Nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục tăng cường áp thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì chắc chắn sẽ làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng Mỹ do có đến 90% ô và hàng dệt may đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Không những thế, lạm phát tăng lên buộc Mỹ phải thắt chặt chính sách tiền tệ, tiếp tục tăng lãi suất. Đây cũng là điều mà Tổng thống Donald Trump không mong muốn do trước đây ông đã lớn tiếng chỉ trích việc FED tăng lãi suất. Theo đó, sự bất đồng trong hoạch định chính sách của nước Mỹ có thể sẽ tăng lên. [3]

Xét từ góc độ doanh nghiệp Mỹ, tác động của tranh chấp thương mại đối với giá thành của doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu được thể hiện.

Ví dụ, nhà sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất toàn cầu Caterpillar gần đây cho biết thuế nhập khẩu sắt thép và chi phí vận chuyển tăng dẫn đến công ty phát sinh thêm khoản chi phí hơn 40 triệu USD trong quý cuối năm 2018.

Hãng ô tô Ford cũng phản ánh thuế sắt thép đã khiến lợi nhuận của công ty giảm 1 tỷ USD.

Thời gian qua, nhiều nghị sỹ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ cũng đã đều tích cực hối thúc Chính quyền Donald Trump cho phép doanh nghiệp nộp đơn đăng ký miễn áp thuế bổ sung vòng mới nhất đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn cân nhắc không để xung đột thương mại leo thang do vấn đề này có ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế.

Triển vọng tích cực cho quan hệ thương mại Mỹ-Trung trong năm 2019 ảnh 3Donald Trump làm tới, Trung Quốc sẽ mất thế và lực hung hãn trên Biển Đông

Xét về ngắn hạn, nhà nhập khẩu và bán lẻ của Mỹ có không gian điều chỉnh nhất định, nhưng về dài hạn thị trường xuất khẩu thay thế Mỹ không dễ tìm được.

Điều đó sẽ ảnh hưởng đến triển vọng đầu tư, lòng tin của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất sâu rộng. [4]

Ví dụ, sau khi xảy ra tranh chấp thương mại, về lý thuyết xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ có thể chuyển sang các quốc gia khác.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tỷ trọng hàng hóa của Trung Quốc trong hạn ngạch nhập khẩu của một số nước xuất khẩu lớn khác cũng đã tương đối cao, không gian để nâng cao tỷ lệ xuất khẩu và tỷ lệ chiếm hữu thị trường rất hạn chế, muốn tìm được thị trường xuất khẩu thay thế Mỹ rất khó khăn.

Tháng 11/2018, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 10,2% so với cùng kỳ, giảm 9,8 điểm phần trăm so với mức tăng 20% của tháng trước đó. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 7,8%, giảm 17,9% so với mức tăng 25,7% của tháng trước đó.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống mức còn một con số, trái với tăng trưởng cao của thương mại Trung Quốc cho thấy hiệu ứng kích thích tranh thủ xuất khẩu để tránh tranh chấp thương mại đã yếu đi.

Điều đặc biệt quan trọng là không thể xem nhẹ ảnh hưởng của tranh chấp thương mại Trung-Mỹ đối với chuỗi ngành nghề. Ảnh hưởng này là khó có thể tính toán chính xác bằng mô hình số học.

Ví dụ, xuất phát từ sự lo ngại đối với sự khó định của viễn cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, ngày càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia có sự do dự đối với việc đầu tư vào Trung Quốc.

Ví dụ, để tránh thuế nhập khẩu cao của Mỹ, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã xem xét lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và dự định chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Tập đoàn Apple tỏ ra lo ngại với việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, do Trung Quốc có chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh, thị trường lớn nên các doanh nghiệp Mỹ cũng rất khó từ bỏ thị trường khổng lồ này.

Theo các chuyên gia, năm 2019, quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ có triển vọng tích cực hơn năm 2018. Bởi lẽ, quan hệ kinh tế thương mại là nền tảng của quan hệ giữa hai cường quốc số 1 và số 2 thế giới.

Có thể hai nước đang có những xung đột, bất đồng về các chiến lược liên quan đến địa chính trị nhưng chắc chắn ý thức hệ của hai nước không dễ thay đổi đột ngột. [5]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.voanews.com/a/stuck-in-trade-war-us-and-china-face-uncertain-path-to-deal/4477725.html

[2] https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2019/01/11/weo-update-january-2019

[3] http://english.sina.com/buz/f/2019-01-30/detail-ihqfskcp1698460.shtml

[4] https://www.cnbc.com/2018/12/14/impacts-of-trumps-china-trade-war-will-last-for-generations.html

[5] Tham khảo TLTK số 006-TTX ngày 07/01/2019 của Thông tấn xã Việt Nam

Thanh Bình